Khúc sông thuộc xã Sơn Đồng cứ vào những ngày trời nồm là trở nên đen đặc, bốc mùi.
Mỗi năm có đến hàng chục người già, trẻ chết vì ... ung thư, khiến người
dân xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) vô cùng hoang mang. Họ cho rằng, ô
nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và không khí là nguyên nhân dẫn đến tình
trạng này.
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc, căn bện ung thư vẫn từng ngày cướp đi sinh mạng của người dân nơi đây...
Nhà nhà cửa đóng then cài giữa ban ngày vì mùi hôi thối
Cách nội thành chưa đầy chục km, song
môi trường ở xã Sơn Đồng lại đang rất báo động, cả nước ngầm, nước mặt,
không khí đều vượt hàng chục, thậm chí cả trăm lần tiêu chuẩn cho phép.
Chúng tôi về Sơn Đồng vào một ngày
cuối tháng 11, mặc dù còn cách sông T2, con sông chảy qua 3 xã khoảng
3km, nhưng tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc thốc lên. Đứng trên
hai cây cầu Sơn Đồng 1 và 3 vài phút mà tôi có cảm giác ngạt thở, bởi
mùi xú uế bốc lên từ con sông nước đen ngòm, sủi bọt, đặc quánh đủ thứ
rác thải này.
Chị Khánh Thị Lan, tổ viên tổ thu gom
rác xóm Đồng dẫn tôi ra sông T2, chỉ tay xuống dòng sông đen ngòm bức
xúc nói: "Niều năm nay rồi, nhất là mỗi dịp giáp tết, các làng nghề làm
miến dong thuộc các xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai phía thượng nguồn
vào mùa sản xuất thì tình trạng ô nhiễm càng khủng khiếp hơn. Bao nhiêu
phế liệu họ đều đổ tất ra sông, chảy đến Sơn Đồng thì gặp hai cây cầu
tắc lại, nên người dân ở đây phải gánh cả. Không chỉ vậy, những hộ ven
sông còn tùy tiện vứt rác, lợn, gà chết luôn xuống sông, không biết có
phải do ô nhiễm gây ra hay không, nhưng gần đây ở Sơn Đồng có rất nhiều
người chết vì ung thư, ngay thôn tôi mỗi năm có đến cả chục người".
Về Sơn Đồng, chúng tôi nhận thấy một
điểm chung là hầu như nhà nào cũng "cửa đóng, then cài" kín bưng như hũ,
kể cả các trường học, trạm y tế, đến nhà văn hóa thôn UBND xã cũng đều
phải đóng cửa, để hạn chế mùi xú uế bốc lên từ con sông chết T2.
Tìm đến nhà ông Nguyễn Viết Hải -
Trưởng xóm Rô, thấy cửa đóng, tôi định quay ra, thì một người dân bảo:
"Anh gọi đi, ông ấy đang trong nhà đấy, ở đây nếu nhà ai đi làm quên
không đóng cửa thì đêm về không tài nào ngủ được, bởi mùi xú uế ám hết
vào quần áo, chăn màn". Gặp ông Hải, ông lắc đầu ngán ngẩm rồi "kéo" tôi
ra phía bờ sông T2 buồn rầu: "Ô nhiễm đến mức này rồi mà nhiều lãnh đạo
cấp trên vẫn bảo chưa ô nhiễm. Chỉ cần về ở với chúng tôi vài ngày sẽ
biết "mùi" ô nhiễm như thế nào ngay!".
Khúc sông thuộc xã Sơn Đồng. |
Trẻ không tha, già không thương
Ông Hải bảo, ông không dám khẳng định
sự ô nhiễm môi trường chính là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt người
ở thôn mắc bệnh ung thư, nhưng có một sự thực đáng sợ là từ khi làng
nghề miến dong ở xã Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai phát triển và nước
sông chuyển từ màu trong xanh sang màu đen, bốc mùi hôi thối, thì cũng
là lúc ở thôn xuất hiện hàng loạt người mắc bệnh ung thư. "Năm nào thôn
cũng có người chết vì ung thư, có năm lên đến hơn 10 người. Người thì bị
ung thư phổi, vòm họng, dạ dày... Các thôn khác còn có tỷ lệ chết do
ung thư cao hơn thôn tôi nhiều".
Theo ông Trần Quang Trung - Chủ tịch
UB Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Đồng, căn bệnh ung thư xuất hiện và hoành
hành mạnh ở xã khoảng 5-7 nằm gần đầy. Những năm trước chỉ có vài trường
hợp, nhưng hàng năm đều tăng vọt, đến nay trung bình mỗi năm xã có
khoảng 45 - 50 người chết, trong đó gần 40 người mắc bệnh ung thư.
Để làm rõ những thông tin trên, chúng
tôi tìm đến Trạm Y tế xã, bác sĩ Nguyễn Thị Hòa - Trạm trưởng Trạm Y tế
xã Sơn Đồng thừa nhận tình trạng ô nhiễm ở xã là rất nặng, vì chỉ cách
bờ sông chừng 30m nên Trạm Y tế phải thường xuyên đóng kín cửa.
"Trung bình mỗi năm xã có khoảng 50 ca
tử vong, trong đó khoảng 20 ca ung thư, còn lại chưa xác định rõ. Cụ
thể năm 2011 có 49 ca tử vong (14 ca ung thư), năm 2013 có 54 ca tử vong
(18 ca ung thư) và từ đầu năm đến nay có 59 ca tử vong (13 ung thư)" -
bác sĩ Hòa cho hay.
Bác sĩ Hòa cho biết thêm, đa số là
bệnh ung thư phổi, vòm họng, dạ dày và một số trường hợp ung thư đại
tràng, gan, tụy. "Ngoài ra hàng tháng chúng tôi khám dự phòng cho khoảng
200 cháu, trong đó đa số mắc bệnh về đường hô hấp, ruột..." - bác sĩ
Hòa nói.
Điều đáng lo lắng là, những ca chết vì
ung thư ở đây đều đang ở độ tuổi còn rất trẻ chỉ độ 40 tuổi, nhiều gia
đình có tới 4-5 người chết vì ung thư.
Chị Doãn Thị Hương, xóm Rô buồn rầu kể
lại: "Năm 1990, chị gái chồng tôi mất vì ung thư dạ dày khi mới 32
tuổi, năm 2006 chồng tôi bị mắc bệnh ung thư não, hai năm sau thì mất,
khi đó anh mới 45 tuổi. Bố chồng mất vì ung thư phổi, mẹ chồng mất vì
ung thư dạ dày". Nói đến đây giọng bà Hương nghẹn lại, đưa tay gạt nước
mắt, bà Hương kể tiếp. "Năm 2000, cô em gái chồng cũng ra đi vì ung thư
não khi mới ngoài 30 tuổi. Năm ngoái 2012, chồng cô ấy (Nguyễn Bá Út)
cũng ra đi vì bệnh ung thư phổi bỏ lại hai đứa con thơ dại".
Từ khi bố mẹ mất, Nguyễn Bá Kiên 16
tuổi con ông Út trở thành đứa trẻ mồ côi. Kiên cho biết, em có một chị
gái đã đi lấy chồng, nên em về ở với bác ruột. "Đang học lớp 9 thì tai
họa liên tục ập đến gia đình em, không còn chỗ dựa em đành phải nghỉ
học" - Kiên buồn rầu cho hay.
Chúng tôi về xóm Ươm tơ, khi nhắc đến
gia cảnh của gia đình ông Nguyễn Vinh Phú ai cũng tỏ ra thương xót, bởi
cả hai vợ chồng đều ra đi vì bệnh ung thư bỏ lại đứa con thơ dại. Anh
Dũng con ông Phú nghẹn ngào kể lại: "Khi tôi 10 tuổi thì bố tôi phát
hiện ung thư phổi, gia cảnh nghèo nên mẹ tôi phải sớm hôm ngoài đồng để
kiếm tiền mua thuốc cho bố, trong nhà có thứ gì cũng đã bán hết, nhưng
cũng không kéo thêm được sự sống của bố. Vài năm sau mẹ tôi lâm bệnh,
nhưng bà cố giấu vì biết nhà không có tiền."
Giải pháp trên...giấy
Theo ông Hải, sở dĩ tỷ lệ người mắc
bệnh ung thư ở Sơn Đồng ngày một tăng, là vì 100% người dân ở xã đều sử
dụng nguồn nước giếng khoan, bởi ở đây chưa có nước máy: "Trước đây ở
khu vực này người dân đa số dùng nước giếng khơi, từ khi nước sông T2 ô
nhiễm thì chuyển sang dùng nước giếng khoan hoặc nước mưa. Nhưng gần đây
nước giếng khoan rất ô nhiễm, nước bơm lên có màu vàng, để lâu chuyển
sang màu đen, mùi thum thủm nên hầu như tôi chỉ dùng nước mưa, nhưng vẫn
phải lọc qua máy RO" - ông Hải cho hay.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào
cũng có điều kiện để mua máy lọc, do đó nhiều hộ vẫn phải dùng trực tiếp
nước giếng khoan để sinh hoạt. Song nguồn nước ở đây không chỉ ô nhiễm
mà còn bị nhiễm asen rất nặng. Về vấn đề này, bà Viết Thị Thoa - Hội Phụ
nữ xã Sơn Đồng cho biết, năm 2012 Viện Khoa học công nghệ (thuộc Bộ
Khoa học công nghệ) đã về lấy khoảng 30 mẫu nước ở sông, ao, hồ, giếng,
xét nghiệm. "Tất cả 100% mẫu đều bị nhiễm asen, COD, H25, NH3... đều
vượt hàng trăm lần cho phép. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng
đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay không được giải quyết mà tình
trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề hơn"- bà Thoa cho hay.
Ông Trung cho biết thêm, hồi đầu năm
2014 đoàn kiểm tra của huyện Hoài Đức đã về xã lấy mẫu nước sinh hoạt
tại một số hộ dân ven sông kiểm tra. Kết quả, các chỉ số ô nhiễm thấp
nhất là từ 30-40% và cao nhất lên tới 100-150%. Cũng theo ông Trung, năm
2010 thành phố đã phê duyệt dự án xử lý nước thải ở xã Dương Liễu, tuy
nhiên không hiểu lý do gì đến nay dự án này vẫn chưa khởi công.
Ông Nguyễn Trọng Lương - Phó phòng
TNMT huyện Hoài Đức thừa nhận, tình trạng một số làng nghề trên địa bàn
xã Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai gây ô nhiễm ở xã Sơn Đồng là có. "Đúng
là môi trường ở xã Sơn Đồng đang ô nhiễm ở mức báo động. Song việc ô
nhiễm có gây ung thư hay không thì tôi không dám chắc, vì ở nơi khác
không ô nhiễm nhưng vẫn bị ung thư?" - ông Lương nói.
Ông Lương cho biết thêm, huyện đã có
quy hoạch "công tác bảo vệ môi trường 2010-2020), trong đó có 50 điểm
trung chuyển rác, đồng thời phối hợp với Công ty Thủy nông Đan Hoài thau
rửa khi vào mùa lấy nước.
"Hiện thành phố đã có kế hoạch xây
dựng ba trạm xử lý rác thải tại xã Dương Liễu, Sơn Đồng và một trạm ở
Vân Canh, các dự án đang làm thủ tục thu hồi đất, nhưng vì chưa có kinh
phí nên chưa triển khai được. Còn nước sạch đến nay vẫn chưa có kế
hoạch" - ông Lương cho hay.
0 Nhận xét