TMSS: Không hiểu sao một số trang đã gỡ bài này xuống? Nhạy cảm chăng? Ôi mạng sống trẻ thơ sao rẻ mạt đến vậy!
------------------------------------------------------------------
Vì sao Bộ Y tế "bỏ quên" 146 trẻ chết vì sởi?
Trong báo cáo dịch bệnh 6 tháng đầu năm 2014, Bộ Y tế không nhắc đến dịch sởi đã cướp đi sinh mạng của 146 trẻ, khiến cho cả triệu gia đình điêu đứng. Phải chăng Bộ Y tế mắc căn bệnh thành tích? .
Trẻ nằm điều trị sởi tại BV Nhi Trung ương |
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, dịch bệnh năm 2014 giảm đáng kể so
với năm 2013, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm. Báo cáo chỉ ra cụ thể
như sau: Kết quả giám sát nhiều dịch bệnh lưu hành có số mắc và tử vong
thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013:
Bệnh viêm đường hô hấp cấp vùng Trung
Đông (MERS-CoV), Cúm A(H7N9) tiếp tục được ngăn chặn, không xâm nhập vào
Việt Nam. Bệnh tay chân miệng có số mắc giảm 4,8%, tử vong giảm 10
trường hợp. Sốt xuất huyết có số mắc giảm 49,1%, tử vong giảm 06 trường
hợp.
Bệnh nhân sốt rét giảm 45,93%, bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét giảm 13,64%, không có dịch sốt rét xảy ra. Viêm não vi rút có số mắc giảm 10,8%, tử vong giảm 06 trường hợp. Bệnh dại có số tử vong giảm 14 trường hợp. Bệnh liên cầu lợn có số mắc giảm 72%, tử vong giảm 01 trường hợp. Các bệnh truyền nhiễm khác đều có số mắc giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2013 và không ghi nhận ổ dịch tập trung.
Nhiều gia đình kiệt quệ vì dịch sởi. Ảnh VNN |
Trong bảng báo cáo tổng kết 6 tháng đầu
năm 2014 của Bộ Y tế, nhiều người thở phào vì công tác phòng chống dịch
bệnh của ngành y đạt kết quả tốt.
Song,
ngạc nhiên thay, Bộ Y tế không nhắc một câu nào về dịch sởi, vốn đã lấy
đi không ít nước mắt của nhiều gia đình, sức lực của các bác sĩ đã từng
làm việc gần như quay cuồng trong 4 tháng từ tháng 2 đến tháng 5.
Chúng tôi xin nhắc lại con số đau lòng
này: Tính từ đầu năm đến hết tháng 6 vừa qua cả nước có 146 trẻ tử vong
có liên quan đến sởi. Con số đau lòng này chỉ thua dịch tay chân miệng
lớn nhất từ trước đến nay (năm 2011 với 166 trẻ em tử vong!)
.
Con số tử vong đó khiến người ta ám ảnh,
nhất là khi dư luận đặt câu hỏi vì sao hơn 100 trẻ tử vong nhưng Bộ Y
tế vẫn không công bố dịch mà chỉ thông báo dịch nằm trong tấm kiểm
soát?
Nhớ lại cách đây 2 tháng, nước mắt đã
rơi không biết chừng nào ở tâm của dịch sởi. Nhiều bác sĩ chứng kiến các
thiên thần không qua khỏi đã phải rơi nước mắt.
Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện
Nhi Trung ương đã khóc khi đón một vị lãnh đạo cao cấp tới thăm và thị
sát tình hình khám, chữa bệnh sởi trong những ngày đỉnh dịch. Những giọt
nước mắt ấy và quang cảnh đau đớn trong những phòng bệnh không chỉ của
riêng người nhà bệnh nhi mà có cả của bác sĩ.
Khi chúng tôi ghé thăm khoa Truyền nhiễm
bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã thốt lên rằng họ không biết
nghỉ ngơi là gì. Có những điều dưỡng mang bầu vẫn cặm cụi chăm sóc trẻ
bị sởi. Có những đôi bàn tay đã chảy máu, khô cứng lại vì tần suất làm
việc cao. Họ không thể bóc được những lọ thuốc tiêm.
Người dân cả nước không bao giờ quên những nỗi đau nơi tâm sởi. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Bệnh viện Đa Khoa Xanh pôn còn thốt lên
rằng "các bệnh nhân của tôi khổ quá, giường bệnh tràn ra cả hành lang
vẫn không có chỗ cho các cháu nằm". Nhìn trẻ nhỏ bị sởi phải nằm điều
trị ở hành lang, bác sĩ, điều dưỡng chỉ còn biết lau giọt nước mắt và tự
mình an ủi cố gắng vì tình thương giữa con người với con người.
Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia y tế cho rằng phải công bố dịch
bệnh để cả hệ thống chính trị vào cùng chống dịch. Giáo sư Nguyễn Thanh
Liêm nguyên giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương đã cho rằng cần công bố
dịch để có thể kiểm soát dịch tốt hơn.
Vậy mà Bộ Y tế vẫn cho rằng không phải
công bố dịch và chỉ công bố khi nào có hai tỉnh thành phố công bố dịch.
Có lúc, Bộ cho rằng dịch sởi xảy ra là do tuyến dưới thực hiện thờ ơ.
Hàng loạt các công văn, văn bản chỉ đạo gửi đi từ lâu nhưng địa phương
không để ý.
Điều này đã khiến dư luận sôi sục. Người
ta cho rằng Bộ Y tế vẫn muốn giữ thành tích thanh toán bệnh sởi trong
vài năm tới và giấu dịch. Và đến nay, Bộ Y tế một lần nữa "bỏ qua" dịch
sởi khi không đưa vào báo cáo tình hình các bệnh dịch đầu năm 2014, vẫn
tiếp tục khẳng định tỷ lệ trẻ tử vong năm nay thấp hơn năm 2012, 2013.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao Bộ Y tế
không đưa thiệt hại về người của dịch sởi vào trong báo cáo 6 tháng đầu
năm 2014, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, hiện
nay dịch sởi không còn nóng, bệnh chỉ xuất hiện rải rác, không tập trung
như trước nữa, nên chúng tôi không đưa vào báo cáo này!
Với câu trả lời này, những ông bố, bà mẹ
có con không qua khỏi vì sởi hẳn sẽ rất chua xót khi cái chết của con
họ đã bị Bộ Y tế bỏ quên chỉ vì bệnh thành tích! Và không biết, với căn
bệnh thành tích này, liệu sẽ còn những đứa trẻ nào tiếp tục phải bỏ mạng
khi dịch bệnh không được quan tâm đúng với sự nguy hiểm của nó?
Việc tổng kết rút kinh nghiệm từ công
tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch sởi thời gian qua, là hết sức cần
thiết đối với ngành Y. Nếu còn tiếp tục “quên” như báo cáo tổng kết 6
tháng đầu năm này, liệu chúng ta có thể hy vọng gì vào việc cải thiện
tình hình dịch bệnh thời gian tới?
0 Nhận xét