Hãy Có Lòng Nhân Từ Thư Thiên Chúa
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân
từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét
đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ,
thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên
Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn,
mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại
cho anh em bằng đấu ấy."
Suy niệm:
Theo
khuynh hướng đổi chác tự nhiên của loài người, thì ai làm ơn cho mình,
mình nên trả ơn cho họ; ai ghét mình, mình phải ghét lại; ai chửi
mình, mình phải chửi lại họ. Theo luật công bình cũng vậy. Luật công
bình trong Cựu ước đòi: mắt đền mắt; răng đền răng. Điều đó có nghĩa là
ai móc mắt mình, mình có quyền móc lại mắt họ, và ai bẻ gẫy răng mình,
mình có quyền bẻ lại răng họ, Luật cônh bình trong xã hội hiện tại
cũng vậy. Người phạm pháp phải bị kết án tuỳ theo tội nặng nhe họ đã
phạm.
Trong cái xã hội hưởng thụ và tranh
sống, cái nguyên tắc yêu vô vị lợi của Chúa xem ra như là một giáo lý
không tưởng, xa lạ với cuộc sống thực tế. Sống trong một xã hôi, sự va
chạm mất lòng nhau là một điều không tránh được, nhất là đối với các
Kitô hữu, những người tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Ki-tô,
những người sống giữa đời mà không thuộc về đời, những người chung số
phận với Chúa Ki-tô thì không thể không bị ghét, không thể không bị hiểu
lầm.
Nếu gặp trường hợp này, ta phải xử sự ra
sao? đó chính là điều Chúa muốn dạy ta qua bài Tin Mừng hôm nay. Nói
chung, trong tương quan với nhau dù thân hay thù, người tín hữu không
được theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, hoặc “ăn miếng trả miếng”,
mà phải cư xử như Cha đã cư xử: lấy tình thương xóa bỏ hận thù, lấy ân
báo oán, tha thứ ngay cả những nguời hại ta. Đó chính là bác ái Ki-tô
giáo.
Chúa đến dạy ta luật từ bi, nhân hậu và
bác ái thay vì luật báo thù báo oán. Nếu chỉ nghĩ đến chuyện tư lợi,
trao đổi và đền đáp, thì đó là đổi chác và thương mại. Chúa nhận xét: Nếu
anh em yêu những kẻ yêu thương mình,. . làm ơn cho kẻ làm ơn cho
mình,. . cho vay mà hi vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa,
ngay cả người tội lỗi cũng làm như vậy (Lc 6:32-34)
Nguyên tắc từ bi, nhân hậu, bác ái của
Chúa dạy ta tránh việc phê bình, xét đoán. Tuy nhiên trong cuộc sống
hằng ngày, ta vẫn phê bình, chỉ trích và xét đoán. Sống đức ái chân thực
như lời Chúa phán là cái thước đo cái mối liên hệ của mỗi người với
Chúa, thước đo mức độ đời sống thiêng liêng của mỗi người. Ta không thể
trở nên môn đệ đích thực của Chúa, nếu giáo lý về đức ái chân thực của
Chúa không ăn nhập gì đến cuộc sống hiện tại của mỗi người.
Tha thứ và yêu thương, đó là thể hiện
lòng nhân từ. Muốn trở nên con của Cha trên Trời thì con người cũng phải
sống khoan dung như Ngài. Mẫu gương của lòng nhân ái, bao dung và
vị tha là chính Đức Giêsu, Đấng đã đến trần gian và đã hiến
mình làm giá cứu độ trần gian. Đúng như lời Ngài đã nói: “Tôi đến để chiên tôi được sống và sống dồi dào”.
Trải qua 2000 năm nay, biết bao vị
thánh đã bước theo dấu chân của Thầy chí Thánh Gêsu sống nhân
từ bao dung và vị tha. Một trong những vị ấy là thánh Martinô
kính yêu của chúng ta. Cuộc đời thánh nhân đã họa lại chân dung
và mẫu gương nhân từ, bao dung mà Chúa Giêsu đã dạy và đã
sống. Thánh Martiô là hiện thân của Chúa Giêsu và là mẫu gương
sống cho chúng ta. Thánh nhân đã sống hết mình vì đồng loại,
nhất là những người cùng khốn trong xã hội lúc bấy giờ.
Khi mà xã hội đã ruồng bỏ những
con người nghèo khổ đói rách thì chính thánh Martiô đã giang
rộng vòng tay để yêu thương và tiếp đón họ.Thánh nhân đã lấy
tình thương và đỡ nâng ủi an và xoa dịu vết thương lòng và vết
thương nơi thể xác của những con người bị gạt ra bên lề xã
hội. Tất cả những ai chạy đến với thánh nhân đều cảm nhận
được tình yêu và lòng thương xót của người.
Và ngày nay, trên tòa cao vinh hiển,
thánh Martiô vẫn đang lắng nghe lời cầu xin của những người
nghèo hèn khổ đau kêu khấn. Ngài vẫn đang đồng hành với chúng
ta, với những người đau khổ thể xác và tinh thần. Và, ngài
đang chuyển cầu trước tòa Chúa cho chúng ta.
Tin tưởng như thế, chúng ta cùng đến với thánh Martiô và thành tâm cầu khẩn ngài.
Lạy thánh Martiô, chúng con trông
cậy vào công nghiệp và lời chuyển cầu của ngài, xin ngài rủ
thương đến chúng con đang ngước trông lên ngài, xin ngài rủ lòng
thương chúng con và những người nghèo khổ như xưa ngài đã tường
yêu thương và nâng đỡ họ.
Lạy Chúa! Là người Kitô hữu, chúng con
cũng được mời gọi sống theo lòng nhân từ bao dung mà Chúa đã sống.
Hành trình về Trời còn có bao nhiêu hoàn cảnh để chúng con cũng phải dấn
thân phục vụ cho anh em bằng con đường bác ái yêu thương. Nhưng lạy
Chúa, đã mấy khi trong chúng con biết quan tâm chia sẻ với những ưu tư
khắc khoải của mọi người bằng những việc làm cụ thể của chính mình. Xin
Chúa tha thứ cho chúng con và xin giúp chúng con biết sống
tốt lành hơn.
Xin cho chúng con luôn biết gạt bỏ mọi
giới hạn để yêu thương nhau, để sớm trở thành những môn đệ tín trung của
Chúa. Xin Chúa hãy thánh hóa lòng trí chúng con, để chúng con luôn
biết yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người, và tình yêu thương của
Chúa vẫn tồn tại muôn đời cho những ai kính sợ Ngài. Amen.
0 Nhận xét