"Bất công đối với người khác là đe dọa cho công lý của chính ta." - Martin Luther King, Jr.
Chân thành cảm tạ.
Nguyễn Tường Tâm"
Nguyễn Tường Tâm"
Hồ Duy Hải sinh năm 1985 bị Tòa phúc thẩm Tòa Án Nhân Dân Tối Cao TP.HCM tuyên án tử hình hồi cuối tháng 4 năm 2009 vì tội giết và cướp 2 nữ nhân viên ở Bưu cục Cầu Voi tại Thủ Thừa, Long An.
Nhưng ngày 4/12/2014 vừa qua, Tòa Án tỉnh Long An đã theo lệnh của Chủ tịch nước tạm dừng hành quyết Hồ Duy Hải, mà đáng lẽ theo dự trù sẽ được thi hành vào ngày hôm sau, 5/12/2014. Theo dõi quá trình điều tra của công an, việc xét xử trước tòa, biện hộ của luật sư, cùng với tuyên bố của Chánh Án Lê Quang Hùng trong cuộc họp báo công bố tạm hoãn thi hành án tử hình đối với bị can, tôi thấy bị can Hồ Duy Hải khó thoát khỏi việc bị hành hình mà tòa án dự trù sau ngày 4/1/2014 sắp tới.
Trước tiên, nội vụ cho thấy Hồ Duy Hải là một nạn nhân tình cờ (random victim) của công an. Xem xét quá trình điều tra của công an không thấy lý do tại sao công an lại nghi ngờ và bắt Hồ Duy Hải để điều tra khởi tố. Hồ Duy Hải không bị bắt tại hiện trường mà chỉ bị bắt hai tháng sau khi xảy ra án mạng trong khi mọi vật chứng và nhân chứng đều chứng tỏ thủ phạm là một kẻ nào khác chứ không phải là Hồ Duy Hải. Không một nhân chứng nào khai là trông thấy bị cáo Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường trong thời gian xảy ra án mạng. Không một vật chứng nào liên quan tới Hồ Duy Hải, kể cả các dấu vân tay và mẫu máu mà công an thu được tại hiện trường. Con dao và cái thớt được công an cho là dụng cụ gây án cũng do công an mua ở chợ mang về làm mẫu. Nhưng công an vẫn nhất quyết Hồ Duy Hải là thủ phạm. Tại sao? Thật khó hiểu. Việc công an thù oán với Hồ Duy Hải để buộc tội anh chưa bao giờ được đặt ra. Gia đình Hồ Duy Hải cũng không nghi ngờ công an có tư thù với Hồ Duy Hải. Như vậy người ta chỉ có thể nghĩ rằng công an, sau thời gian dài không tìm ra thủ phạm, đã bị áp lực đạt chỉ tiêu phá án để bảo vệ thành tích hoạt động của đơn vị nên đã bắt đại một người nào đó để kết tội. Chẳng may người bị bắt làm vật tế thần lại trúng vào Hồ Duy Hải.
Một khi đã tìm được "vật tế thần", công an quyết lên án tử hình Hồ Duy Hải để tránh hậu hoạ. Việc đề nghị khởi tố với án tử hình nếu thành công sẽ giúp công an tránh bị trường hợp sau này, do một lý do nào đó, thủ phạm đích thực bị bắt hay ra đầu thú, sẽ khiến công an bị kết tội là gây án oan sai như trường hợp "người tù oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn" (http://www.doisongphapluat.com/…/ong-chan-van-hoang-so-khi-…).
Khi hồ sơ điều tra được chuyển lên Viện kiểm sát, Viện này có hai chọn lựa: (1) hoặc miễn tố Hồ Duy Hải với lý do không đủ chứng cớ, (2) hoặc giúp công an bảo vệ thành tích công tác phá án bằng cách khởi tố Hồ Duy Hải dựa trên biên bản điều tra của công an. Viện Kiểm sát và công an là hai cơ quan cùng thuộc bộ tư pháp, và dưới quyền chỉ đạo của cùng một đảng bộ. Nghĩa là giữa công an và Viện Kiểm Sát có quan hệ "người nhà". Cho nên việc Viện Kiểm sát chọn giải pháp giúp công an bảo vệ thành tích phá án là điều dễ hiểu.
Khi hồ sơ được Viện Kiểm Sát chuyển sang tòa án để xét xử, quan hệ "người nhà" giữa tòa án và công an, cùng Viện Kiểm Sát lại được vận dụng. Tòa án có hai chọn lựa (1) xét thấy không đủ yếu tố buộc tội nên trả nội vụ về công an điều tra lại, (2) kết án Hồ Duy Hải theo hồ sơ điều tra của công an.
Nếu trả lại hồ sơ để công an điều tra lại, chắc chắn công an sẽ chỉ sửa ngày và chuyển trở lại tòa án cái gọi là "hồ sơ mới được điều tra lại" nhưng với nội dung như cũ. Điều này đã từng được một vị chánh án nêu lên với báo trước kia. Và theo vị chánh án đó, thì việc chuyển hồ sơ về lại công an chỉ khiến mất thì giờ chứ nội dung hồ sơ không thay đổi. Cho nên khuynh hướng của tòa án là căn cứ trên hồ sơ của công an để xét xử (tức là chọn giải pháp 2).
Một khi đã chọn giải pháp kết án Hồ Duy Hải thì tòa án, cũng lo sợ hậu hoạ là sau này có thể bị khuyết điểm xử án oan sai, khiến mất thành tích công tác, cho nên tòa án sẽ đồng lòng với công an và Viện Kiểm Sát kết án tử hình Hồ Duy Hải (cho xong chuyện) là điều cũng dễ hiểu.
Để chắc chắn bản án không bị tòa phúc thẩm bác bỏ, tòa sơ thẩm đã hội ý trước với tòa phúc thẩm để thống nhất bản án. Việc này mang tính cách "thông đồng", trái với nguyên tắc độc lập của việc xử án. Nhưng đó là trình tự "thông thường" diễn ra đằng sau các vụ xử án quan trọng của hệ thống tư pháp Việt Nam.
Trong hệ thống tư pháp Việt Nam, Công An, Viện Kiểm Sát, Tòa Sơ Thẩm, Tòa Phúc Thẩm, Viện Kiểm Sát Tối Cao, Tòa Tối Cao, đều là những cơ quan thuộc sự chỉ đạo của cùng một đảng bộ cao cấp. Các nhân viên công an, kiểm sát viên Viện Kiểm Sát, và các chánh án, đều có quan hệ khắng khít đồng chí, vì thế đều có quyền lợi liên hệ là bảo vệ thành tích công tác của nhau. Việc thống nhất kết án là điều không tránh khỏi.
Kết quả là, (1) vì Công an muốn đạt thành tích phá án quan trọng, (2) vì muốn trừ hậu hoạ, tránh sau này có việc bị mất điểm thành tích công tác hay bị khởi tố vì xử án oan sai, toàn bộ hệ thống Công An, Viện Kiểm Sát và Tòa Án các cấp chuyển động đều nhịp để kết án tử hình Hồ Duy Hải. Thủ tục kết án tử hình này hiện cũng diễn ra trong vụ án kêu oan đang gây ồn ào trên dư luận như vụ Hàn Đức Long (http://www.doisongphapluat.com/…/ong-chan-va-han-duc-1ong-y…)
Trước áp lực của dư luận, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang buộc phải ra lệnh tòa án xem xét lại bản án Hồ Duy Hải. Nhưng trong buổi họp báo tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An chiều ngày 5/12/2014, vị Thẩm Phán Phó Chánh Án Lê Quang Hùng đã có thái độ tự tin tuyên bố "do bản án của tử tù Hồ Duy Hải đã có hiệu lực pháp luật, nên không đánh giá các chứng cứ của vụ án này nữa.." đồng thời ông thách thức các nhà báo nếu tìm được bằng chứng mới chứng tỏ Hồ Duy Hải vô tội thì cứ trưng ra trước ngày 4/1/2015. Nếu không thì bản án tử hình Hồ Duy Hải sẽ vẫn được thi hành. Thái độ và việc thách thức các nhà báo, và dĩ nhiên thách thức cả gia đình Hồ Duy Hải lẫn luật sư biện hộ, chứng tỏ: (1) vị Phó Chánh Án này không hiểu nguyên tắc căn bản của luật hình sự là "bị can và luật sư biện hộ không có nghĩa vụ tìm chứng cứ chứng tỏ bị can vô tội". Bị cáo và Luật sư biện hộ chỉ có nghĩa vụ chứng minh các chứng cứ viện dẫn để kết tội bị can là vô giá trị. (2) Tòa Án cương quyết duy trì bản án không căn cứ và quyết thi hành án tử đối với Hồ Duy Hải.
Một khi hệ thống tư pháp Việt Nam cương quyết xử tử oan Hồ Duy Hải thì giải pháp cuối cùng hy vọng sẽ cứu được Hồ Duy Hải là người nhà của Hồ Duy Hải phải cương quyết, liên tục vận động dư luận quốc nội và quốc tế đòi hủy bỏ bản án với những luận điểm rõ ràng hơn, ngắn gọn hơn và mạnh mẽ hơn. Giải pháp đó như thế nào sẽ được tôi trình bày trong bài kế tiếp "Giải pháp cứu nạn nhân án oan sai Hồ Duy Hải".
Nguyễn Tường Tâm (luật gia)
Tác giả gửi tới Dân Luận
0 Nhận xét