Tội ác và trừng phạt
Hà Văn Thịnh
Bất kể kẻ gây tội ác là ai cũng không được phép hay dung túng bởi sự đồng lõa trong lặng im của tội ác. (Minh họa từ internet) |
Xin mượn tên cuốn sách nổi tiếng của nhà văn
F.M. Dostoevsky để làm tựa đề cho bài viết này với mục đích trao đổi với
nhà tâm lý học Huỳnh Anh Bình (HAB) trong bài “Vụ bé 4 tuổi bị bạo hành: Có nên trừng phạt mẹ bé Ngân?” (Một Thế Giới đăng lúc 11:33 ngày 16.9.2014)
Với quan điểm lập luận của Huỳnh Anh
Bình khi cho rằng, “Nếu chúng ta muốn mẹ ruột và cha dượng của bé Ngân
phải trả giá cho hành động mình, phải trừng trị để đem lại sự công bằng
cho em thì vô hình trung, chúng ta tạo ra thêm một sự mất mát, khắc sâu
thêm một vết xước trong lòng bé”, là rất khó được đồng tình; dẫu xét
theo bất kỳ góc độ nào: Cái “lý” của chủ nghĩa nhân văn, cái cần được
thông cảm theo nguyên tắc “chia sẻ gánh nặng”; cái “đích” của điều được
coi là tốt đẹp – không nên làm cho bé Ngân phải chịu thêm sự tổn thương…
Cách đây mấy năm, trong loạt bài giảng nổi tiếng về triết học – tâm
lý học, GS Michael Sandle, đại học Harvard đã đưa ra một ví dụ nổi
tiếng về sự khó xử: Chuyện về một con tàu không thể kiểm soát, đang chạy
với vận tốc 60 dặm/h. Phía trước có năm công nhân đang sửa đường. Người
lái tàu biết chắc ngay trước mặt có nhánh ray phụ, nhưng trên đó cũng
có một công nhân đang làm việc. Có nên rẽ vào nhánh phụ để làm chết một
người hay cho tàu đi tiếp theo lộ trình, và làm chết năm người?
Câu
trả lời tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi sinh viên, bởi theo GS M.Sandle,
Phải sống trong sự bất an của lý trí, tức là sống trong câu trả lời chứ
không phải là sống bằng sự thỏa mãn từ các câu trả lời. Tuy nhiên, sự
đoán chắc của M. Sandle trong phần sau đã gián tiếp cho chúng ta câu trả
lời: Tính tối thượng đạo đức yêu cầu con người không được dùng người
khác làm công cụ để thỏa mãn ý đồ riêng, không được lạm dụng cái gọi là
đa số để làm phương hại hay tước đoạt nhân phẩm của con người - dẫu chỉ
một người và, công lý của tất cả những điều đúng nên làm, đó là hành
động có trách nhiệm theo đúng quy luật tối thượng của đạo đức. Đó là
phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dẫu là hàng triệu người hay chỉ
một người!
Ví dụ trên đây cho thấy rằng bất kể kẻ gây tội ác là ai cũng không được
phép hay dung túng bởi sự đồng lõa trong lặng im của tội ác. Hãy hình
dung một khi trong xã hội, mọi tội ác đều được biện minh dưới góc độ tâm
lý học hay văn hóa học thì tội ác sẽ sinh sôi nảy nở ghê gớm đến mức
nào.
Sự
trừng phạt đối với tội ác là nguyên tắc tối thượng của mọi nền văn
minh, vì đó là điều duy nhất đảm bảo cho nền văn minh đó tồn tại. Nạn
bạo hành gia đình ở nước ta hiện nay đang phát triển với tốc độ thật
đáng buồn: Theo Tổng cục Thống kê, cứ 4 phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì
một có con bị chồng hành hạ; 58% phụ nữ Việt Nam đã và đang bị bạo hành
(Nguồn: https://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=418&ItemID=10692).
Trước
thực trạng đáng đau buồn trên, rõ ràng giáo dục, vận động, thông cảm,
giải thích đều chỉ là những giải pháp nửa vời, không hiệu quả - nếu
không muốn nói nặng hơn là dung túng tội ác. Tại sao có thể cho rằng vì
“gánh nặng từ cuộc hôn nhân trước”; vì “cái gai trong mắt” về bằng chứng
của ghen tuông với chồng trước… mà bố dượng cùng với người mẹ mất hết
nhân tính có quyền hành hạ đứa con lên 4 dã man, tàn độc? Có ít ai trên
thế giới này không có một cái gai trong mắt trong tình yêu, hôn nhân?
Vậy, có thể nhân danh nó để xúc phạm và chà đạp nhân phẩm người khác
sao?
Vụ
bạo hành Bé Ngân chỉ là một trong vô vàn dẫn chứng về sự tàn ác của
không ít người trong thời đại vô cảm, nhẫn tâm này. Cần phải trừng phạt
nghiêm khắc để lập lại kỷ cương, phép nước, thuần phong mỹ tục và cũng
để chấn hưng lại văn hóa bởi ai cũng thấy (dẫu không muốn nói ra) rất
nhiều giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống đã bị băng hoại, xói mòn.
Đừng
lo việc trừng trị những kẻ thủ ác sẽ làm tổn thương Bé Ngân. Tại sao
chuyên gia tâm lý học Huỳnh Anh Bình không nghĩ rằng nếu không trừng
phạt hai kẻ gây ác thì sau này, Bé Ngân sẽ có bài học là có thể tiếp tục
phạm tội mà không bị trừng phạt?
0 Nhận xét