TMSS: Quyền sống không đơn giản chỉ là được sống nhưng còn là được sống trong môi trường an toàn và đảm bảo cho sự phát triển. Vì vậy, giữ gìn trái đất cũng chính là bảo vệ quyền sống - quyền căn bản của chúng ta. Nếu chỉ vì sự phát triển nhất thời mà treo bản án tử hình lửng thì có nên chăng?
____________________________
Gia Minh
Các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát thải nhiều gây
hiệu ứng nhà kính, cần thỏa thuận với nhau để giảm các loại khí nguy hại
khiến Trái Đất ấm nóng lên như lâu nay.
Trước yêu cầu đó, các quốc gia đạt được những gì?
Thỏa thuận giữa Trung Quốc- Hoa Kỳ
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
tại cuộc gặp vào tháng 11 vừa qua tại Bắc Kinh công bố kế hoạch cắt giảm
phát thải khí carbon của hai quốc gia hiện dẫn đầu thế giới về mức phát
thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Thống kê cho thấy tổng phát thải khí
gây hiệu ứng nhà kính của Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm 40% số này của toàn
thế giới.
Thỏa thuận giữa hai phía đạt được sau hơn chín tháng đàm phán và đây
được cho là thỏa thuận lịch sử như là cách thức thúc đẩy các quốc gia
khác trên thế giới cũng có những cắt giảm tương tự. Theo giới chuyên gia
thì nếu Bắc Kinh và Washington không thể giải quyết bất đồng trong hoạt
động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thì ít có quốc gia nào sẽ đồng
ý với mức cắt giảm bắt buộc và bất cứ những thỏa thuận nào trên thế
giới cũng chẳng có thể thực hiện được.
"Thỏa thuận (cắt giảm phát thải khí carbon) giữa Hoa Kỳ và TQ đạt được sau hơn chín tháng đàm phán và đây được cho là thỏa thuận lịch sử như là cách thức thúc đẩy các quốc gia khác trên thế giới cũng có những cắt giảm tương tự"
Ngay trước khi tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đưa ra tuyên bố về thỏa
thuận với phía Trung Quốc trong biện pháp cắt giảm khí thải gây hiệu
ứng nhà kính, một quan chức chính phủ Mỹ phát biểu rằng Hoa Kỳ và Trung
Quốc lâu nay thường được cho là hai phía đối kháng nhau, nên hy vọng
thỏa thuận đạt được có thể đưa hai phía tiến vào một giai đoạn hành động
đối tác nhiều hơn.
Nhà Trắng cũng ra tuyên bố cho rằng mức độ nghiêm trọng của thách
thức ấm nóng toàn cầu yêu cầu hai phía phải làm việc một cách xây dựng
cho mục tiêu chung. Để đạt được điều đó, tổng thống Barack Obama và chủ
tịch Tập Cận Bình sẽ làm việc chung với nhau và với những quốc gia khác
để thông qua một nghị định thư, một công cụ pháp lý khác hay một thỏa
thuận có hiệu lực pháp lý dưới dạng một công ước áp dụng cho tất cả các
phía tại Hội nghị Khí hậu Liên hiện quốc sẽ diễn ra vào sang năm ở
Paris.
Theo thỏa thuận thì phía Hoa Kỳ sẽ cắt giảm từ 26 đến 28% khí carbon
vào năm 2025 so với mức năm 2005. Đó là mức giảm gần gấp đôi so với chỉ
tiêu đề ra cho giai đoạn 2005- 2020.
Phía Trung Quốc thì cam kết là mức cao nhất phát thải carbon của nước
này chỉ đến năm 2030 mà thôi nếu như không thể sốm hơn. Để đạt được mục
tiêu đó, chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc hứa nước ông sẽ sản xuất
20% nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời trong tổng nguồn năng
lượng sản xuất ra vào năm 2030.
Nhóm G-20
Ngay sau thỏa thuận có tính lịch sử giữa hai quốc gia Trung Quốc và
Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, các nước thuộc nhóm G-20 gặp nhau tại Brisbane,
Australia cũng lên tiếng kêu gọi cần có hành động mạnh mẽ và hữu hiệu
đối với tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Trong thông cáo
chung, nhóm G20 nêu rõ tái cam kết hổ trợ trong việc huy động nguồn tài
chính cho công tác thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
như Quỷ Khí hậu Xanh.
"Ngay sau thỏa thuận có tính lịch sử giữa hai quốc gia Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, các nước thuộc nhóm G-20 gặp nhau tại Brisbane, Australia cũng lên tiếng kêu gọi cần có hành động mạnh mẽ và hữu hiệu đối với tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất"
Thủ tướng Tony Abbott của Úc, là người khi lên nắm quyền tại nước này
đã cho bãi bõ một loại thuế gọi là thuế phát thải carbon nhằm giúp
chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, và bản thân ông này cũng phản đối
một số từ ngữ về khí hậu trong dự thảo thông cáo chung của cuộc họp các
nguyên thủ nhóm G20; tuy nhiên ông này vẫn phải lên tiếng bày tỏ ủng hộ
mạnh mẽ của tất cả đối với hành động mạnh và hữu hiệu nhằm đối phó với
vấn nạn biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Tony Abbott nói với báo giới rằng hành động của mọi người
là sẽ ủng hộ phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế và sự vững chắc
cho hoạt động kinh doanh, đầu tư. Và dĩ nhiên tất cả sẽ làm việc một các
xây dựng cho hội nghị khí hậu của Liên hiệp quốc sẽ được tổ chức ở
Paris vào tháng 12 sang năm. Tại hội nghị này, tất cả sẽ thúc đẩy cho
một thỏa thuận hậu Nghị định thư Kyoto.
Cũng theo lời của thủ tướng Australia, Tony Abbott thì nước ông luôn
tin rằng hiện tượng biến đổi khí hậu là có thực nên con người cần phải
có đóng góp bằng hành động thiết thực, mạnh mẽ. Chính phủ Australia cam
kết cắt giảm những phát thải có hại.
Nhật Bản tái khẳng định cam kết đóng góp đến 1 tỷ rưởi đô la cho Quỷ
Khí hậu Xanh. Và Hoa Kỳ cũng cam kết 3 tỷ đô la giúp giảm thiểu tác động
của tình trạng ấm nóng toàn cầu đối với các quốc gia nghèo khó. Nguồn
Quỹ Khí hậu Xanh do Liên hiệp quốc chủ xướng là cách thức để các nước
giàu giúp cho những nước nghèo được trở nên xanh hơn và xây dựng được
những biện pháp phòng chống các tác động của biến đổi khí hậu gây nên.
Pháp và Đức là hai nước đã có cam kết đóng góp mỗi nước 1 tỷ đô là cho một khung khí hậu mới của Liên hiệp quốc.
Tại Brisbane, tổng thư ký Ban Ki-moon của Liên hiệp quốc nhắc lại
biến đổi khí hậu là một vấn đề rõ ràng của thời đại mà con người đang
sống. Tổng thống Barack Obama phát biểu rằng bản thân ông muốn chặn đứng
tình trạng ấm nóng toàn cầu để con cháu ông có thể đến thăm rạn san hô
Great Barrier ở Australia trong vòng 50 năm tới.
Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi thì khẳng định rằng những tác hại do
con người gây ra đối với hành tinh Trái Đất trong nhiều thế kỷ qua là
nặng nề.
"Ông Dermot O’Gorman, cho rằng Kỳ họp G20 tại Brisbane có thể được gọi là một thượng đỉnh về khí hậu trên thực tế. Nước sẽ đăng cai tổ chức kỳ họp G20 vào năm tới là Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cam kết vấn đề biến đổi khí hậu là một ưu tiên hàng đầu"
Một nhà hoạt động về môi trường thuộc tổ chức bào vệ thiên nhiên WWF,
ông Dermot O’Gorman, cho rằng Kỳ họp G20 tại Brisbane có thể được gọi
là một thượng đỉnh về khí hậu trên thực tế. Nước sẽ đăng cai tổ chức kỳ
họp G20 vào năm tới là Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cam kết vấn đề biến đổi khí hậu
là một ưu tiên hàng đầu.
Đánh giá của chuyên gia
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, một chuyên gia về biến đổi khí hậu của Việt
Nam và là người từng tham gia soạn thảo báo cáo thứ tư của Ủy ban Liên
chính phủ về Biến đổi Khí hậu, IPCC, có đánh giá về trở ngại của các
quốc gia trên thế giới trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí
hậu trên Trái Đất và hướng phải theo như sau:
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các nước chỉ quan tâm đến phát
triển kinh tế là chủ yếu. Thực tế phát triển kinh tế của các nước ở các
giai đoạn khác nhau hiện nay ràng buộc rất nhiều, nhưng tính cạnh tranh
rất lớn, rất khốc liệt. Chính vì thế mà việc đưa vào các công nghệ mới
như năng lượng mới, rối các biện pháp về nông nghiệp và các biện pháp về
giao thông vận tải và nhiều chuyện khác nữa thì đều liên quan đến công
nghệ. Thế nhưng đầu tư công nghệ mới sẽ tốn kém hơn rất nhiều và hiệu
quả thu lại về mặt lâu dài chứ không phải trước mắt.
Trong bối cảnh đó thì cạnh tranh về giá cả, cạnh tranh về thị
trường rất khốc liệt mà một khi đầu tư vào đó mà giá rất mắc khiến việc
thu hồi vốn rất lâu. Trong khi đó các đối thủ khác cạnh tranh đưa ra sản
phẩm khác giá rẻ hơn, còn người tiêu dùng thì chưa quan tâm đến giá trị
lâu dài mà quan tâm đến túi tiền; do đó cạnh tranh sẽ rất khốc liệt.
Chính vì thế mà đặc biệt những nước lớn, họ đang có một thị trường phát
triển kinh tế như thế, bên cạnh đó còn có sức ép nội bộ nữa, họ không
thể nào đưa ra những khoản đầu tư khổng lồ, trong khi đó thị trường có
thể mất vào tay đối thủ. Đó là một trong những nguyên nhân rất sâu xa
ảnh hưởng đến các nền kinh tế trước mắt và họ không phải dễ dàng bỏ ra
một khoản tiền để đầu tư cho một công nghệ lâu dài để thu lại lợi ích
trước mắt mà chưa có ngay. Tôi cho rằng đây là một trở ngại lớn nhất,
nhất là chính trị gia của các nước, kể cả những nước lớn, đều có nhiệm
kỳ của họ. Trong quá trình tranh cử, vận động họ đều đặt mục tiêu làm
sao tăng trưởng kinh tế trong nước, giảm thất nghiệp và công ăn việc
làm… Như thế các nhà chính trị trên khắp thế giới đều vấp phải mâu thuẫn
trong việc phát triển lầu dài và phát triển trước mắt trong nhiệm kỳ
của từng chính trị gia.
"Trong quá trình tranh cử, vận động họ đều đặt mục tiêu làm sao tăng trưởng kinh tế trong nước, giảm thất nghiệp và công ăn việc làm… Như thế các nhà chính trị trên khắp thế giới đều vấp phải mâu thuẫn trong việc phát triển lầu dài và phát triển trước mắt trong nhiệm kỳ của từng chính trị gia"
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh
Tất nhiên mức độ có khác nhau, chẳng hạn như những nước Bắc Âu, họ
đã đi đầu trong việc đầu tư vào những công nghệ mới, nền kinh tế của họ
đã phát triển ở mức độ cao, phúc lợi xã hội lớn. Thặng dư của nền kinh
tế có thể đầu tư, chi tiêu đáng kể cho công nghiệp mới thích nghi với
biến đổi khí hậu. Thực tế những nước này đang dẫn đầu về các công nghệ
năng lượng gió, mặt trời, sóng biển- thủy triều và các nền công nghệ
nông nghiệp khác như biochar ( than sinh học), phân bón thế hệ mới. Họ
đã thu được những hiệu quả tương xứng với đầu tư của họ vì họ đã đi được
những bước rất xa.
Đó là những nước tiên phong, và EU cũng đang có kế hoạch cắt giảm
phát thải CO2 đến 40-50% hay cao hơn nữa vào mấy chục năm tới. Tôi hy
vọng những tác động này sẽ có tính dây chuyền vì mang tính toàn cầu. Các
nước khác sẽ cùng nhau trao đổi, bàn bạc tại hội nghị Paris vào năm tới
trên cơ sở của những đánh giá rất cụ thể, có bằng chứng rõ ràng của hai
báo cáo của IPCC lần thứ tư và lần thứ năm. Từ đó làm chính sách nền
tảng mang tính chất toàn cầu cho tất cả các nước. Các khu vực phải có
quyết định đúng đắn vì phát triển bền vững, lâu dài cho quả đất của
chúng ta.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực này của Việt Nam là ông Trần Việt
Liễn cũng có một số nhận xét về nghiên cứu biến đổi khí hậu và hổ trợ
của các nước phát triển đối với những nước đang phát triển:
Đối với các quốc gia về vấn đề giải pháp thích ứng với biến đổi
khí hậu cần phải được nghiên cứu một cách cụ thể hơn, thích hợp hơn với
mình; đặc biệt trong các giải pháp của các nước đang phát triển. Tôi cho
rằng kỳ này cũng muốn nhấn mạnh về điều đó.
Ở Việt Nam, thông qua kết hợp nghiên cứu vừa rồi, thông qua dự án
của Anh hỗ trợ ( mà tôi có tham gia), tôi thấy rằng những nhận thức và
chuyển biến cũng có nét mới. Thông quan lần đánh giá thứ năm này thì
thấy rõ ràng hơn. Đặc biệt sự hỗ trợ giữa các nước phát triển và các
nước đang phát triển. Vấn đề này trong thời gian qua không được tích cực
lắm, cho nên điều đó giúp cho thích ứng và góp phần làm giảm nhẹ tác
động của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Đây là vấn đề có
thể đặt ra trong COP 20 sắp tới ở Paris.
Một số hiện tượng thời tiết cực đoan cuối năm
Trong khi tất cả các nước đều nói đến tình trạng cấp bách phải đối
phó với biến đổi khí hậu, thì những bất thường, cực đoan của thời tiết
lại được minh chứng rõ nét hơn với những thực tế ở nhiều nơi trên thế
giới.
Vào cuối tháng 11 vừa qua thành phố Buffalo, bang New York Hoa Kỳ
chịu trận bão tuyết dày hơn 7 inch, tức chừng 2 thước. Khi số tuyết này
tan thì sẽ gây ngập lụt tại địa phương.
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo cho biết địa phương của ông
phải chuẩn bị đối phó tình trạng ngập lụt mà trong thời gian rất lâu họ
chưa hề phải gặp bao giờ.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.
0 Nhận xét