TMSS: Thật ngớ ngẩn khi điều được coi là cơ bản trong giáo dục lại đang phải bàn cãi bởi những kẻ đứng đầu các cơ quan lớn. Nếu nói như những nhận xét trên đây thì cần xem lại cách dạy và học môn văn tại các bậc học phổ thông. Còn vè việc nói là cần thiết thì theo cá nhân tôi nên bỏ môn triết Mác-lê và Tư tưởng đạo đức HCM trong trường đại học, nhất là trường y mà thay vào đó một nền giáo dục triết học và tâm lý toàn diện. Cho dù thời gian đào tạo có lâu hơn nhưng chúng ta cho ra đời những thầy thuốc thực sự là những nhà khoa học chân chính và có lương tâm vì Y KHOA là ngành khoa học trung gian giữa khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn!
------------
TT - Tại hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường
ĐH y dược tại Hà Nội ngày 10-10, lãnh đạo một số trường ĐH y đề xuất sử
dụng môn văn để xét tuyển vào trường y.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tâm đắc với đề xuất này và ngỏ ý có thể thực hiện ngay trong năm 2015. |
Việc thi theo khối lâu nay khiến thí sinh học lệch. Môn văn rất
cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ
ràng, đúng ngữ pháp. Không nói đâu xa, nhiều đồng chí chuyên viên ở bộ làm công văn vẫn sai ngữ pháp. Có lúc tôi nói vui: rất dễ đứt mạch máu não khi đọc nguyên bản những văn bản này |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến |
Môn văn rất cần
Lập hai trung tâm đào tạo cán bộ quản lý y tế
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sắp tới Bộ Y tế sẽ
thành lập hai trung tâm đào tạo cán bộ quản lý y tế với đối tượng người
học là cán bộ lãnh đạo, các viện trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, giám đốc
sở y tế, giám đốc trung tâm y tế...“Phần cứng chuyên môn dành cho nhà quản lý sẽ phải thay đổi, chứ không phải bộ trưởng lại là giáo sư, tiến sĩ. Giáo sư, tiến sĩ phải đi nghiên cứu. Giám đốc bệnh viện cũng cứ đòi tiến sĩ, trong khi tài chính không nắm được...” - bà Tiến nhấn mạnh. |
Khác với ý tưởng có thể sẽ tổ chức kỳ thi riêng cho nhóm các trường y được lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội đưa ra tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH gần hai tháng trước, tại hội nghị này, ông Nguyễn Đức Hinh - hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược VN - trình bày phương án đề xuất các trường y cùng thực hiện phương án xét tuyển dựa vào ba môn toán - hóa - sinh từ kỳ thi THPT quốc gia và có thể kết hợp sơ tuyển theo học bạ ba môn học này ở bậc THPT đều phải đạt từ 7 điểm trở lên với hệ bác sĩ và từ 6 điểm trở lên với hệ cử nhân.
Trường ĐH Y Hà Nội cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cho tổ chức các cụm thi chuyên y (khối B) cho những thí sinh có nguyện vọng vào các trường ĐH y.
Tuy nhiên, nhiều trường ĐH lại tỏ ý không đồng thuận. Ông Nguyễn Đăng Hòa - hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội - khẳng định trường sẽ vẫn xét tuyển thí sinh theo các môn thuộc khối A truyền thống, chứ không thi theo khối B.
Trong khi đó, lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, Học viện Quân y... lại tán thành phương án giản tiện môn thi cho thí sinh thi vào trường y theo hướng thí sinh xét tốt nghiệp bằng bốn môn thì cũng có thể sử dụng bốn môn đó để xét vào trường y.
Đây cũng là phương án được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tâm đắc và cho rằng có thể thực hiện ngay trong năm 2015.
Theo bà Tiến, khi Bộ GD-ĐT đã quy định toán - văn - ngoại ngữ là ba môn bắt buộc trong xét tốt nghiệp THPT thì các trường y cũng nên theo hướng chọn tổ hợp môn đó để xét tuyển và cộng thêm môn tự chọn là môn hóa với ngành dược, môn sinh với ngành y.
Như vậy, thí sinh định hướng thi ngành y - dược có thể chọn bốn môn xét tốt nghiệp cũng chính là bốn môn xét vào ĐH, chứ không phải thi thêm nhiều môn như khi các trường duy trì thi theo khối B.
“Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được” - bà Tiến lý giải.
Theo bà Tiến, nếu thí sinh giỏi môn toán, văn, ngoại ngữ thì vào trường ĐH bách khoa cũng giỏi, mà vào trường y cũng vẫn giữ được phong độ.
Đứng lên phát biểu nhiều lần để bảo lưu quan điểm của mình, ông Vũ Đình Chính - hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương - khẳng định phương án mới không gây sốc vì toán - văn - ngoại ngữ chính là những môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, các em vẫn phải tập trung học.
“Để đỡ sốc thì có thể đưa môn văn, ngoại ngữ tính hệ số 1, còn các cặp môn toán - hóa, toán - sinh nhân hệ số 2. Nếu đã nhận thức môn văn, ngoại ngữ cần với người làm ngành y thì nên thực hiện ngay phương án này” - ông Chính đề xuất.
Ngay cả ông Lê Quan Nghiệm - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - dù ủng hộ phương án xét tuyển ba môn toán - hóa - sinh theo khối thi truyền thống nhưng cũng khẳng định sinh viên ngành y cần nền tảng kiến thức cơ bản toàn diện ngoài các môn thi được xác định lâu nay.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hinh cho rằng phương án này dù dễ thực hiện nhưng các trường phải “nghĩ đến thí sinh” khi các em đã tập trung ôn theo khối từ khi bắt đầu vào THPT.
“Phương án này có thể thực hiện trong 2-3 năm tới khi chúng ta thông báo trước để các em chuẩn bị. Ngoài ra, chính Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải giữ ổn định khối thi truyền thống. Không thể đùng một cái là thay đổi khối thi, môn thi mà không để cho thí sinh chuẩn bị. Nếu không thực hiện kỳ thi theo hướng ổn định và nhân văn, tất yếu sẽ bị xã hội phản ứng” - ông Hinh phân tích.
Kết luận hội nghị, phương án “chốt” cho tuyển sinh ngành y được Hội đồng hiệu trưởng các trường y dược toàn quốc chọn lựa là xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia với ba môn tương ứng khối B truyền thống toán - hóa - sinh.
Sẽ đánh giá chất lượng bác sĩ cử tuyển
Một chủ đề khác cũng được thảo luận sôi nổi tại hội nghị là vấn đề cử
tuyển. GS.TS Cao Ngọc Thành - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Huế - khẳng
định cử tuyển là một chủ trương cần được ủng hộ, các trường phải thực
hiện theo trách nhiệm xã hội, nhưng đã đến lúc phải đánh giá xem việc
tuyển sinh, đào tạo mấy năm qua đã đủ chưa, nếu đã đủ rồi thì phải
chuyển sang dạng đào tạo khác phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.Theo đánh giá của Trường ĐH Y dược TP.HCM, sinh viên cử tuyển có tỉ lệ học lực yếu, lưu ban cao với tỉ lệ phổ biến ở nhiều khoa đào tạo ở mức hơn 10% đến hơn 35%. Trong đó, riêng khoa dược và khoa y có đến trên 1/3 sinh viên cử tuyển bị xếp loại học lực yếu, lưu ban và thôi học.
Không né tránh bất cập của hệ đào tạo cử tuyển, GS Nguyễn Công Khẩn - vụ trưởng Vụ Đào tạo, khoa học và công nghệ Bộ Y tế - nhận định bất cập của đào tạo cử tuyển không chỉ nằm ở quá trình đào tạo đơn lẻ của các trường, mà bất cập ngay ở khâu quản lý nhà nước, ở cả vai trò của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và các ban chỉ đạo.
Ông Khẩn cho biết tới đây, ngay hệ sinh viên cử tuyển cũng phải cạnh tranh với nhau, 10 em có khi cạnh tranh để chỉ lấy 7 em vào học, chứ không để tình trạng các em quá kém cũng vào học rồi không học được. Hiện tại chưa bỏ ngay được hệ cử tuyển, nhưng sẽ giảm dần số lượng đầu vào.
Đáp lại lo ngại, băn khoăn của các trường y trong đào tạo cử tuyển, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự chia sẻ và đề nghị các cục, vụ chức năng và các trường y cùng nhau rà soát lại hệ đào tạo này.
“Nhu cầu thực tế của các địa phương hiện ra sao, khả năng đáp ứng của các trường là thế nào? Cung phải đi với cầu. Mục tiêu đặt ra đến năm 2018 là 2.000 bác sĩ cử tuyển, nhưng đó là mục tiêu đặt ra từ nhiều năm trước, bây giờ nhu cầu thật sự là thế nào? Nếu không rà soát, mặc nhiên đào tạo, tôi lo ngại sẽ có khủng hoảng thừa” - bà Tiến nói.
Bà Tiến cho biết đã đi đến gần hết 63 tỉnh thành, có tỉnh đề nghị tiếp tục hệ đào tạo cử tuyển, nhưng cũng có tỉnh nói đến cử tuyển là yêu cầu “bỏ đi, kém lắm, không làm được”.
“Chưa kể, cử tuyển có khi cũng chưa đúng đối tượng. Có người “chạy” riêng với tôi: bác cho cháu suất cử tuyển để có bằng ĐH ra làm bác sĩ. Nhưng ra trường họ có về vùng khó khăn làm không? Họ nói cái đó tính sau” - bà Tiến kể.
Kết thúc phiên họp, ông Nguyễn Đức Hinh cho biết Bộ Y tế đang thành lập một hội đồng đánh giá chất lượng nhân lực bác sĩ cử tuyển, kết hợp với các đơn vị sử dụng xem xét hiệu quả hành nghề thực tế, các yếu kém đang hiện hữu và các vấn đề cần bổ sung gấp với nhóm bác sĩ tốt nghiệp hệ cử tuyển.
“Tiến tới giảm dần và bỏ hệ cử tuyển, ngay hệ đào tạo chuyên tu hoặc liên thông cũng phải giảm dần vì các em trình độ CĐ có điểm đầu vào 15-16 điểm loanh quanh mấy năm lại liên thông học thêm cũng thành bác sĩ.
Hiện nay Tây Bắc, Tây Nam và Tây nguyên đang còn thiếu bác sĩ, nhiệm vụ trước mắt là đào tạo cho khu vực này, nhưng chúng tôi xác định các hình thức đào tạo không chính quy luôn là giải pháp tạm thời, không ổn là phải dừng” - ông Hinh khẳng định.
Không “cho lên” cũng rất khó
PGS.TS Phạm Văn Thức - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Hải Phòng -
nhận định việc học tập của đối tượng cử tuyển rất hạn chế, chưa nói đến
chuyên môn, mà ngay ngôn ngữ nhiều em cũng “lơ lớ”.“Đầu vào của các em thấp, học tập khó khăn, nhiều em trượt 5-6 lần, nhưng nếu không “cho lên” cũng rất khó. Có em đứng dậy xin về, thôi học, các thầy phải động viên ở lại. Chưa đỗ thì cho đỗ để các em học tiếp” - ông Thức nói. Tương tự, GS.TS Cao Ngọc Thành phản ảnh nhiều sinh viên cử tuyển phải kéo dài thời gian học tập hơn bình thường, học 8-9 năm với hành trình lặp lại nợ môn - trả nợ - rồi lại tiếp tục... nợ. “Sửa chữa máy móc sai có thể sửa lại, chứ sức khỏe con người không thể xuê xoa được... Nhiều vùng khó khăn cần bác sĩ, nhưng nếu cử đến đó một bác sĩ không đạt chất lượng thì thà có cơ chế để vận chuyển bệnh nhân đi đến chỗ bác sĩ tốt còn hơn gần mà bị điều trị sai” - GS Thành nói. |
0 Nhận xét