Việt Nam - đất nước thừa mứa lời khuyên
“KHUYÊN”
Một số bác trong cộng đồng FB Việt Nam đang ngưỡng mộ cậu
sinh viên Joshua Wong 17 tuổi ở Hong Kong, và đặt các câu hỏi như “bao giờ đến
sinh viên Việt Nam?”, “bao giờ thanh niên Việt Nam được như thế này?”…
Hình như chúng ta không để ý đấy chứ xung quanh chúng ta,
nói rộng ra là ở cả Việt Nam, thể nào chẳng có những thanh niên mà các cụ, các
bác khen là “có tố chất”, “có tiềm năng”. Tiếc là cái “tố chất” với “tiềm năng”
ấy cứ mãi mãi như thế, không thấy nó phát triển lên một mức cao hơn, có giá trị
thực tiễn hơn. (Thì cũng giống như Việt Nam đến giờ vẫn là một đất nước đầy “nội
lực” và sẽ còn như thế, không thấy nội lực ấy chuyển hóa thành cái gì khác).
Hình như chúng ta quên mất một chuyện mới đây thôi:
“Tôi rất xin lỗi những người chơi của Flappy Bird, tôi sẽ
gỡ bỏ Flappy Bird trong vòng 22 tiếng nữa. Tôi đã chịu đựng đủ rồi”. (2h sáng
ngày 9/2/2014 trên tài khoản Twitter của Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của trò chơi Flappy Bird).
Câu chuyện của Nguyễn Hà Đông mới xảy ra trong lĩnh vực
kinh doanh-công nghệ thôi đấy. Bây giờ ta nói, giả sử trong lĩnh vực chính trị,
một thanh niên nào đấy lại nổi lên như một gương mặt có dáng dấp “lãnh tụ sinh
viên” thì sao nhỉ?
Trước mắt là thanh niên ấy sẽ nhận được vô số lời khuyên
bảo của các bậc cha chú, kiểu như “nên tập trung vào học đã”, “làm gì thì làm,
phải có uy tín, bản lĩnh chính trị, mày chưa là cái gì đâu”, “cứ cố học xong ra
trường, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định đã”, “nhân sĩ trí thức đầy ra đấy
mà còn chưa làm được gì, mày thích làm lãnh tụ hả cháu?”, “bình tĩnh, tỉnh táo,
sáng suốt, lúc này là phải hết sức thận trọng mới được cháu ạ”, v.v. Được khuyên
như thế thì chẳng thà bật ti-vi lên nghe phát thanh viên khuyên còn hơn (nhưng
bật ti-vi lên thì lại tốn… điện).
Bên cạnh các bậc cha chú mở miệng là khuyên nhủ, các
thanh niên còn được hưởng sự ganh ghét, đố kỵ của bạn bè đồng trang lứa hoặc xấp
xỉ trang lứa.
Tới chừng thanh niên bắt đầu “tỏ ra nguy hiểm”, thì sẽ được
sự chiếu cố của các loại Phòng Công tác Chính trị, Công tác Sinh viên, Giáo vụ…
Rồi thì đến công an khu vực, cao nữa là an ninh thành phố, an ninh Bộ.
Ừ, thế thì bao giờ đến sinh viên Việt Nam làm nên một sự
kiện như Mùa Xuân Ả-rập hay mùa thu Hong Kong?
Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
TRÁCH AI?
- Lê Quốc Tuấn
Câu chuyện của Joshua Wong ở Hong Kong là lời cảnh báo
cho các bậc phụ huynh Việt Nam.
Khi chú Joshua Wong ở Hong Kong thử thách Đảng Cộng sản
Trung Quốc, bao người ngưỡng mộ.
Dĩ nhiên Joshua là chú bé tài giỏi khác thường. Nhưng câu
chuyện về Joshua cho chúng ta thấy toàn cảnh của một xã hội với hàng trăm ngàn
thanh thiếu niên khác cùng suy nghĩ được như Joshua và đàng sau chúng là những
phụ huynh. Tất cả cho thấy một xã hội biết bảo nhau cùng đứng lên cho điều
đúng. Khung cảnh ấy giờ chỉ là ước mơ của bao người Việt Nam.
Thế là, tuổi trẻ Việt Nam nhìn vào, người lớn cũng nhìn
vào. Ai cũng ao ước, so sánh phải chi tuổi trẻ Việt Nam được như chú... Và, giữa
những tiếng xuýt xoa khâm phục, ta nghe không thiếu tiếng trách cứ tuổi trẻ Việt
Nam chỉ biết ích kỷ, hưởng thụ, vô cảm...v.v...
Tuổi trẻ ở đâu ra? Chúng là từng em, từng cháu đi ra từ mỗi
mái gia đình chúng ta. Tuổi trẻ nhiều năng lực, chúng luôn luôn phải làm một điều
gì đó, không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Nếu không nhìn ra được điều gì
đúng, chúng sẽ làm điều khờ dại. Không có cách nào khác.
Một người bạn tôi (ở Việt Nam, mới qua Toronto vài năm
nay) có chia sẻ với tôi một điều đáng ngẫm nghĩ: Xã hội Việt Nam hiện có 4 người thầy đều đa phần hỏng cả:
thầy tu, thầy dạy học, thầy thuốc và người thầy trong nhà (ông bố trong mỗi gia
đình). Mỗi thầy hỏng một kiểu khác nhau.
Chuyện thầy Mạnh Tử khi bé, cứ ở quanh hạng người nào là
bắt chước hạng người ấy, hẳn mọi người còn nhớ. Những đứa trẻ lớn lên trong xã
hội hỏng từ trong nhà ra ngõ như thế sẽ ra sao? Hỏi là tự trả lời.
Vì những người lớn hèn kém mà tuổi trẻ bị thui chột. Đừng
vội trách tuổi trẻ, hãy trách chính chúng ta.
Tôi cho rằng câu chuyện của Joshua là niềm khích lệ cho
tuổi trẻ đồng trang lứa nhưng đồng thời là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh.
Chúng ta có lỗi là đã không tạo nên một môi trường tốt
cho tuổi trẻ. Các phụ huynh giỏi xoay sở, chỉ tích cực bám vào mọi kẽ hở cả về
pháp lý và đạo lý để làm tiền, các phụ huynh kém may mắn hơn, cúi mặt lượm từng
đồng bạc lẻ cho bữa ăn, không còn tâm, lực mà lo đến điều gỉ khác hơn.
Ai cũng biết, cũng nhìn thấy xã hội có quá nhiều điều
không hay không phải, thậm chí nguy hại nữa nhưng đa phần đều chọn thái độ mũ
ni che tai. Không kể đến những phụ huynh vô trách nhiệm, ngay cả những phụ
huynh hết lòng vì con em mình: Nhiều người vẫn tưởng mình che chở, nuôi dạy được
con, bằng cách cố cách biệt chúng khỏi cái xã hội đổ vỡ ngay ngoài cửa nhà…
Nhưng hãy nghĩ đi sẽ thấy: Chúng ta không bao giờ có thể
tách rời được con trẻ ra khỏi xã hội. Khi chỉ phản ứng cục bộ, tiêu cực, thụ động
với sai trái, giả dối có hệ thống của xã hội như thế, phụ huynh Việt Nam sẽ
không bao giờ tạo nên được một thế hệ trẻ lành mạnh.
Tuổi trẻ Việt Nam, chúng là nạn nhân của mỗi chúng ta. Nếu
biết suy nghĩ, chúng sẽ quở trách chúng ta.
Chính vì thế, Việt Nam sẽ khó có thể có được một Joshua
Wong và đó chưa hẳn là do lỗi của lớp trẻ.
0 Nhận xét