TMSS: Đây đúng là lũ... điên nặng mà! Ai chịu trách nhiệm ề việc này? AI tước đi cuộc sống an bình của người dân lương thiện chất phát
------------------------
Thủy điện Ia Krêl 2 vỡ đập hai lần
02/08/2014 07:46 (GMT + 7)
TT - Thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức
Cơ, Gia Lai), công trình mà nhiều hộ dân từng chịu ảnh hưởng nặng nề sau
cú vỡ đập vào tháng 6-2013, tiếp tục vỡ vào sáng 1-8 tạo ra một trận lũ
quét lớn.
Đập Ia Krêl 2 bị vỡ lần hai khiến hàng chục hecta hoa màu của người dân bị nhấn chìm - Ảnh: Thái Bá Dũng
Sau cuộc kiểm tra hiện trường phần thân đập bị vỡ trưa
1-8, ông Hoàng Công Lự - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - nói: “Vụ vỡ
đập thủy điện đã gây thiệt hại nặng nề về hoa màu cho nhiều hộ dân vùng
hạ du. Ngay trong ngày chúng tôi đã có báo cáo khẩn gửi Thủ tướng.
Đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá lại
toàn bộ quy trình thủ tục, tất cả các hạng mục. Nếu xác định có sai sót
từ chủ đầu tư sẽ đề xuất UBND tỉnh xử lý ngay. Công trình này mới vỡ năm
trước, năm nay lại vỡ nữa thì rất tai hại”.
Kinh hoàng lũ nhân tạo
Đập thủy điện Ia Krêl 2 có dung tích hồ chứa 8-10 triệu
m3. Công trình được khởi công từ năm 2009, dự kiến đến năm 2013 chạy
máy phát điện. Công suất thiết kế của thủy điện Ia Krêl 2 là 5,5MW.
|
Trưa 1-8, từ khu vực thân đập Ia Krêl 2 tại xã Ia Dom
dẫn về phía hạ lưu khoảng 10km tràn ngập trong nước và cảnh hoang tàn
sau trận lũ. Hàng trăm hecta khoai mì, hoa màu, ruộng rẫy của người dân
bị dòng nước xiết xô ngã rạp, cây cối từ thượng nguồn đổ về tạo cảnh tan
hoang.
Khuôn mặt thất thần, bà Đặng Thị Kim Dung (làng Bi, xã
Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) nói: “Sáng ra cả nhà tôi vào khu rẫy dưới chân
thủy điện để làm hoa màu. Đang cuốc cỏ thì bất ngờ có tiếng ầm ầm phía
trên dội về. Nhìn lên thấy cây cối ngã rạp. Em trai tôi hoảng quá bỏ
chạy lên một gò đất cao. Chỉ vài phút sau nước đổ về như bom vừa giội
xuống, tôi chỉ kịp leo lên cành cây cao rồi đợi người đến cứu”. Ông Võ
Thanh Hùng - chủ tịch UBND huyện Đức Cơ - cho biết ngay sau khi xảy ra
vỡ đập, lực lượng cứu hộ gồm Đồn biên phòng cửa khẩu Lệ Thanh, Công an
huyện và các đơn vị tức tốc có mặt. Lúc này toàn bộ đã ngập chìm trong
nước lũ. Chòi rẫy của người dân bị nước cuốn trôi dạt trong nước xiết.
Đến gần 9g sáng, lực lượng cứu hộ tiếp cận được khu vực bà Dung bị mắc
kẹt nhưng do cây cối ngã đổ quá nhiều, nước chảy xiết nên xuồng cứu sinh
của quân đội không thể tiếp cận. Ba cán bộ cứu hộ phải mặc áo phao, kết
bè mảng áp sát. Tuy nhiên phải mất 30 phút sau, bà Dung mới được đưa
xuống khỏi thân cây để đến nơi an toàn.
“Bình thường suối Ia Krêl nước rất nhỏ, chúng tôi qua
lại hằng ngày để làm rẫy nhưng khi thủy điện vỡ, nước về quá nhanh và
quá lớn khiến chúng tôi không kịp trở tay. Mấy người dân làm rẫy ở khu
vực này cũng bỏ chạy tán loạn. Chúng tôi chưa trải qua thứ gì khủng
khiếp như thế” - ông Đặng Văn Yên, em trai của bà Dung, bàng hoàng.
Thống kê sơ bộ của UBND huyện Đức Cơ cho thấy trận lũ
sáng 1-8 đã cuốn trôi 28 chòi rẫy của người dân, 60ha hoa màu của dân bị
ngập trong bùn đất, hàng chục hecta cao su của binh đoàn 15 cũng bị
nước lũ nhấn chìm. “Trước khi thủy điện bị vỡ, nhiều người dân đã phát
hiện thân đập bị nứt lún và chạy về hạ lưu thông báo để người dân sơ
tán. Thiệt hại vì thế cũng được giảm thiểu, rất may không có thương vong
cho dân” - ông Võ Thanh Hùng, chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, nói.
Sơ đồ vị trí vỡ đập và hiện trường thân đập Ia Krêl 2
lần vỡ thứ 2, nước cuồn cuộn, ngổn ngang đất đá - Đồ họa: Như Khanh -
Ảnh: Thái Bá Dũng
|
Chủ đầu tư: “không lường trước hết mọi việc”
Trưa 1-8, hiện trường thân đập thủy điện Ia Krêl 2 sau
lần vỡ thứ hai ngổn ngang đất đá. Những khối bêtông lớn bị nước dữ xé
toạc lộ ra sắt thép phía trong. Toàn bộ nước trong lòng hồ đã cạn kiệt,
suối Ia Krêl cuốn nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về xé qua hai vị trí
tại thân đập. Sau nhiều tháng sử dụng máy móc gia cố, ủi nén thân đập,
thủy điện Ia Krêl 2 trở lại cảnh hoang tàn như hiện trường trong lần vỡ
thứ nhất vào tháng 6-2013.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn - phó giám đốc Công ty cổ phần công
nghiệp và thủy điện Bảo Long Gia Lai - than thở: “Chúng tôi không lường
trước được mọi thứ. Nước lũ về quá lớn khiến nước tràn qua thân đê, tiền
của công sức cả năm trời chỉ trong vài tiếng đã tan tành”. Ông Ẩn cho
biết công trình thủy điện Ia Krêl 2 mà công ty làm chủ đầu tư đang trong
giai đoạn gia cố lại phần đê cũ. Sự cố vỡ đập năm 2013 đã xé toạc một
đoạn thân đê chiều dài khoảng 40m khiến thân đập này hư hại nặng. Từ
tháng 5-2013, trong khi chờ cơ quan chức năng cho phép thi công trở lại,
chứng kiến nước từ thượng nguồn đổ về gây xói mòn thân đê cũ nên công
ty đã đắp một tuyến đê quai nằm chắn trước để bảo vệ đê cũ. Ông Ẩn cũng
thừa nhận mặc dù chỉ là đê quai nhưng khi ngăn nước chuyển dòng chảy qua
một kênh xả khác (cách vị trí đê cũ bị vỡ lần thứ nhất khoảng 200m), đê
quai cũng đã tích một lượng nước nhất định khiến nước trong lòng hồ
dâng lên khá cao (tương đương mức nước trong lần vỡ đập thứ nhất, khoảng
4 triệu m3).
“Khoảng 8g sáng khi phát hiện thân đập có dấu hiệu nứt,
chúng tôi đã cho người khẩn cấp đi báo để dân di chuyển. Đến khoảng
8g30 thì nước vượt qua thân đê quai (bằng đất), vài phút sau xé toang
đoạn đê này tiếp giáp với phần vỡ năm 2013. Nước lũ cũng xé toạc một
đoạn khác của đê quai cách vị trí vỡ lần thứ nhất khoảng 200m” - ông Ẩn
cho biết. Về nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đập, phó giám đốc Bảo Long Gia
Lai nói rằng do “nước lũ về lớn quá, phần đê quai bị nước tràn qua gây
vỡ đập”.
Nếu xác định lỗi do chủ đầu tư sẽ xử lý
Chiều 1-8, đại diện các sở ngành liên quan của tỉnh Gia
Lai đã trực tiếp đến hiện trường thị sát phần thân đập bị vỡ để kiểm
tra, đánh giá và xác định nguyên nhân. Theo ông Huỳnh Ngọc Tục - giám
đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, giữa tháng 5-2013 qua kiểm tra, Sở Công
thương phát hiện chủ đầu tư tiến hành xây dựng một tuyến đê quai nên
sở, UBND tỉnh đã yêu cầu ngưng việc xây dựng, xả nước dần khỏi lòng hồ.
Trước câu hỏi “Sở đã yêu cầu ngưng tích nước, xả lượng
nước sẵn có trong hồ nhưng lượng nước trong hồ đến thời điểm vỡ đập vẫn
rất lớn?”, ông Tục cho rằng: “Họ có chấp hành, nhưng không thể tháo cạn
nước trong hồ được. Mực nước trong hồ trong quá trình thi công vẫn ở mức
cho phép. Họ có xây dựng một kênh xả để nước thoát ra ngoài”. Ông Tục
cho biết thêm nguyên nhân chủ quan thì sở sẽ đánh giá lại, nhưng việc vỡ
đập cũng có một phần khách quan là lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về
quá lớn, mực nước về hồ chứa dâng lên quá nhanh làm vỡ đê quây.
Trong khi đó, ông Hoàng Công Lự cho biết sẽ cho rà
soát lại toàn bộ quy trình thủ tục, hiện thủy điện Ia Krêl 2 đã được các
cơ quan chức năng đồng ý cho thi công trở lại. “Mới hơn một năm sau sự
cố vỡ đập mà giờ lại tiếp tục vỡ nữa thì tai hại quá. Chúng tôi sẽ đánh
giá lại toàn bộ sự việc, nếu xác định lỗi do chủ đầu tư thì sẽ có hình
thức xử lý” - ông Lự nói.
THÁI BÁ DŨNG
Diễn biến 2 vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2
* Ngày 12-6-2013, thân đập bằng đất của thủy điện Ia
Krêl 2 bị vỡ với chiều dài khoảng 40m. Sau sự cố, chủ đầu tư đã bỏ ra
gần 3 tỉ đồng bồi thường cho 121 hộ dân và hai đơn vị bị thiệt hại.
* Tháng 9-2013, sau khi kiểm tra công trình, các đơn vị
chức năng khẳng định nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl
2 là do thi công sai quy trình, kỹ thuật, chủ đầu tư lần đầu làm thủy
điện nên chưa có kinh nghiệm. UBND tỉnh Gia Lai báo cáo sự việc và xin ý
kiến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương.
* Đầu tháng 5-2014, trong quá trình đợi các cơ quan
thẩm định cho phép thi công trở lại, Công ty cổ phần công nghiệp và thủy
điện Bảo Long Gia Lai đã tiến hành đắp phần đê quai, tích nước lòng hồ
để chuyển dòng qua kênh xả khác nhằm bảo vệ thân đập.
* Ngày 10-6-2014, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản cho phép Bảo Long Gia Lai được thi công trở lại.
0 Nhận xét