Thành quả của cuộc cách mạng “long trời lở đất” (bài 10)
Nguyễn An, phóng viên đài RFA
Trong những buổi phát thanh vừa qua, ban Việt ngữ chúng tôi đã gửi đến
quý thính giả loạt bài nói về cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt
Nam 50 năm trứơc đây do Nguyễn An thực hiện. Kỳ này là bài thứ 10 và
cũng là bài cuối, tổng kết về cuộc cách mạng được gọi là long trời lở
đất để đem lại ruộng đất cho người nông dân, đã được thực hiện trong
suốt mấy năm trời trên toàn lãnh thổ Việt Nam dân chủ cộng hoà trứơc khi
đảng Cộng sản nhận sai lầm và sửa sai.
Cuộc cải cách rụông đất tại miền Bắc đã chấm dứt và cuộc sửa sai bắt đầu
từ mùa thu năm 1956. Nói về thành quả của cuộc cách mạng đựơc coi là
“long trời lở đất” này, nhà nghiên cứu Sử Trần Gia Phụng nhận định:
“Đứng về phương diện chuyên môn nông nghiệp, cuộc cải cách ruộng đất
không thúc đẩy được nông nghiệp phát triển, không thăng tiến được đời
sống nông dân mà còn làm tan nát nền nông nghiệp cổ truyền ở ngoài Bắc
và đưa mọi người vào cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm của
đảng CS thì họ đã thành công trong cải cách ruộng đất, đã đạt được những
mục tiêu chính trị của họ.
Hình ảnh được trưng bày tại Triển lãm cải cách ruộng đất tổ chức tại Hà Nội từ tháng 3 đến tháng 5/1956. |
Mục tiêu chính trị của họ, thứ nhất là xóa bỏ giới hào mục lãnh đạo hạ
tầng cơ sở ở nông thôn và thay vào đó lớp lãnh đạo mới, là những đảng
viên cộng sản.
Mục tiêu chính trị của họ nữa là chận đứng sự trà trộn của những điệp
viên trong dân chúng. Họ xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa cổ truyền nổi tiếng
là bảo thủ từ bao nhiêu đời ở nông thôn và họ thay thế bằng chủ trương
của CSVN theo chủ nghĩa Mác Xít.
Ngoài ra, liều lượng khủng bố của cộng sản đối với nông dân trong cuộc
cải cách ruộng đất đợt 5 đủ để khuất phục nông dân, đủ để làm cho nông
dân khiếp sợ, làm cho họ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, sống luôn luôn
trong sự sợ hãi tột cùng, và ghép họ vào trong khuôn phép cộng sản, ổn
định một cách kiên cố hạ tầng cơ sở của xã hội nông thôn miền Bắc”.
Nhà văn Vũ Thư Hiên, trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài Á châu tự
do đã đưa ra hình ảnh so sánh vùng quê ở miền Bắc trứơc và sau khi tiến
hành cải cách ruộng đất như sau:
“Bây giờ thì cần phải nói như thế này, cái này là kinh nghiệm cá nhân.
Vào đầu cuộc kháng chiến chống Pháp thì tôi tham gia một đoàn tuyên
truyền xung phong. Chúng tôi đi đâu mà còn có cái ăn thì đó là những
người giàu có, sau này thì bảo đó là những địa chủ.
Nhưng lúc đó thì chúng tôi chẳng hiểu họ là địa chủ hay họ là cái gì. Họ
là những người hằng tâm, hằng sản nuôi bộ đội, cho cán bộ và cho chúng
tôi nữa (đoàn tuyên truyền xung phong), đến là có cái ăn. Tất cả những
người đó khi chúng tôi hỏi thăm thì đều bị đấu tố, bị vứt ra ngoài lề
của xã hội mà họ gọi là mới.
Về sau này tìm hiểu thì tôi thấy có một cái tệ, tức là đấy không phải là
một cuộc cải cách ruộng đất. Bởi vì nếu là một cuộc cải cách ruộng đất
thì trước cải cách ruộng đất phải có điều tra tình hình ruộng đất.
Tôi nhớ, vào giai đoạn đó tôi không đọc được một bản điều tra nào về
tình hình ruộng đất ở Việt Nam cả. Sự phân bổ ruộng đất, bao nhiêu phần
trăm là địa chủ, bao nhiêu phần trăm là trung nông, phú nông, bần nông,
chẳng hạn như thế. Họ không cần cải cách ruộng đất, tức là không muốn
phân bố lại ruộng đất sao cho nó hợp lý. Mà căn bản, đó là một cuộc đấu
tranh chính trị.
Ruộng đất đối với cải cách ruộng đất là một cái cớ để cào xới lại, đưa
lại rất nhiều những quyền lợi, mà cũng không phải rõ ràng lắm, cho nông
dân. Nông dân vùng lên đấu tranh làm cách mạng, người cày phải có ruộng.
Thế nhưng thật sự ra thì khi tiến hành tất cả những cái đó thì ruộng đất
có một thời gian là có cắm cờ, rồi phân thửa ruộng này là của ông A,
ông B rồi đóng cọc. Các bạn có xem những cái phim, chắc là bây giờ còn
lại trong tư liệu, còn cả đấy. Nhưng cũng chỉ trong một thời gian rất
ngắn thôi thì nó là tổ vần công, tổ đổi công xong thì họ lại cũng không
có gì nữa.”
Lời kể của người trong cuộc
Ông Nguyễn Minh Cần, một người từng là phó chủ tịch Uỷ ban hành chính
thành phố Hà nội và trực tiếp tham gia chiến dịch sửa sai cũng phân tích
về những hậu quả của cụôc cải cách ruộng đất. Mời quý thính giả theo
dõi cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An và ông Nguyễn Minh Cần sau đây:
Nguyễn An:
Thưa ông, bây giờ trở lại cuộc cải cách ruộng đất cách đây 50 năm. Theo
ông thì cuộc cải cách ruộng đất đó để lại những hậu quả gì, những di
hại gì?
Ông Nguyễn Minh Cần:
Cái cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng về rất nhiều mặt.
Nguyễn An:
Xin Ông vui lòng phân tách từng điểm một?
Ông Nguyễn Minh Cần:
Điểm thứ nhất: Đây là một cuộc tàn sát dân lành một cách vô tội vạ. Nếu
nói theo từ ngữ hiện nay thì phải nói đây là một cuộc diệt chủng vì kỳ
thị giai cấp. Bổng dưng lập ra lệnh cải cách ruộng đất, đưa những đoàn
người về và tha hồ qui người ta lên là địa chủ.
Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về
Vietweb@rfa.org
Trên 172.000 người là nạn nhân. Tôi cón phải nói đến số người mà người
ta oan ức quá, bực bội quá, người ta tự tử. Số đó cũng không phải là ít.
Theo tôi, hậu quả đó rất lớn, nó gây ra một tâm trạng sợ sệt, khủng
khiếp của người dân.
Hậu quả thứ hai là phá hoại truyền thống hòa hiếu của nông thôn, là vì
từ trước ải nói dù rằng có thể có bóc lột, có thể có gì đấy với nhau,
nhưng người nông dân sống với nhau là lá lành đùm lá rách, rất hòa hiếu
với nhau.
Cuộc cải cách ruộng đất về xúi người này bới móc tội lỗi của người kia,
và có thể những tội hoàn toàn không có cũng bới ra. Và dựa vào những thù
cũ rồi gây ra thù hận giữa các tầng lớp với nhau. Chính cái đó nó phá
hoại truyền thống đoàn kết lâu đời của người Việt Nam mình ở nông thôn.
Nguyễn An:
Thưa ông, có phải ông muốn nói rằng cuộc cải cách ruộng đất đặt trên cơ
sở là gây sự căm thù để phát động quần chúng, và sau đó sự căm thù đó
lớn rộng và nó tiếp tục còn lại sau khi cuộc cải cách ruộng đất đã chấm
dứt không?
Ông Nguyễn Minh Cần:
Đúng như vậy.
Nguyễn An:
Thưa , điểm thứ ba là gì?
Ông Nguyễn Minh Cần:
Hậu quả thứ ba là phá hoại đạo lý luân thường của dân tộc. Từ xưa đến
nay cha đối với con, mẹ đối với con, vợ chồng đối với nhau, họ hàng cha
chú đối với nhau đều có một luân thường đạo lý. Nhưng cải cách ruộng đất
về xúi dục con tố cha, vợ tố chồng, nàng dâu tố mẹ chồng, bố chồng
v.v... đấu đá lẫn nhau như vậy.
Nguyễn An:
Và gọi mày tao mi tớ hết?
Ông Nguyễn Minh Cần:
Vâng. Như vậy, luân thường đạo lý tan hoang.
Nguyễn An:
Thưa ông, theo ông thì những cái mà phá hoại nền tảng luân lý đạo đức,
rồi sự hòa hiếu ở trong nông thôn đó cách đây 50 năm thì được khai thác
tối đa để hoàn thành cuộc cải cách ruộng đất... tinh thần như thế sau
bao nhiêu lâu mới phục hồi được? Hay bây giờ nó vẫn còn là những vết
thương rỉ máu?
Ông Nguyễn Minh Cần:
Theo tôi, vì cho đến nay chưa có một sự sám hối rõ ràng. Chưa có một
tuyên bố rằng chính sách hận thù giai cấp là một chính sách không đúng.
Phải nói thật rằng bây giờ thì 50 năm đã qua thì người ta yên như vậy,
nhưng lòng hận cũ không phải là đã hết.
Còn một điểm tôi cũng muốn nói nữa là hậu quả thứ tư: Nó phá hủy truyền
thống tâm linh và văn hóa của dân tộc. Vì khi làm cải cách ruộng đất thì
các ông đều có cái ý hướng là tiêu diệt các tôn giáo, chèn ép các tôn
giáo, tước đoạt tài sản của các tôn giáo để làm cho các tôn giáo không
tồn tại được một cách độc lập.
Quý thính giả có thể đọc toàn văn bài phân tích của ông Nguyễn Minh Cần
về những hậu quả của cụôc cải cách ruộng đất trong phần Tư liệu trong
Website của ban Việt ngữ ở địa chỉ www.rfa.org/vietnamese/tulieu. Quý vị
cũng có thể viết Email góp ý và gửi về Vietweb@rfa.org, hay để lại lời
nhắn trong hộp thư thoại 202 530 7775.
0 Nhận xét