Tiền thật- chất ảo và sự bí mật… công khai!
Kỳ Duyên (bản gốc)
Câu chuyện tiền thật- chất lượng
ảo, lại tiếp diễn ở một vụ việc khác gây xôn xao xã hội. Sau sự xôn xao
về người lớn, giờ là sự xôn xao cho con trẻ.
—————
I-Xã hội
đang ồn ào về vụ Minh “sâm”- ông trùm giang hồ xã hội đen đất Kinh Bắc
vừa bị cơ quan chức năng bắt vì một loạt hành vi phạm tội. Mối thắt nút
của vụ việc hình sự đầy kịch tính này khiến cho dư luận đàm tiếu và
không kém phần hài hước là ở chỗ, ông trùm giang hồ kiêm đại gia, từng
được ca ngợi bởi những hoạt động dân sinh xã hội bề nổi che mắt thiên
hạ.
Doanh nghiệp Minh “sâm” từng được công nhận là “tập thể lao
động xuất sắc” của tỉnh Bắc Ninh. Thậm chí Minh “sâm” từng được vinh
danh là 01 trong 1000 doanh nhân tiêu biểu của cả nước trong dịp Đại lễ
1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Mới hay, trong đời sống nhiễu nhương này,
có rất nhiều giá trị đang bị rối loạn, lập lờ trắng đen. Tiền thật mà
chất ảo.
Thật ra, cái sự tiền thật- chất ảo không hề hiếm hoi. Dù đôi khi nó gây bất ngờ.
Tỷ như cái kết quả công bố ngày 20/8 mới đây của Bộ Nội vụ
phối hợp với Ngân hàng Thế giới, khảo sát thử nghiệm mức độ hài lòng của
người dân với dịch vụ hành chính công (DVHCC) tại ba tỉnh: Phú Thọ,
Thanh Hóa và Bình Định. Cuộc khảo sát nằm trong lộ trình tổng thể cải
cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Kết quả đẹp “như mơ”
khiến cho cả cơ quan trong cuộc, và người ngoài cuộc ngỡ như mình… đang
mơ: Hơn 80% số người dân hài lòng với DVHCC.
Trụ sở Công ty Đại An do Minh làm giám đốc (Ảnh: VietNamNet) |
Cứ với con số này, chả mấy chốc mục tiêu của chương trình cải
cách hành chính- đến 2015 có trên 60%; đến 2020 có trên 80% số người
dân hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính, sẽ đạt được.
Cũng không chỉ có 03 tỉnh miền Trung khó khăn nói trên, cách
đây ít lâu, xã hội đã ngỡ ngàng về chỉ số hài lòng của người dân trong
các DVHCC được khảo sát tại t/p HCM, đô thị có trình độ dân trí vào loại
khá cao của cả nước, mà báo chí gọi là “đẹp đến khó tin”.
Đó là giao thông công chính 99%, lao động – thương binh và xã
hội 100%, nông nghiệp và phát triển nông thôn 94,3%, tài nguyên – môi
trường: 90%. Còn ông Nguyễn Văn Quang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế t/p
HCM nói, ông ngỡ ngàng và không tin vào những con số này. Ông Quang
không tin. Người dân t/p HCM không tin, và ngay cả những con số đó, nếu
biết nói, có lẽ cũng phải bảo, chúng tôi còn không dám tin vào chính chúng tôi, nữa là...
Vậy nhưng những con số đó vẫn được trịnh trọng công bố, lưu
trữ trong các tủ hồ sơ của các sở, ngành, như một thứ “bảo hiểm uy tín”…
ảo về DVHCC.
Và nếu như tin vào tất cả các con số đẹp như mơ, đẹp đến khó
tin đó, thì xã hội phải tin đánh giá của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái
Bình, khi ông đưa ra con số cũng rất… thái bình- là chỉ có trên dưới 1%
số cán bộ, công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ. Con số quá thái bình đó
của ông, khi đó đã khiến xã hội bất bình. Vì đa số người dân lại không
tin.
Cũng như hiện nay, đa số dư luận xã hội không hề tin vào
những kết quả khảo sát mà Bộ Nội vụ vừa tiến hành, cho dù có cả, nói như
nhà báo Đào Tuấn, “yếu tố nước ngoài” đo lường.
Vậy thì vì sao lại có những con số như đánh đố người dân… hái hoa tình yêu vậy: Tin- không tin; tin- không tin; tin- không tin…?
Đó là bởi Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát một vấn đề nghiêm
túc nhưng hoàn toàn thiếu hẳn một phương pháp khách quan, khoa học trong
đo lường các chỉ số điều tra xã hội học. Và căn nguyên sâu xa phải
chăng vẫn lại là bệnh thành tích quen thuộc? Nhìn ở tầm khái quát, đã có
thể thấy cách khảo sát có 05 điểm phi khoa học.
-Về quy mô, việc khảo sát chỉ có 03/64 tỉnh, thành phố cả
nước. Trong số 03 tỉnh đó, thực chất mỗi tỉnh chỉ khảo sát được hơn 1500
người. Liệu con số hơn 80% số dân hài lòng các DVHCC, bao gồm ở tất cả
lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng nhận đăng ký kinh
doanh, giấy phép xây dựng công trình, cấp giấy đăng ký kinh doanh cho
doanh nghiệp của 4500 người đó, có đại diện cho mức độ hài lòng của gần
90 triệu dân cả nước. Tỷ lệ 80% thực chất có “sai số” rất lớn, nếu mở
rộng hơn nữa số đơn vị tỉnh, t/p được khảo sát?
- Điều bất ngờ nữa, xã hội có quyền nghi ngờ tính xác thực
của con số hơn 80% số dân hài lòng với các DVHCC, nếu biết rằng, những
người được khảo sát lại được trả … thù lao. Như một logic tất yếu, người
được khảo sát sẽ khó mà có thể trả lời thẳng thắn, trung thực một khi
“há miệng mắc… tiền”.
- Kết quả điều tra phụ thuộc rất nhiều vào trình độ những đối
tượng được khảo sát, vào việc họ thường xuyên phải “cọ xát” với các
DVHCC. Trong khi đó, theo báo Lao động, ngày 21/8, những người được khảo
sát lại “có trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết, nên khi trả lời đã phải..hỏi lại cán bộ cho rõ”.
- Một điểm đáng chú ý, như ở tỉnh Phú Thọ, 46% số người được
phỏng vấn thừa nhận là người “thân quen” của công chức. Liệu những câu
trả lời có bảo đảm tính khách quan, hay đậm đặc sự… thiên vị?
- Việc đánh giá chất lượng phục vụ của DVHCC hay bất cứ lĩnh
vực nào khác, lẽ đương nhiên phải do một cơ quan, một tổ chức tồn tại
độc lập, khách quan với các ngành, các lĩnh vực. Tuy nhiên, do đặc thù,
do những bất cập về tổ chức, mà cuối cùng, Bộ Nội vụ lại tự đánh giá
mình (thông qua khảo sát công tác này tại các địa phương), tự đặt mình
vào tình huống vừa đá bóng vừa thổi còi. Liệu kết quả này với những sai số lớn như đã phân tích trên, có đủ sức khiến xã hội tâm phục, khẩu phục?
Thực chất, những tỷ lệ phần trăm vừa công bố vẫn chỉ là những
con số, những tỷ lệ “lạc quan” một cách… bi kịch. Bởi hiện trạng tiền
thật- chất ảo đó không chỉ vô tình đem lại tâm lý tự mãn, “tự sướng” mà
thực chất là bệnh thành tích về chất lượng DVHCC. Điều tệ hại hơn, kết
quả đó không bảo đảm cơ sở khoa học để dựa vào đó, Nhà nước xây dựng các
chính sách, định hướng phát triển DVHCC công nói riêng, cải cách hành
chính nói chung một cách đúng đắn, chuẩn mực, mà có khi lại làm thiên
lệch?
Đó chính là cái mất lớn nhất, sau cái được- những con số “ảo”
****************
II- Câu
chuyện tiền thật- chất lượng ảo, lại tiếp diễn ở một vụ việc khác gây
xôn xao xã hội. Sau sự xôn xao về người lớn, giờ là sự xôn xao cho con
trẻ.
Đó là đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện GD
tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015” do sở GD t/p
này vừa đưa ra. Nội dung của đề án là toàn bộ SGK truyền thống được đưa
vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài
đặt vào máy tính bảng. Theo tính toán, đề án này cần đến 4000 tỷ đồng để
đầu tư, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chi một phần, còn lại là “xã
hội hóa GD”, tức là các bậc cha mẹ phải mua sắm cho con em mình. Tính
ra, sẽ có khoảng 320.000 máy tính bảng phải mua, trị giá mỗi máy tính từ
3- 5 triệu đồng. Có khoảng 451 trường tiểu học tham gia.
Máy tính bảng AIC Group có tên là Smart Education – Ảnh: Tuổi trẻ
Ngay lập tức, hàng trăm bài báo viết, trên mạng cá nhân phân
tích, phản biện về vụ này. Thậm chí có báo gọi thẳng là “một đề án sặc
mùi tiền và thiếu tính người”.
Vì sao và tự lúc nào, ngành GD trở nên “mất thiêng” đến vậy
với xã hội? Và cứ bàn tới chuyện tiền bạc đầu tư cho GD, là XH phản ứng
rất mạnh.
Đi ngược thời gian chút ít, chỉ mới hơn một con giáp thôi, sẽ hiểu vì sao XH mất niềm tin.
Đó là công cuộc đổi mới GD năm 2000 trước đây, với mục đích
tăng cường thiết bị GD, đổi mới phương pháp dạy và học. Rút cục “hàng
nghìn tỷ đồng ném ra gió”, còn thầy trò vẫn tiếp tục dạy chay- học chay?
Xã hội chưa quên câu chuyện 70000 tỷ đồng cho đổi mới CT, SGK
tung ra trên báo chí năm 2011. Và mới đây, năm 2014, chỉ còn là 34000
tỷ đồng. Rút cục, người đứng đầu ngành phải công khai xin lỗi, vì chưa
tính toán kỹ con số này, dù “trận đánh lớn” chưa… mở màn.
Vụ việc ở cấp Bộ chưa xong, nay đến cấp sở.
Mới hay, trong thời buổi thế giới phẳng và thông tin đa chiều
rất nhanh này, bất cứ vụ việc nào, mà “sặc mùi tiền”, đặc biệt trong
GD, lĩnh vực dạy người, đòi hỏi sự minh bạch, công khai, đàng hoàng, thì
y rằng vụ việc đó rối tung lên, trở nên phản tác dụng. Giáo dục t/p HCM
đang tự cho mình… “nốc ao” trong con mắt hoài nghi của các bậc cha mẹ.
Không có gì đau khổ hơn là sự “mất thiêng” của ngành làm thầy thiên hạ.
Trước khi nói đến đề án máy tính bảng, không thể không nói
tới sự thất bại của việc đưa thiết bị GD vào nhà trường trước đây. Cho
dù hai loại thiết bị này khác nhau về nhiều phương diện, khác nhau cả về
độ tuổi thực hiện, lẫn quy mô. Vì sao?
Vì những phát hiện của báo chí những ngày này xung quanh đề án máy tính bảng, đã có thể dự báo sự thành bại của một chủ trương.
Dư luận XH từng đặt rất nhiều câu hỏi, vì sao chất lượng
thiết bị GD đã có bộ chuẩn, được ngành GD tổ chức đấu thầu hẳn hoi,
nhưng khi đưa về trường, các thiết bị đó đã không thực hiện thành công
các thí nghiệm đơn giản nhất về hóa, lý…v.v… Rút cục chất đống trong
kho.
Đơn giản, là có một thực tế tồi tệ này. Sau khi các công ty
thắng thầu, thì khi bắt tay vào sản xuất đại trà, họ sẽ thay bằng các
vật liệu khác, giá thành rẻ mạt, không đúng quy chuẩn. Thí nghiệm là một
hoạt động khoa học thực nghiệm, thực hành, mà vật liệu đã bị thay thế,
thì thí nghiệm đó liệu có thể thành công không? Còn con đường vì sao các
công ty ngang nhiên sản xuất những bộ TBGD không đủ chuẩn quy định, thì
đó là một… bí mật.
Một bí mật khác, có những trường tiểu học nổi tiếng hẳn hoi,
rất khốn khổ khi phải tiêu thụ TBGD cũ tồn kho từ quận đưa xuống. Không
một bậc cha mẹ nào biết, con mình học CT, SGK mới, nhưng TBGD lại mua
toàn… đồ cũ tồn kho từ nhiều năm trước đây, khi chưa cải cách.
“Nhân vật trung tâm” làm đảo điên các câu chuyện về TBGD,
không ai khác, chính là đồng tiền. Nói đúng hơn, đồng tiền làm đảo lộn…
lương tâm con người!
Và nay, đến lượt máy tính bảng.
Tiết lộ mới nhất của một kỹ sư tin học, giám đốc một công ty
chuyên về máy tính ở t/p HCM (đăng trên VTC News, ngày 26/8) khiến người
dân “sốc” thật sự. Đó là loại máy tính bảng này được mua với giá chỉ
900.000 đồng nhưng khi bán ra thị trường, thì đội lên từ 3 – 5 triệu
đồng/chiếc. Theo vị này, chất lượng của máy tính bảng loại này rất thấp.
Báo GDVN, ngày 25/8, đặt câu hỏi ngay title bài: “Ai đứng sau
đề án bắt học sinh mua máy tính bảng sặc mùi tiền”? Câu hỏi này vẫn
chưa có câu trả lời? Hoặc đó cũng là một bí mật mà báo chí phải tiếp tục
điều tra.
Nhưng có nhiều điểm không cần bí mật. Như khi trả lời phỏng
vấn VTC News (ngày 22/8), Phó GS Văn Như Cương đã không chút vòng vo: Nhập máy TQ giá rẻ (và bán đắt- KD) cho học sinh thì chỉ “béo” nhà cung cấp thiết bị, còn lợi ích cho học sinh thì chưa thấy đâu!
Và nhiều điểm khác, thuộc về khoa học GD, khoa học về con
người, mà các quốc gia văn minh đi trước nước Việt đã chứng minh sự “lợi
bất cập hại” của việc đưa quá sớm, máy tính bảng vào cho trẻ tiểu học,
cũng không phải là bí mật. Như ở Pháp, Mỹ, Canada, Anh quốc…, đều có
những cảnh báo, khuyến cáo không nên cho trẻ nhỏ sớm tiếp xúc với các đồ
điện tử, trong đó có máy tính.
Bởi sự phát triển của đại não và hệ thần kinh của trẻ dễ bị
tổn thương; trẻ dễ mắc các bệnh tim mạch; mắt, cột sống, hạn chế năng
lực ngôn ngữ… Nghĩa là những gì của tuổi thơ tạo hóa ban cho một cách tự
nhiên thì máy tính sẽ lấy bớt đi một cách tự nhiên, để trả lại những
thương tổn âm thầm của thể chất, tinh thần, tâm lý, tâm hồn non nớt do
cơ thể các bé còn đang giai đoạn lớn.
Không phải vô lý khi trang thông tin điện tử ProCon.org, được
điều hành bởi một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Santa Monica,
California (Mỹ) chuyên nghiên cứu về những vấn đề gây tranh cãi trong xã
hội, vừa đưa ra mang tính tổng kết 15 điều lợi, 17 điều hại của việc sử
dụng SGK điện tử của trẻ (Zing.vn, ngày 24/8) . Đáng chú ý, ở 17 điều
hại là những vấn đề căn cốt GD trẻ tuổi thơ ấu, hạn chế sự hình thành
thói quen, năng lực tư duy tích cực, và sự đầu tư tốn kém về tài chính
kéo theo trong quá trình sử dụng. Đều là những điều xã hội VN cần giải
quyết, do truyền thống “học gạo”, và mức sống phổ biến còn nghèo.
Nhưng điều bất ngờ ở SGK điện tử trên máy tính bảng vừa được ICT News thông tin, là ứng dụng dạng số hóa SGK chứ không hề có tương tác gì với người đọc.
Và một điều nữa bí mật nhưng lại cần công khai. Rất nhiều câu
hỏi của các chuyên gia, nhà quản lý GD đặt ra, tại sao đề án lại chọn
lứa tuổi tiểu học, mà không phải lứa tuổi học sinh THCS trở lên?
Đây là một cách tính toán của máu kinh doanh đắc sách. Thành
phố HCM là một đô thị phát triển, các bậc cha mẹ rất có ý thức lo cho
con từ bé thơ. Số trẻ tiểu học lại rất đông- và điều này hứa hẹn là một…
lượng khách hàng lớn. Có gì trẻ thơ cần mà cha mẹ không đáp ứng?
Thế nên theo tính toán của vị kỹ sư IT nói trên, nếu theo đề
án này, có nghĩa một năm có khoảng 300.000 thiết bị biến thành rác thải
công nghiệp. Lợi nhuận thu về cho các đơn vị kinh doanh thiết bị này lên
tới hàng chục tỷ đồng/năm. Một con số tính toán quả là lạc quan. Giống
sự “lạc quan” của DVHCC.
Nhưng là một cách làm GD đầy… bi kịch. Khi chỉ có tiền là trên hết. Đến đề án dạy trẻ cũng đậm đặc mùi kim tiền.
Thì hậu thế làm sao biết sống vì đất nước, vì cộng đồng đây?
0 Nhận xét