TMSS: Ai chiến thắng mà chưa hề chiến bại, ai nên không mà chưa dại một lần. Xin lỗi chính là chấp nhạn hạn chế của mình để mình tiến lên.
Theo THĐP
Featured Image: Wikipedia Commons
Đường phố Việt Nam dường như có đầy đủ mọi thứ, duy nhất một thứ ít
được dùng trên phố: Lời xin lỗi! Hồi ở Việt Nam, bản thân tôi cũng ít
dùng những từ này, nhưng mọi sự thay đổi khi tôi sang bên Âu châu, nơi
mấy từ “I’m sorry” được nói một cách thoải mái nhất.
Một ngày đi phố, nếu vô tình tôi chạm phải một người lạ, tôi xin lỗi
và cũng được đáp lại một câu tương tự. Nếu trễ hẹn với ai đó, câu đầu
tiên tôi thốt ra là lời xin lỗi trước khi ngụy biện một điều gì. Nếu tôi
có phạm phải những sai lầm, dù là nhỏ nhặt, tôi xin lỗi. “Văn hóa xin
lỗi” của người phương Tây đã thay đổi hoàn toàn tôi. Bất cứ nơi đâu và
bất cứ lúc nào, hễ nếu chẳng may gây ảnh hưởng, tiếng xin lỗi ngay lập
tức được người ta nói ra và trao cho nhau mà chẳng phân biệt già trẻ,
lớn bé, kẻ lạ hay người thân trong nhà.
Nhưng với đa số người Việt thì khác: Họ không bằng lòng để phải nói
ra lời xin lỗi. Điều này có vẻ không tương xứng với bề dày mấy nghìn năm
văn hóa và kinh nghiệm ứng xử được đúc kết từ bao đời của dân tộc.
Người Việt đề cao lối ứng xử tế nhị, ý tứ và trọng hòa thuận. Với họ lời
nói vừa “chẳng mất tiền mua” mà còn có giá trị như những “gói vàng” nên
phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ấy vậy mà nhiều khi mắc những
sai lầm, nhiều người thật khó khăn để nói lời xin lỗi như một lối ứng xử
thông thường nhất!
Gianh Đinh, tác giả bài viết |
Trên thực tế, nhiều người Việt có lối hành xử “côn đồ”. Môt ví dụ
thường ngày như nhỡ có hai người đâm quẹt xe vào nhau, ngay lập tức họ
xuống xe và cãi lộn cãi lý để tránh đền bù dù chưa cần biết thiệt hư thế
nào, có khi lại ẩu đả với nhau mà “chẳng lý sự lý siếc gì sất”! Ngược
lại, ở phương Tây, họ xuống xe xin lỗi và cùng nhau gọi cảnh sát đến
giải quyết mà chẳng mấy khi lời cãi cọ qua lại: Ai sai ai đúng, cứ theo
luật mà định đoạt.
Triết gia Đức Feurbach nói: “Bản chất của con người chỉ bộc lộ ra
trong giao tiếp.” Một lời xin lỗi được nói ra dù có thể chưa giải quyết
được vấn đề nhưng nó thể hiện mình là con người lịch sự, có tư cách và
văn hóa. Lời xin lỗi trực tiếp góp phần giải tỏa những khúc mắc và giúp
cho con người trở nên vị tha hơn. Còn lối hành xử “côn đồ” chỉ làm cho con người thêm phần “dã man” hơn!
Một điều kỳ quặc trong xã hội Việt Nam là người lớn hiếm khi nói lời
xin lỗi với con trẻ. Có lẽ đối với họ, trứng không thể khôn hơn vịt và
người lớn thì luôn đúng chăng? Trong gia đình cha mẹ cũng ít khi xin lỗi
con cái mà thường là con cái hay cảm ơn và xin lỗi cha mẹ. Điều này
cũng tác động không nhỏ đến cách ứng xử của con trẻ: Tuổi càng lớn thì
việc nói lời xin lỗi càng ít đi, dần dần chẳng khác gì những ông bố bà
mẹ của chúng!
Vậy vì sao nhiều người Việt không bằng lòng để phải nói ra lời xin
lỗi? Ấy một mặt là do cái tôi của họ quá cao, không chịu nhún nhường.
Người Việt rất trọng “sĩ diện” và cảm giác làm sai một điều gì đó khiến
họ có vẻ bị mất mặt nên cố tình lấp liếm. Nhất là giới quan chức, thử
hỏi với hàng tá những sai lầm trong quản lý, có mấy lần họ ra mặt xin
lỗi dân hay tìm cách chối đẩy trách nhiệm? Mặt khác, nhiều người Việt
Nam ít khi cảm ơn hay xin lỗi chỉ vì cho đó là một sự khách sáo hoặc họ
không có thói quen sử dụng những từ ngữ trên. Hay phải chăng người Việt
đang trở nên lỏng lẽo trong những chuẩn mực ứng xử?
Làm người chẳng mấy khi được vẹn toàn trăm đường nên có những sai lầm
là điều tất nhiên. Có thừa nhận sai lầm, xin lỗi và tiến hành sửa sai
mới là cách ứng xử đúng mực. Có biết cảm ơn và nói lời xin lỗi thật lòng
mới phù hợp với đạo lý truyền thống và chiều dài văn hóa của dân tộc.
Một lời xin lỗi cho những sai lầm dù nhỏ nhặt nhất cũng giống như “những
lời nói thân thiện, tuy chẳng đáng giá, nhưng mang lại nhiều điều”
(Ngạn ngữ Tây Ban Nha).
Còn với tôi, nói xin lỗi với những sai lầm, tôi thấy mình văn minh thêm!
Giang Đinh
0 Nhận xét