Chiêm ngắm huyền nhiệm tình thương
nơi cuộc đời thánh Martinô
Nguyễn Trọng Viễn, OP.
Trong
số Thời Sự Thần Học 56 mới đây, nhằm mừng kỷ niệm 50 năm tu sĩ Martino
de Porres được phong hiển thánh, chúng ta đã được linh mục Phan Tấn
Thành trình bày tóm tắt những quan niệm thần học về chữ caritas, dựa
theo hai thông điệp của đức Bênêđictô XVI, Deus caritas est và Caritas
in veritate. Những quan niệm này, theo ba song luận “eros-agape”;
“caritas-veritas”; và “caritas-justitia”, đã được phân tích khá tỷ mỷ và
súc tích.
Có một lối nhìn khác
mà tôi thích thú hơn, đó là lối nhìn của linh mục Henri J.M. Nouwen,
trong tác phẩm Những Dấu Chỉ của Sự Sống. Cha Nouwen, theo gợi ý của một
người bạn chuyên phục vụ người khuyết tật, Jean Vanier, đã khám phá ba
dấu chỉ đặc biệt của tình yêu Kitô giáo trong Tin Mừng : mật thiết,
phong phú và xuất thần.
Có lẽ có thể nhìn một cách đơn giản hơn : trong Thiên Chúa, chân lý và tình yêu là một[1].
Rồi chân lý được gồm gói trong đức Kitô, đức Ái hay tình yêu cũng được
gồm gói trong đức Kitô. Nơi Thiên Chúa, caritas và veritas là một, thì
trong đức Giêsu Kitô, chân lý và đức ái cũng vẫn là một[2];
và là một trong mầu nhiệm Nước Trời. Mầu nhiệm Nước Trời thể hiện cả
chân lý và tình yêu một cách phong phú vô tận và linh diệu bất ngờ. Với
mầu nhiệm ấy, điều cần thiết không chỉ là nghiên cứu như một vấn đề,
nhưng còn cần “chiêm ngắm”[3].
Đây là huyền nhiệm phong phú và linh diệu của Nước Trời nơi cuộc đời
một con người hèn mọn nhất trong các vị thánh, và thánh nhất trong những
người hèn mọn, đó là thánh Martino de Porres. Cũng cần phải nói thêm là
: chân lý của Chúa ban cho ta là chân lý cứu độ; và tình yêu Thiên Chúa
ban cho ta cũng là tình yêu cứu độ. Chỉ trong ý nghĩa cứu độ, chỉ trong
vận hành của lịch sử cứu độ mà chân lý và tình yêu của Chúa mặc khải
cho con người mới được sáng lên, sáng lên ý nghĩa huyền nhiệm. Điều này
có nghĩa là chúng ta có thêm một tiêu chuẩn để phân biệt những thứ chân
lý / tình yêu giả với chân lý / tình yêu thật; và để hiệp nhất những thứ
chân lý và tình yêu có vẻ khác nhau nhưng lại đích thực là một trong
cùng vận hành cứu độ.
1. Mầu nhiệm Nước Trời
Sám hối vì Nước Trời
Chúa Giêsu khởi đầu
sứ vụ công khai bằng lời loan báo Mầu nhiệm Nước Trời, và Ngài cũng cho
thấy cách thức để đi vào mầu nhiệm ấy chính là sự sám hối.
“Sau khi ông Gio-an
bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
Người nói : "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em
hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." (Mc 1,14-15)
Tại sao phải sám hối
? Sám hối là từ bỏ tội lỗi, sám hối là thay đổi lối sống, nhưng sâu xa
hơn hết, sám hối là thay đổi não trạng, thay đổi cách nghĩ. Đó là vì mầu
nhiệm Nước Trời luôn là điều bất ngờ có tính cách đảo ngược. Chẳng phải
chỉ những người Do Thái thời Chúa Giêsu cần phải sám hối, thay đổi não
trạng để có thể “hiểu” được Nước Trời, nhưng chính Hội Thánh trong suốt
hành trình của mình, cũng như mỗi người Kitô hữu, trong suốt hành trình
tâm của mình, vẫn luôn phải sám hối, vẫn luôn phải nhờ Thánh Thần Chúa
để có thể thay đổi não trạng.
Có lẽ đây là một
điều mà người Kitô hữu hiện nay phải lưu ý nhiều. Với đa số người tín
hữu, sám hối bị giản lược thành bản so sánh đời sống hằng ngày với Thập
Điều của Cựu Ước. Với những linh mục, tu sĩ, hình như người ta lấy việc
học hỏi, nghiên cứu để hiểu Nước Trời hơn là một sự rộng mở để Thánh
Thần Chúa thay đổi não trạng. Nếu nghiên cứu và học hỏi có thể cho ta
hiểu được một phần nào mầu nhiệm Nước Trời, thì sức mạnh để đi vào Nước
Trời vẫn luôn là ân sủng, vẫn luôn bắt nguồn từ chính tình yêu và chân
lý cứu độ được Thánh Thần khai mở ra cho Hội Thánh và cho mỗi người tín
hữu. Chính vì thế mà một con người hèn mọn như thánh Martinô lại có thể
biểu lộ mầu nhiệm Nước Trời rõ rệt hơn hết trong một tu viện Đa Minh
cũng như nơi thành phố Lima thời ấy.
Quả thật, nếu để ý
một chút, chúng ta sẽ thấy rõ tính mầu nhiệm Nước Trời luôn có tính cách
đảo ngược. Từ việc Ngôi Lời trong vĩnh cửu nay trở nên xác phàm, từ
việc Chúa chọn đức Maria, một cô gái đồng trinh, vô danh tiểu tốt, để
làm mẹ, từ việc Chúa chọn một gia đình dân thường chứ không phải gia
đình quyền quí, và chọn sinh ra trong hang đá bò lừa… cho đến Bài giảng
trên núi; cho đến cung cách thể hiện “lòng nhân chứ không phải lễ tế”
(Mt 9,13); cho đến lời dạy về quyền bính trong cộng đoàn Hội Thánh; cho
đến những giáo huấn trong diễn từ cáo biệt; và cho đến cách người đi vào
cuộc Tử nạn–Phục sinh…., tất cả đều là một sự đảo ngược kỳ lạ đối với
cách nghĩ thông thường của con người. Ta có thể nói được rằng ai không
thấy được tính đảo ngược của Chúa, thì cũng chưa thấm nhuần mầu nhiệm
Nước Trời. Trong khi đó, cám dỗ của con người luôn là muốn thích nghi,
thoả hiệp Nước Trời với nước thế gian, nước thế gian trong cách nghĩ đầy
lý lẽ của mình, nước thế gian trong lối sống tà tà của mình, nước thế
gian trong cơ chế tổ chức của cộng đoàn hay của chính Hội Thánh, nước
thế gian trong những giá trị hão huyền như danh giá,…
Nước Trời mời gọi
sám hối, mời gọi người tín hữu liên tục sám hối, mời gọi chính cơ chế
Hội Thánh hay cộng đoàn sám hối. Nếu sống đức tin, theo tinh thần
Vatican II, là sống đời mình như một lịch sử ơn cứu độ, nghĩa là sống
chính lịch sử đời thường của mình trong sự sám hối cách nghĩ, cách chọn
giải pháp, cách phản ứng… của mình trong sự so chiếu với mầu nhiệm Nước
Trời, thì ta lại càng thấy rõ tính cách thiếu sám hối chân chính, cả nơi
những nhà nghiên cứu Kinh Thánh, “đấng bậc” cũng như nơi đời sống người
tín hữu nói chung. Nước Trời là một sự đảo ngược, nên cần thiết phải có
một phương thức đảo ngược cách nghĩ, một lòng sám hối chân thực
(métanoia) để đi vào Nước Trời.
Mầu nhiệm đảo ngược
căn bản chính là mầu nhiệm Thập Giá. Thập giá xưa kia là sự điên rồ đối
với người Hy Lạp, là sự chướng kỳ đối với người Do Thái, thì ngày nay,
Thập Giá vẫn luôn là những khác biệt mang tính đảo ngược đối với cách
nghĩ cũng như thực tế cuộc sống xã hội và Giáo Hội, ở đây và lúc này.
“Trong khi người
Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ
khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh,
điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại
cho là điên rồ. (1 Cr 1, 22-23 )
Tại sao lại đảo ngược ?
Chúng ta có thể tìm
thấy câu trả lời trong cách nói của ngôn sứ Isaia : đường lối của Chúa
vượt cao hơn đường lối của con người (Xc. Is 55,9). Đường lối của Chúa
cao hơn không phải chỉ vì Chúa khôn ngoan hơn, nhưng còn là vì Thiên
Chúa yêu thương nhiều hơn, tình thương lớn hơn của Chúa vượt quá cách
suy nghĩ tầm thường của con người. Như đã nói, nơi Thiên Chúa, chân lý
và tình yêu là một; nơi đức Kitô, chân lý và tình yêu là một; nơi mầu
nhiệm Nước Trời, chân lý và tình yêu cũng là một. Tính cách hoà hợp đó
cũng thể hiện nơi những gì được sáng tạo trong Ngôi Lời có từ muôn thuở
và sứ điệp Nước Trời của đức Giêsu. Tính cách hoà hợp ấy cũng thể hiện
trong mầu nhiệm cứu độ mà những ai biết Chúa Cha thì cũng biết Chúa
Giêsu… Thế nhưng, con người đã không dễ dàng thấy được sự hoà hợp ấy,
nên đã phân ly những gì Thiên Chúa đã nối kết; để rồi nhân danh chân lý
để làm những điều phản lại tình yêu, hoặc nhân danh tình yêu để làm
những điều sai trái.
Làm sao giữ được nét hoà, nét duy nhất giữa chân lý và tình yêu ?
Chúng ta có thể thấy
một chút ánh sáng hướng dẫn khi nhìn lại sự tiến triển về quan niệm mạc
khải từ công đồng Vatican I đến Vatican II. Trong khi, đối với Vatican
I, mạc khải là Thiên Chúa mạc khải những chân lý vô ngộ của Ngài, thì
đối với Vatican II, mạc khải lại là mạc khải chính bản thân của Chúa.
“Thiên Chúa nhân
lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết
mầu nhiệm thánh ý Ngài {X. Ep 1,9}. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng
Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và
được thông phần bản tính của Thiên Chúa {X. Ep 2,18; 2P 1,4}. (MK 2)
Chúng ta cũng biết,
Vatican II đã thêm vào một phương thức mạc khải của Thiên Chúa, Thiên
Chúa không chỉ mạc khải bằng Lời, nhưng còn bằng hành động. Cả Lời cũng
như hành động của Thiên Chúa đều chỉ là mạc khải chính bản thân Ngài.
Nơi bản thân Ngài, chân lý và tình yêu là một, và trong mạc khải cứu độ
của Ngài, chân lý cứu độ cũng như tình yêu cứu độ chỉ là một.
“Công cuộc mạc khải
này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với
nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ,
củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói
thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó. Nhờ
mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con
người được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Đấng trung gian, đồng thời là sự viên
mãn của toàn thể mạc khải” {MK 2a}.
Thật ra, con đường
của triết gia Parménide (khoảng 540-470), đồng nhất hữu thể với tư
tưởng, để rồi triết lý chỉ việc ráp nối các tư tưởng, chính con đường đó
đã chia lìa, phân đôi mọi thực tại, lãnh vực lý thuyết dần dần khác với
lãnh vực thực hành; rồi đến một lúc nào đó, lãnh vực siêu hình lại trái
ngược với lãnh vực luân lý. Ngược lại, từ tư tưởng của Héraclite
(khoảng 540-475), người ta thấy rằng : ở đỉnh cao minh triết, siêu hình
và luân lý đồng nhất với nhau; còn ở đáy sâu của thứ triết lý vụn vặt,
thì siêu hình[4] khẳng định một đàng, luân lý lại đòi hỏi một đàng khác. Đó cũng là con đường lãng quên hữu thể của triết học Tây phương.
Cũng gần giống như
vậy, chính con đường xa rời “bản thân Chúa”, khiến cho chân lý và tình
yêu xa rời nhau; khiến cho nhiều khi ta muốn thực hành chân lý thì lại
thấy ngược với đức ái, và nhiều khi thực hành đức ái thì lại ngược với
chân lý.
Cuộc sống nhân trần
thì không có sự đồng nhất tất nhiên giữa hai lãnh vực khác nhau, không
có sự hoà hợp dễ dàng giữa chân lý và đức ái, nhưng người tín hữu thì,
đúng ra, chỉ có một điều cần thiết mà thôi, đó là chọn Chúa Giêsu, theo
Chúa Giêsu. Chính bản thân Chúa Giêsu là Đường, là sự Thật và là sự Sống
(Xc. Ga 14,6), chứ không phải một con đường nào, một sự thật hay sự
sống nào khác. Người Kitô hữu chọn Chúa Giêsu thì chỉ có một tiêu chuẩn
duy nhất, đó là muốn những gì Chúa muốn, làm những gì đẹp ý Chúa… Cũng
thế, Thánh Thần, trong Tân Ước, không còn được hiểu là một năng lực mà
người tín hữu có thể chiếm hữu và “cất trong túi”, nhưng là một Đấng mà
người tín hữu chỉ có thể sống-với, để cho Ngài đồng hành và để Ngài
“nói” khi ta phải ra trước “công hội” (Xc. Mc 13,11).
Có con đường của
thánh Thomas, thiết tha đi tìm chân lý của Chúa, nhưng vẫn luôn là khát
vọng “con chỉ cần chính Chúa” như lời Thomas trả lời với Chúa trong
những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời; và có con đường của Martinô,
khởi đi từ tình thương, khám phá lòng nhân ái của Chúa đổ xuống những
người cùng khổ, và chính cách thức sống ấy trở nên một sự cật vấn cho
những người chỉ biết có một thứ chân lý khô khẳng. Cả hai con đường đó
đều là con đường tìm kiếm chính Chúa, tìm kiếm Nước Thiên Chúa, cả hai
đều là phương thức thể hiện con đường “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước
hết (Xc. Mt 6,33). Đây chính là con đường của những vị thánh, khác với
con đường của những học giả hoặc những người làm việc xã hội thuần tuý.
Con đường tìm kiếm Thiên Chúa, “tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước” sẽ đưa
các thánh vượt qua những đối lập trong thế giới con người, để hoá giải
những đối lập ấy trong chính bản thân của Chúa Giêsu. Cái “trước” ở đây
không phải chỉ theo nghĩa thời gian, nhưng là một sự ưu tiên, một sự nắm
chắc lấy chính Chúa trong nỗi thiết tha đi tìm “Danh Cha, Nước Cha và Ý
Cha”. Những gì Ngài sẽ ban cho sau cũng không phải chỉ là của cải,
không phải chỉ là sự thành đạt, nhưng còn là nét hoà trong chân lý và
tình yêu mà trước đó ta chưa thấy được. Như thế, ai đó gắn bó với bản
thân Chúa Giêsu và thiết tha đi tìm Nước Thiên Chúa thì vẫn có thể hoặc
“đào bới sách vở”, hoặc “lấy đường phố làm phòng tu”.
Từ nẻo đường của
Martino, chúng ta có thể tìm ra động lực sám hối bằng con đường tình
yêu. Thay vì những hiểu lầm của người Do Thái về Đấng Mêsia quyền lực
cũng như về mầu nhiệm Nước Trời như vương quốc trần gian, người Kitô hữu
có thể khám phá thấy trong mầu nhiệm Nước Trời có động lực của mầu
nhiệm tình yêu của Thiên Chúa luôn cao hơn cách nghĩ của con người.
Chúng ta có thể chiêm ngắm huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa trong mầu
nhiệm Nước Trời, xét như một sự đảo ngược cách hiểu của con người, để
rồi nhận ra chính tình yêu thương lạ lùng của Thiên Chúa là căn nguyên
tạo nên mọi sự đảo ngược ấy. Tình yêu Thiên Chúa trở thành một thách đố
với cách hiểu thông thường, và thôi thúc sám hối. Sám hối là sám hối vì
tình yêu Thiên Chúa và sám hối là thay đổi não trạng để hiểu huyền nhiệm
tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, vì chính huyền nhiệm tình yêu cứu độ
của Thiên Chúa như một bóng dáng bao trùm và ẩn khuất trong mầu nhiệm
Nước Trời.
[1]
Xc. T/đ Caritas in veritate, s.1. Xin nói thêm : Deus caritas est /
Deus veritas est. Như vậy, nói đùa theo kiểu ngắn gọn hiện nay : Deus
Ca-ve-ritas est; mà cave lại có nghĩa là gái bao !!!, một loại người hèn
mọn được Chúa yêu thương và dẫn dắt đến chân lý cứu độ. Đây là “lý
luận” kiểu huyền nhiệm !!!
[3]
Gabriel Marcel cho chúng ta thấy sự khác biệt của “huyền nhiệm” và “vấn
đề”. Người ta thường hay tưởng lầm nhiều điều thuộc lãnh vực huyền
nhiệm nhưng không được chiêm ngắm mà lại được mang ra giải quyết như một
vấn đề.
0 Nhận xét