“Cải cách điền địa” ở miền Nam và “Cải cách ruộng đất” ở miền Bắc trước 1975 .
Vương Kim Hùng
Sau khi Hiệp
Định Genève được ký kết vào ngày 20-07-1954, nước Việt Nam tạm
thời phân chia hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc theo thể chế Cộng sản, Miền
Nam theo thể chế Cộng Hòa. Mỗi miền đều đưa ra những sách lược, đường
lối để phát triển đất nước, hầu giúp cho người dân được cơm no áo ấm,
cùng với những tiện nghi công ích mà họ được hưởng. Riêng tại Miền Nam
có luật “Người Cày Có Ruộng”. Còn miền Bắc đã áp dụng luật “Cải Cách
Ruộng Đất” trước ngày chia đôi đất nước.
Để biết rõ
bản chất từng chế độ qua chính sách ruộng đất, miền nào thật sự đem lại
tự do, cơm no, áo ấm cho người dân, hãy so sánh “Luật Người Cày Có
Ruộng” và “Luật Cải Cách Ruộng Đất” của hai miền Nam – Bắc.
Luật “Người Cày Có Ruộng” tại Miền Nam
Luật “Người Cày Có Ruộng” qua Luật số 003/70 ngày 26-03-1970,
ấn định “Chính sách người cày có ruộng”, do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
ban hành. Bộ Luật nầy kế thừa “Chính sách cải cách điền địa” được cố
Tổng thống Ngô Đình Diệm đem áp dụng năm 1955 tại miền Nam.
Trong đó có những khoản chính được nêu như sau:
- Bất cứ
điền chủ nào có trên 100 mẫu đất, phải bán phần thặng dư cho chính phủ,
để phân phối lại cho các Tá điền không có đất cày cấy.
- Các điền
chủ có ruộng đất bị truất hữu sẽ được Chinh phủ trả 10% giá trị đất đai
của họ bằng tiền mặt, phần còn lại sẽ được Chính phủ trả bằng trái phiếu
trong vòng 12 năm. Trái phiếu nầy có thể dùng để mua các cổ phần trong
các xí nghiệp kỹ nghệ quốc doanh hoặc dùng để trả thuế.
- Tiền thuê đất chỉ giới hạn đến mức 25% trong tổng số nông phẩm thu hoạch.
- Các tá điền thuê đất có thời hiệu trong vòng 5 năm.
- Các nông dân mua đất theo chương trình NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG của Chính phủ, sẽ được trả góp trong vòng 06 năm không có lãi xuất.
- Các đất
đai trồng lúa thuộc các điền chủ người Pháp sẽ được Chính phủ Việt
Nam mua lại, với sự tài trợ tài chánh từ chính phủ Pháp.
Sau đây, xin ghi lại “Luật người cày có ruộng” do cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành.
Bộ Luật nầy gồm có 22 Điều và 06 Chương.
Chương I. Mục đích – Biện pháp
Điều thứ nhất: Chính sách “Người cày có ruộng” do Luật nầy quy định có mục đích:
- Hữu sản hóa nông dân bằng cách cho những người thật sự canh tác được làm chủ ruộng và hưởng đầy đủ kết quả công lao của mình.
- Tạo cơ hội thăng tiến đồng đều cho mọi công dân.
Điều thứ hai: Để thực hiện mục đích nêu trên, các biện pháp sau đây được áp dụng:
1) Truất hữu có bồi thường thỏa đáng những ruộng đất không do điền chủ trực canh để cấp phát vô thường cho nông dân.
2) Bãi bỏ chế độ tá canh và nạn trung gian bao tá.
3) Phân cấp công điền.
Chương II – Phạm vi Áp Dụng
Điều thứ 3:
Luật nầy áp dụng cho các loại ruộng đất trồng lúa và hoa mầu phụ
thuộc quyền sở hữu của tư nhân hoặc pháp-nhân công pháp hay tư pháp
Điều thứ 4:
Các ruộng đất ghi trong sổ bộ điền thổ cùng một tên sở hữu chủ, được
coi là một đơn vị tư hữu duy nhất. Mọi chứng thư chuyển hữu không đăng
ký trước ngày ban hành này đều vô hiệu lực.
Ruộng đất do hai người phối ngẫu đứng tên riêng (trừ trường hợp chế độ biệt sản) cũng được coi như là một đơn vị tư hữu duy nhất
Điều thứ 5: Luật nầy không áp dụng cho các loại ruộng đất kể sau:
1) Ruộng đất
do điền chủ hoặc người phối ngẫu hoặc cha mẹ hoặc con cái hoặc người
thừa kế luật định hiện đang trực canh nhưng diện tích không quá mười
lăm (15) mẫu tây. Điền chủ trực canh có quyền thuê mướn nhân công để
canh tác.
2) Ruộng đất hương hỏa, hậu điền, kỵ điền, nghĩa trang không quá năm (5) mẫu tây cho mỗi gia tộc.
3) Ruộng đất hiện hữu của các tôn giáo
4) Đất trồng cây kỹ nghệ, cây ăn trái (không phải cây đoản sinh, sống dưới 1 năm)
5) Ruộng đất trên đó đã xây cất các cơ sở công-kỹ nghệ
6) Ruộng muối, ao hồ và đồng cỏ thuộc các cơ sở chăn nuôi
7) Ruộng đất nằm trong bản đồ chỉnh trang thành thị, thổ cư và viên lang.
8) Ruộng đất thuộc các trung tâm thực nghiệm và thí điểm nông nghiệp
9) Ruộng đất dành riêng cho các buôn, ấp đồng bào Thượng theo sắc luật 033/67 và 034/67 ngày 29-08-1967
10) Ruộng đất có dụng-đích lợi ích công cộng
11) Diện tích chưa bao giờ trồng lúa được khẩn hoang sau ngày ban hành luật này
Điều thứ 6:
Các loại ruộng đất nói tại đoạn 2, 3, 4, 5, 6, 8, 10 và 11 của điều 5,
sẽ do các luật bổ túc qui định sau. Mọi sự thay đổi dụng-đích ruộng đất
với mục đích tránh sự ấp dụng luật này đều coi như là vô hiệu
Chương III – Việc bồi thường cho điền chủ
Điều thứ 7:
Điền chủ có ruộng đất bị truất hữu sẽ được bồi thường nhanh chóng
và thỏa đáng. Giá biểu bồi thường sẽ do một Ủy Ban Đặc Biệt định đoạt,
Uỷ Ban nầy sẽ do một sắc lệnh thiết lập.
Điều thứ 8:
Giá biểu bồi thường sẽ bằng hai lần rưỡi (2,5) số hoa lợi thường niên
về lúa của thửa ruộng. Hoa lợi thường niên nầy được ấn định là hoa lợi
trung bình trong 5 năm vừa qua.
Điều thứ 9: Điền chủ được bồi thường theo thể thức sau:
- Hai mươi phần trăm (20%) trị giá ruộng đất bị truất hữu trả ngay bằng tiền mặt.
- Số tiền
còn lại được trả trong tám (8) năm bằng trái phiếu có Quốc gia bảo
đảm và được hưởng lãi hằng năm là mười phần trăm (10%).
Điều thứ 10:
Các Trái phiếu nầy có thể đem cầm, chuyển nhượng giải tỏa các món
nợ, trang trải thuế điền thổ, hoặc để mua cổ phần các xí nghiệp tư hoặc
quốc doanh.
Chương IV – Những người thụ hưởng.
Điều thứ 12: Ruộng đất tái phân sẽ được cấp phát vô thường cho mỗi gia đình nông dân một diện tích tối đa là:
- Ba (3) mẫu tây tại Nam phần.
- Một (01) mẫu tây tại Trung phần.
Gia đình nông dân gồm cha mẹ, vợ chồng, con cái sống chung dưới một nóc nhà và được kê khai trong Sổ Gia Đình.
Điều thứ 13: Ruộng đất tái phân sẽ được cấp phát theo thứ tự ưu tiên sau đây:
12) Nông dân hiện canh là người đang canh tác ruộng của người khác.
13) Cha mẹ, vợ con tử sĩ, nếu có đơn xin để được trực canh.
14) Quân nhân công chức, cán bộ khi giải ngũ, hồi hưu nếu có đơn xin để trực canh.
15) Quân nhân, công chức, cán bộ đã phải bỏ canh tác vì chiến tranh, nếu có đơn xin để cho gia đình trực canh.
16) Công nhân nông nghiệp, nếu có đơn xin để trực canh.
Điều thứ 14:
Những người được cấp phát ruộng đất sẽ được miễn thuế trước bạ,
thuế con niêm, lệ phí điền thổ và mọi phí khoản khác liên quan đến việc
chuyển quyền sở hữu và sẽ được miễn mọi sắc thuế liên quan đến ruộng cấp
phát trong năm đầu tiên.
Điều thứ 15:
Những người được cấp phát ruộng đất phải trực tiếp canh tác ruộng
đất ấy. Người nào đã bán ruộng đất cấp phát hoặc người phối ngẫu sẽ
không cấp phát ruộng đất lần thứ hai.
Chương V – Biện pháp chế tài
Điều thứ 17:
Người nào có hành động ngăn cản việc thi hành Luật nầy sẽ bị phạt tù
từ 6 tháng đến 3 năm và phạt tiền từ hai mươi ngàn đồng ($20.000) đến
hai trăm ngàn đồng ($200.000), hoặc một trong hai hình phạt ấy.
Điều thứ 18: Điền chủ ấn định ở Điều 5, đoạn 1. Không trực tiếp canh tác sẽ bị truất hữu, không bồi thường toàn diện tích.
Điều thứ 19:
Nông dân nào vi phạm Điều 15 không trực tiếp canh tác sẽ bị truất
hữu không bồi thường để cấp phát cho các nông dân khác theo thể thức
Luật nầy.
Chương VI – Các Điều khoản chung.
Điều thứ 21: Thể thức thi hành Luật nầy sẽ được quy định bằng Sắc Lệnh.
Điều thứ 22: Mọi Điều khoản trái với Luật nầy đều bị bãi bỏ.
Luật nầy sẽ được ban hành theo thủ tục khẩn cấp và đang vào công báo VNCH.
Cần Thơ ngày 26 tháng 3 năm 1970.
TT. Nguyễn Văn Thiệu.
Ghi chú:
Thông thường Tổng thống ký những Sắc Lệnh hay ban hành Đạo Luật đều ở
thủ đô Sài gòn. Nhưng Luật Người Cày Có Ruộng được ký tại Cần Thơ vì
ngày đó Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xuống Cần Thơ dự Lễ Khánh thành
“Ngày Nông dân Việt Nam qua Luật Người Cày Có Ruộng”, được tổ chức tại
khu kỹ nghệ Trà Nóc. Tại đây mọi sản phẩm thuộc về nông nghiệp đều mang
ra triển lãm. Từ lúa gạo cho đến những hoa mầu phụ đều được đưa ra trưng
bày trong ngày “Hội chợ nông nghiệp” nầy.
ĐỌC THÊM
Cuộc Cải Cách Ruộng Đất Tại Miền Bắc
Đối với các nước tự do dân chủ,
việc cải cách ruộng đất là chiến lược kinh tế quan trọng để tăng cao
sản xuất nông nghiệp nhằm cải thiện đời sống nông thôn nói riêng và cả
nước nói chung. Các luật cải cách ruộng đất do chính phủ miền Nam ban
hành không ngoài mục đích đó. Đây là một chiến lược kinh tế ưu tiên hàng
đầu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Đối với các nước theo chủ nghĩa xã hội hay cộng sản, chính sách cải cách ruộng đất mang một mục đích khác: đó là triệt bỏ bỏ quyền tư hữu ruộng đất
của người dân, lọc bỏ những giai cấp mà Cộng sản gọi là “tư sản” hoặc
“địa chủ” ra khỏi xã hội, từ đó dẫn tới hợp tác xã hóa nông nghiệp theo
mô hình Xã Hội Chủ Nghĩa.
Xã
Hội Chủ Nghĩa hay Cộng sản Chủ nghĩa là chủ nghĩa xây trên căn bản của
sự đấu tranh giai cấp gay gắt đầy hận thù giữa chủ và thợ ở các nước Tây
phương có kỹ nghệ phát triển vào cuối thế kỷ thứ 19. Trung Cộng, và sau
nầy là Việt Nam, sau khi chiếm trọn Hoa lục vào năm 1949, đã đem áp
dụng sự đấu tranh giai cấp của giới chủ và thợ vào các làng xóm yên bình
trên đất Trung Hoa. Nạn nhân của đấu tranh giai cấp mới này là những
người điền chủ có một ít của cải và đời sống gọi là sung túc. Hơn một
triệu điền chủ ở Hoa Lục, không những nhà cửa, ruộng đất bị tịch thu,
còn bị giết chết một cách oan uổng trong cuộc cải cách ruộng đất tàn
khốc nầy.
Về
phía Việt Nam, Hồ Chí Minh đã áp dụng chính sách cải cách ruộng đất
trong những vùng tạm chiếm vào những năm đầu của thâp niên 1950 theo sự
chỉ đạo của Liên Sô và Trung Cộng. Ngay sau Đại Hội Đảng kỳ II, tháng 12
năm 1951 tại Việt Bắc, vấn đề cải cách ruộng đất đuợc đưa ra và chuẩn
bị khá kỹ lưỡng từ thực tế đến pháp lý.
Sắc Lệnh 149/SL quy định về chính sách ruộng đất và Sắc Lệnh 151/SL quy định về trừng trị điạ chủ do Hồ chí Minh ký ngày 12 tháng 4 năm 1953 là thời gian đang tiến hành chiến dịch giảm tô.
Ngày 12-12-1953 các Sắc Lệnh trên được Quốc Hội thông qua và Hồ Chí Minh chính thức ban hành ngày 19-12-1953, nhân kỷ niệm ngày Toàn Quân Kháng Chiến, chính thức mở đầu cho các đợt Cải Cách Ruộng Đất long trời lở đất trên khắp miền Bắc.
Trường Chinh Đặng Xuân Khu được bầu làm Trưởng ban “Cải Cách Ruộng Đất”.
Nằm trong ban “Cải Cách Ruộng Đất” còn có
Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng và Chu Văn Biên. Một số
địa phương như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thái Nguyên được chọn làm
thí điểm phát động trong thời gian chuẩn bị các văn kiện pháp lý.
Trước khi
thực hiện cuộc Cải Cách Ruộng Đất, việc đầu tiên là đảng Cộng sản cho áp
dụng chiến dịch “giảm tô”. Mục đích của chiến dịch giảm tô là phân loại
dân chúng trong làng xã ra làm nhiều thành phần và đồng thới thành lập
các danh sách những người có chút uy tín ở nông thôn mà Cộng sản gọi là
những thành phần phản động chính.
Song
song với chiến dịch giảm tô, Cộng sản còn cho tiến hành việc tịch thu
tiền bạc nữ trang hoặc châu báu mà những người được coi là khá giả, giấu
diếm hoặc giao cho quyến thuộc cất giữ. Riêng những người có uy tín
trong làng hay những điền chủ có vài ba mẫu ruộng lập tức bị Đội Cải
Cách Ruộng Đất gắn cho cái tội “Địa chủ gian ác” đem đi giam giữ và cách
ly mọi người.
Sau
đó cán bộ Đội Cải Cách gọi vợ con của địa chủ bị bắt nói trên đến và bảo
cho biết phải lo trả ngay tức khắc một số tiền gọi là “Thoái tô” hoặc
nợ nông dân.
Trước
đó 4, 5 năm, chính quyền Cộng sản (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) có ra một
thông báo buộc địa chủ phải giảm tô 25 phần trăm. Hồi ấy mới bắt đầu
kháng chiến, báo chí chưa phát hành rộng rãi nên nhiều người không biết
và sau khi ban hành bản thông báo, chính quyền cũng bỏ bẵng hằng năm
không đá động tới. Giờ đây Nông Hội cho rằng tất cả các địa chủ đều
không tuân Luật và đòi gia đình điền chủ phải “Thoái tô”. Tức là trả
ngay tức khắc số tô đã thu quá mức trong 4,5 năm.
Sự
thật thì đa số địa chủ đã giảm tô, hoặc tuân theo thông cáo hoặc sợ chế
độ mà phải tự ý giảm. Nhưng vì họ tự xét ruộng đất chẳng có là bao nên
không nghĩ tới việc biên lai, sổ sách.
Dù sao đi nữa bây giờ có khiếu nại cũng vô ích và cũng không có quyền khiếu nại, nên địa chủ đều phải nhận trả.
Cũng
cần nói thêm là, trước khi thực hiện Cải Cách Ruộng Đất, Hồ Chí Minh đã
sang Liên Xô năm 1952 gặp Stalin và Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông, nhận
những chỉ thị cùng phương án để hành động. Về nước Hồ Chí Minh đã cho
học tập những khóa:
- Rèn cán chỉnh quân: Để thanh lọc bộ đội.
- Rèn cán chỉnh cơ: Để thanh lọc các cơ quan chính quyền.
- Chỉnh huấn: Áp dụng theo phương pháp của Trung cộng.
Đó là ba đợt chuẩn bị cho “Cải Cách Ruộng Đất”.
Sau chiến dịch giảm tô phát động từ năm 1953 cho đến 1954, Hồ Chí Minh cho thi thành luật
Cải Cách Ruộng Đất vào những năm 1955 và 1956. Nhiểu tài liệu đã cho
biết là đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt đầu áp dụng Luật Cải Cách Ruộng
Đất từ năm 1949, tại những làng xã mà họ kiểm soát. Cuộc cải cách ruộng
đất ở miền Bắc trong thời gian chiến tranh đã xảy ra một cách tiệm tiến.
Sau Hiệp Định Genève, trong những năm từ 1954 đến 1956, cuộc“cách mạng long trời lở đất”
theo như cách nói của Hồ Chí Minh được áp dụng rộng rãi từ phia Bắc của
vĩ tuyến 17. Trong suốt thời gian cuộc cải cách ruộng đất được thực
hiện ở miền Bắc, Trung Cộng đã gởi nhiều cố vấn sang Việt Nam để giúp đỡ
(hay kiểm soát) cán bộ Việt Nam trong phát động quần chúng thi hành
cuộc cải cách theo đúng khuôn mẫu của Mao Trạch Đông.
CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT.MIỀN BẮC
Mục
đích của cuộc cải cách ruộng đất của Đảng Cộng sản là loại bỏ và tiêu
diệt không khoan nhượng bốn giai cấp trong xã hội, đó là những người
trong giới TRÍ – PHÚ – ĐỊA – HÀO đang sống và tồn tại lâu đời trong xã
hội Việt Nam.
- TRÍ: Là những người có học, biết trăn trở cho vận mạng thịnh suy của đất nước.
- PHÚ: Giai cấp giàu có sống ở thành thị, chủ nhân những cơ sở buôn bán.
- ĐỊA: Là giai cấp địa chủ, với ruộng đất cò bay thẳng cánh chuyên sống ở nông thôn
- HÀO: Đại diện cho giai cấp chính quyền ở địa phương qua những chức vụ như:
Hào, Lý, Cai tổng, Quan huyện…
Lợi
dụng những người nghèo ít học như một công cụ đắc lực để thực hiện những
tham vọng và chính sách của Đảng đề ra, Cộng sản không ngừng tuyên
truyền vận động, nhồi sọ và ưu việt hóa giai cấp “Bần Cố Nông” và dùng
giai cấp nầy như một phương tiện đối kháng hữu hiệu với giới Trí, Phú,
Địa, Hào. Đồng thời, để cổ động cho cuộc đấu tranh giai cấp như câu nói
“Trí Phú Địa Hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, Tố Hữu và Xuân Diệu cũng đã
không ngần ngại đưa những quan điểm giai cấp của mình trong những bài
thơ đầy hận thù sắt máu:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin bất diệt
Tố Hữu (trích từ Trăm hoa đua nở trên đất Bắc- trang 37)
Anh em ơi! quyết chung lòng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tư thù
Địa hào đối lập ra tro
Lưng chừng, phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi.
Xuân Diệu (trích từ “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”- trang 38)
Ngoài
ra, Đảng Cộng sản cũng đẩy mạnh vấn đề dân vận, dùng cán bộ, đảng viên
cộng sản làm những người đi tiên phong trong việc phát động và thực hiện
chính sách của Đảng và Nhà Nước rộng rãi trong quần chúng:
Đảng viên đi trước, Làng nước theo sau.
Đi
xa hơn nữa, để thể hiện lập trường của một đảng viên cộng sản chân chính
với tam vô – vô gia đình, vô tổ quốc và vô tôn giáo – đồng thời để
chứng minh sự trung thành của mình với Đảng trong việc đấu tranh giai
cấp, Trưởng Ban “Cải Cách Ruộng Đất”, Trường Chinh, đã đem cả gia đình
và thân thuộc của mình ra đấu tố.
Trường
Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, con trai của ông Đặng Xuân Viên và bà
Nguyễn Thị Thu, xuất thân là con của giai cấp địa chủ ở tỉnh Nam Định,
trú quán phủ Xuân Trường.
Lúc phong trào Cải Cách Ruộng Đất phát động, Trường Chinh giữ chức vụ Tổng Bí Thư của đảng Cộng sản Việt Nam.
Nạn nhân đầu
tiên trong gia tộc của Trường Chinh là gia đình người chú. Người chú bị
qui là thành phần địa chủ và bị cháu của mình đem ra đấu tố. Uất hận
trước việc làm bất nhân, bất nghĩa của đứa cháu đã đặt tham vọng của
mình lên trên tình huyết thống, người chú đã chết một cách tức tưởi
không nhắm mắt.
Sau khi đấu tố người chú của mình cho đến chết, Trường Chinh chấp nhận để cha mẹ ruột của mình bị đưa ra đấu tố công khai. (…)
Đối
với cha mẹ ruột còn bị đem ra “Đấu tố”, huống chi những người không cùng
chung huyết thống dù những người này đã cưu mang, giúp đỡ cán bộ Cộng
sản trong suốt 9 năm kháng chiến.
Bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm là một trường hợp điển hình trong hàng ngàn trường hợp tương tự.
Bà
Nguyễn Thị Năm là chủ đồn điền Đồng Bẩm, sát ngoại ô thành phố Thái
Nguyên, đã giúp đỡ cán bộ Cộng sản từ thời còn bí mật những năm 1937,
1938 cho đến 1954. Bà đã che chở, nuôi giấu những cán bộ cao cấp như
Trường Chinh, Hoàng quốc Việt, Lê Duẫn…trong suốt thời gian bị Pháp truy
đuổi. Năm Ất Dậu 1945 để cứu đói, Hồ Chí Minh phát động “Tuần Lễ Vàng”.
Chính bà đã vui vẻ đóng góp 100 lượng vàng cho chính phủ Hồ Chí Minh.
Không những
giúp của cho Cách Mạng Tháng Tám, bà còn cho hai người con trai tham gia
“bộ đội cụ Hồ” nữa. Một trong hai người con trai đang giữ chức Chính Uỷ
Trung Đoàn Quân Đội Nhân Dân. Để trả ơn cho sự đóng góp vào cuộc kháng
chiến chống Pháp, bà đã bị gắn cho cái tội “Địa Chủ Ác Ôn” và bị đem ra
xử bắn. Các con trai của bà cũng không cứu được mẹ. Hình ảnh của bà Năm
cũng giống như phim “Chúng Tôi Muốn Sống” do đạo diễn Vĩnh Noãn thực
hiện, cùng với hai tài tử Lê Quỳnh và Mai Trâm.
Nhà thơ Hữu
Loan, tác giả của bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” đã kể về người vợ thứ hai
của ông là bà Phạm Thị Nhu, một nạn nhân của cuộc “Cải cách ruộng đất”
trong những năm 1954-56. Cha mẹ của bà là phú nông giàu lòng nhân đạo,
người đã nhiều lần sai tá điền gánh gạo để nuôi bộ đội của Sư Đoàn 304
trong thời kỳ chống Pháp. Mặc dù có công với cách mạng, cha mẹ bà cũng
bị đấu tố là địa chủ, rồi chôn xuống đất chỉ chừa hai cái đầu trên mặt
đất để cho trâu cày ngang dọc cho đến chết. Bà Phạm Thi Nhu lúc đó chỉ
mới 17 tuổi bị đuổi ra khỏi nhà, phải đi lang thang đầu đường xó chợ,
lượm từng củ khoai vụn mà ăn.
Khắp đồng
quê miền Bắc những cuộc đấu tố kinh hoàng đã xảy ra từng bữa, giai cấp
địa chủ mà phần lớn chỉ là phú nông hoặc trung nông. Chuyện vợ tố chồng,
con tố cha, con dâu tố bố mẹ chồng, anh chị em đấu tố nhau là chuyện
bình thường. Những người đem người thân thuộc ra đấu tố đều được biểu
dương là có lập trường giai cấp vững chắc và giác ngộ giai cấp sâu sắc,
là những đảng viên trung kiên của đảng, thấm nhuần tận xương tủy Chủ
nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Mao trạch Đông, được nêu gương để toàn đảng
học tập!…
Trong cuốn “Đêm giữa ban ngày” (tr. 31- 32), Vũ Thư Hiên đã kể lại:
“Tại xã Ngô Xá, làng Ngô Thanh Hóa…người ta trói chặt tay rồi dẫn mẹ bạn tôi đi
khắp làng…”. Ở
một đoạn khác, một người đàn bà bị trói vào hai cây nứa bắt chéo, bên
dưới là một đống lửa “Con mẹ ni là phú nông phản động ngoan cố lắm”.
Những người bâu quanh nhao nhao nói thế. Người đàn bà quằn quại mãi cho
đến khi ngất đi rồi mới được người ta hạ xuống.
Người
ta cắm gai vào đầu ngón tay một cô gái, có trời biết cô ta bị tội gì.
Có thể cô ta chỉ có tội là con địa chủ, cứ mỗi câu hỏi là cắm cái gai
thêm một chút làm cho cô ta rú lên, vì đau quằn quại trong dây trói.
Một cụ già tóc bạc phơ bị tròng dây vào cổ, bị lôi xềnh xệch trên đường như một con chó.
Lũ trẻ làng rùng rùng chạy theo sau. Chúng vỗ tay, chúng reo hò, chúng
cười ngặt nghẽo. Tôi nhìn chúng rùng mình, những đứa trẻ nầy chắc chắn
lớn lên với trái tim không phải giống người”.
Cũng
trong “Đêm giửa ban ngày” trang 221 Vũ thư Hiên đã ghi rõ: “Cha tôi
khẳng định người chịu trách nhiệm chính là ông Hồ chí Minh chứ không
phải Trường Chinh. Trường Chinh là con dê tế thần cho sự sai lầm của ông
Hồ”. Mặc dù cả Vũ Thư Hiên lẫn thân phụ ông, dầu cố nghĩ tốt cho Hồ Chí
Minh vì từng có những liên hệ cũ. (…) Thấy đồng bào chết rất nhiều
trong chiến dịch “Cải Cách Ruộng Đất”, ông Vũ Đình Huỳnh già yếu, bệnh
hoạn vẫn cố chống gậy tới gặp Hồ Chí Minh để than: “Máu đồng bào đã đổ
mà Bác ngồi yên được à!?…”. Vũ Đình Huỳnh là cha của Vũ Thư Hiên, tác
giả “Đêm giữa ban ngày”, (Hồ Chí Minh – Nhận Định tổng hợp, trang 563
của Minh Võ). Hậu quả của câu nói nầy, mặc dù là một đảng viên cộng sản
cao cấp với chức vụ bí thư, bao năm kề cận với Hồ Chí Minh, ông Huỳnh
vẫn bị tống vô nhà tù, ôm hận cho đến chết vì đối với Cộng sản chỉ có
đấu tranh gay gắt giai cấp, không bao giờ có sự nhân đạo hoặc tình
người.
Để thực hiện việc cải cách ruộng đất cho thành công, đảng đã vạch ra những biện pháp thi hành:
- Chỉ thực hiện cải cách ruộng đất ở những nơi cộng sản kiểm soát chặt chẽ. Không thực hiện ở những nơi giáp giới vùng Pháp chiếm đóng.
- Đối với những vùng dân tộc thiểu số sinh sống cũng không thực hiện ngay. Vì đảng chưa nắm vững tình hình.
Cải cách ruộng đất luôn gắn liền với việc:
- Phân định thành phần: Sàng lọc trong giai cấp nông nghiệp. Giữa bần cố nông với phú nông, giữa tá điền với địa chủ.
- Phân định địa chủ: Được chia làm ba loại: – Địa chủ Việt gian phản động – Địa chủ
thường – Địa chủ kháng chiến.
Tuy thành phần địa chủ được chia làm ba loại, nhưng thực tế không có loại thứ hai và ba.
Mục đích tối
hậu của Đảng là tiêu diệt giai cấp địa chủ giàu có, tất cả địa chủ đều
bị đội Cải Cách đem ra đấu tố bất luận những địa chủ nầy có công với
cách mạng hay không. Trong chính sách cải cách ruộng đất, mặc dù địa chủ
là mục tiêu chính, những người không có ruộng đất cũng có thể bị quy là
địa chủ nếu đội Cải Cách xét thấy họ có liên quan đến địa chủ hoặc có
tư tưởng tư sản.
Những hoạt động của đội Cải Cách bao gồm:
- Tống tiền công khai: Bắt giam địa chủ và tịch thu tài sản, bắt buộc vợ con của địa chủ phải
đem tiền bạc đến để chuộc mạng. Đây là một hình thức “Thoái tô” hay là
nợ của địa chủ đối với nông dân mà Đảng Cộng sản cho là “để đền bù lại
sau bao nhiêu năm vắt kiệt sức lao động cùng với máu và nước mắt mà giai
cấp bần cố nông đã đóng góp cho địa chủ để hưởng giàu sang”.
- Tố khổ: Nói lên những tội ác của địa chủ, mà giai cấp bần cố nông phải hứng chịu.
Có ba loại tố khổ được nêu lên: Loại thứ nhất gồm có những người mong có địa vị trong chế độ mới, hay ham lấy tài sản của địa chủ, mà đội cải cách đã hứa cho họ.
Loại thứ hai gồm những người cầu an, bảo mạng, họ tố để tỏ vẻ dứt khoát lập trường với giai cấp địa chủ. Loại thứ ba là những người tố chỉ vì sợ hãi.
- Đấu tố địa chủ: Địa chủ chia làm ba hạng A, B và C:
* Địa chủ hạng A tội nặng nhất, bị đấu trong ba ngày liên tiếp, trước đám đông từ một chục ngàn, hai chục ngàn người. Sau ba ngày đấu tố, địa chủ bị đem ra pháp trường xử bắn.
* Địa chủ hạng B, bị mang ra đấu tố trong vòng hai ngày, trước một đám đông từ một ngàn đến hai ngàn người.
* Địa chủ hạng C chỉ bị “đấu lưng” nghĩa là đấu vắng mặt. Trong khi nông dân tố cáo những tội ác của họ thì họ bọ giam giữ ở một nơi khác.
- Xử án địa chủ: Vài ngày sau khi bị tố khổ, một tòa án nhân dân thành lập tại đây, để xử
người bị tố. Tòa gồm một chánh án, một Công Cán Uỷ viên, nhưng không hề
có người biện hộ cho bị cáo. Bị cáo cũng không có quyền tự bào chữa.
Những người bị kêu án tử hình, bị bắn ngay sau khi tuyên án và hố chôn
đã đào sẵn trước khi Tòa nhóm họp.
- Chính sách “Cô lập địa chủ”:
Đây là hình thức chế tài cá nhân cùng với gia đình địa chủ. Hể ai bị
quy là địa chủ, thì tức khắc bị dân làng xem như con chó ghẻ. Không
ai được chào hỏi hay chuyện trò. Trẻ con còn được khuyến khích ném đá
mỗi khi thấy địa chủ ra đường hay đứng trước sân nhà. Vì không được ra
khỏi nhà, nên gia đình bị chết đói, trẻ con chết trước, người lớn chết
sau. Mục đích của chính sách nầy là nhằm tiêu diệt cho kỳ tuyệt giống
“bóc lột” ở nông thôn.
Cảnh “Đấu tố địa chủ”dưới chính sách ‘Cải cách ruộng đất” ở miền Bắc
Ông
Nguyễn Hữu Đang, Bộ trưởng bộ Văn Hóa trong chính phủ Việt Minh, đã
viết trong báo Nhân Văn như sau: “Trong Cải Cách Ruộng Đất, những việc
bắt người, giam người, tra hỏi (Dùng ngục hình dã man), xử tử, xử bắn,
tịch thu tài sản hết sức bừa bãi, bậy bạ. Cũng như việc bao vây làm cho
chết đói những thiếu nhi vô tội trong các gia đình địa chủ, hoặc chính
là nông dân bị quy sai thành phần”.
Ngay đến gia
đình địa chủ có đau ốm cũng không được chữa chạy thuốc men. Tình trạng
nầy đã được Luật sư Nguyễn Mạnh Tường ghi lại như sau:
“Khi đưa tới
bệng viện, một bệnh nhân cấp cứu, vấn đề mang ra thảo luận trước tiên
là: Bệnh nhân thuộc thành phần giai cấp nào? – Chữa cho địa chủ thì “mất
lập trường”. Để nó chết mới chứng minh có lập trường giai cấp (Hoàng
Văn Chí, Từ Thực dân đến Cộng sản tr. 256 -257).
Miền Bắc có
khoảng 5000 xã, Hồ Chí Minh và Trường Chinh theo phương pháp của Mao
Trạch Đông, đưa ra một tỷ lệ là một xã 1000 dân thì phải có 50 người bị
đấu tố, tức 5 phần trăm. Cứ theo tỷ lệ đó mà đấu cho đủ số. Nếu số địa
chủ không đạt đúng chỉ tiêu, thì cũng phải, bằng cách nầy hoặc bằng
cách, tìm ra cho đủ. Nếu một xã quá nghèo tìm không đủ số lượng để cung
ứng, thì phải tìm ra những người có một chút tài sản như có chiếc xe đạp
chẳng hạn, để gắn vào nhãn hiệu địa chủ và đôn lên cho đủ số. Như vậy,
theo đúng chỉ tiêu của Hồ Chí Minh và Trường Chinh, 5000 xã ở miền Bắc
với dân số là 5 triệu người, thì số nạn nhân bị đấu tố chết là 250 ngàn
người.
Ngoài chính sách “Cô lập địa chủ” ra, đảng Cộng sản còn áp dụng “Chỉ định nơi cư trú” dành cho những người đã làm việc cho Pháp, các quan lại dưới triều Nguyễn và giai cấp tư sản.
Trong quyển “Bạn Bè Gần Xa”, tác giả Phan Lạc Phúc đã ghi lại một đoản văn với tên gọi “Xó Rừng U Uất”, trang 167-172:
Đầu
năm 1956 đồng bào các nơi quá phẫn uất trước việc giết người bừa bãi. Đã
có hai nơi dân chúng nổi dậy chống lại phong trào Cải cách ruộng đất.
Đó là Quỳnh Lưu và Ba Làng. Việc nổi dậy của người dân tuy bị dẹp tan.
Nhưng đã giúp cho đảng Cộng sản xét lại, ngưng ngay chiến dịch Cải Cách
Ruộng Đất. Nhận lãnh trách nhiệm sai sót, đi đến quyết định “Sửa sai”.
Ngày
29-10-1956, tại sân vận động Hàng Đẫy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay
mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị đứng ra xin lỗi nhân dân và đưa
ra phương án sửa sai khẩn cấp. Tại cuộc họp lớn nầy, người ta đẩy ông
Bùi Kỷ, một nhân sĩ trong Mặt Trận Tổ Quốc ra đọc lời khai mạc.
Đảng
Cộng sản đã phát động ngay một chiến dịch “sửa sai”. Trong Nội san Cải
Cách Ruộng Đất, các số 10, 11, 14, xuất bản tại Hà Nội đầu năm 1956,
tường trình về con số sai biệt giữa địa chủ và không địa chủ như sau:
- Ở đồng bằng Bắc bộ trong số 2033 Xã, đã có 63.111 Hộ, quy là địa chủ nay sửa lại 31.844 không còn là địa chủ. Con số địa chủ chỉ có 31.269 hộ, tức chiếm 2.2 phần trăm trong tổng số hộ ở nông thôn.
- Ở một xã như xã Tường Vân, Thanh Hóa chỉ có 11 địa chủ bị quy lên 65 tức 54 người bị
tố oan, bị đấu tố, tù đày và kể cả bị đánh chết. Trong số 2033 Xã, số
người bị quy kết là địa chủ lên tới 14.908 người. Sau đợt sửa sai chỉ
còn 3.932 người, tức tố sai 10.976 người.
Đồng
thời, để cho những nạn nhân của cuộc cải cach ruộng đất tin tưởng vào
thiện chí “sửa sai” của Đảng, Đảng Cộng sản quyết định:
- Tước bỏ chức vụ Tổng Bí Thư của Trường Chinh và chuyển qua làm Chủ tịch Quốc hội.
- Hoàng Quốc Việt bị loại khỏi Bộ Chính Trị Trung ương Đảng.
- Hồ Viết Thắng, Nguyễn Đức Tâm bị đưa ra khỏi Uỷ ban Trung ương Đảng.
Sau đợt sửa sai đó, Luật Cải Cách Ruộng Đất không còn đem ra áp dụng tại miền Bắc nữa.
Thay vào đó, nông dân bắt buộc phải gia nhập Hợp Tác Xã. Kết quả đến năm 1960 miền Bắc có 70 phần trăm ruộng đất và 80 phần trăm nông dân canh tác tập thể trong các Nông trường hay Hợp tác xã.
Việc
tập thể hóa nầy không đem lại kết quả tốt vì các nông dân không tích
cực làm việc cho tập thể bằng cho chính ruộng nhà họ. Với 70 phần trăm
ruộng đất và 80 phần trăm nông dân canh tác tập thể chỉ thu hoạch được
40 phần trăm sản lượng toàn thể.
Do đó đảng Cộng sản lại phải uốn nắn, sửa sai và giải tán một phần các nông trường bị thất bại lớn.
Trong
Hội nghị lần thứ 10 của Trung Ương Đảng, Võ Nguyên Giáp tạm thời làm
Phát ngôn viên cho Đảng, đã liệt kê có tới 07 điểm sai lầm:
- Coi nhẹ yêu cầu toàn diện của nhiệm vụ cách mạng. Coi nhẹ yêu cầu mở rộng mặt
trận chống phong kiến và mặt trận dân tộc thống nhất.
- Coi nhẹ đoàn kết với phú nông, không thực hiện liên hiệp phú nông, thậm chí đả kích phú nông và xem như địa chủ.
- Đã kích lan tràn không thi hành sách lược phân hóa, không chiếu cố gia đình địa chủ có công với cách mạng, gia đình địa chủ có con em đi bộ đội, không chiếu cố địa chủ kháng chiến và phân biệt đối đãi con cái địa chủ.
- Không chú trọng đề phòng lệch lạc, không nhấn mạnh phải thận trọng, tránh xử trí oan những người ngay, do đó mà đi đến mở rộng diện đả kích, đánh địch tràn lan, dùng những biện pháp trấn áp một cách phổ biến.
- Trong khi thực hiện cải cách ruộng đất ở nơi có nhiều đồng bào tôn giáo, thì làm sai chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng của nhân dân.
- Trong khi thực hiện chính sách cải cách ruộng đất ở vùng thiểu số thì đả kích quá rộng vào tầng lớp trên: Không coi trọng, thậm chí xâm phạm đến phong tục tập quán của địa phương.
- Trong công tác tổ chức Đảng thì không nắm vững tiêu chuẩn chính trị, mà lại phạm vào chủ nghĩa thành phần. Không chú trọng phương châm lấy giáo dục làm chính, mà nặng về kỹ luật, xử trí giải tán các tổ chức.
Hậu Quả việc Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc
- Tàn sát thường dân vô tội. Đã có 500.000 nạn nhân chết trong chiến dịch cải cách ruộng đất. Trong đó có quần chúng nhân dân, các đảng viên cộng sản, gia đình quy ra địa chủ cũng chết theo, bao gồm trẻ nít cùng người lớn trong gia đình. Có những gia đình chỉ có ba công đất cũng gọi là địa chủ, bị Đội Cải Cách ra tay tiêu diệt. Toàn một
Xã không tìm ra đủ số địa chủ, Đội Cải Cách ruộng đất phải đôn từ giai cấp phú nông lên thành địa chủ. Nhiều phú nông đã chết trong giai đoạn nầy.
Phá hoại truyền thống tốt đẹp ngàn năm của dân tộc.
Cụ
Nghè Nguyễn Mai là hậu duệ của Nguyễn Du bị đấu tố ba đêm liền, rồi bị
kết án 15 năm tù. Nhưng ông vào tù được mấy tháng thì chết. Đội Cải Cách
Ruộng đất lấy cớ cụ Mai là địa chủ (Vì có vài mẫu tư điền cho phát
canh) để phá hủy đền đài, bia miếu thờ của các danh nhân họ Nguyễn Tiên
Điền và nghiêm trọng hơn nữa là đã đốt cháy ngôi nhà năm gian chứa đầy
thư tịch quý giá của dòng họ Nguyễn Du, trong đó có di cảo của thi hào
nữa.
Làm
băng hoại đạo lý luân thường của dân tộc: Nước Việt Nam có hơn 4.889
năm văn hiến, chưa có một triều đại, một chế độ nào dạy vợ chồng đấu tố
lẫn nhau, con cái phải đấu tố cha mẹ, anh chị em đấu tố với nhau, trò
đấu tố thầy, tá điền đấu tố địa chủ.
Mọi giềng mối gia đình bị đảo lộn. Gia đình là nền tảng của xã hội, nếu gia đình không yên thì thử hỏi xã hội có được ổn không?
Phá
hủy truyền thống tâm linh và văn hóa của dân tộc: Đội Cải Cách ruộng đất
không những giết oan nhiều người (Qua chủ trương thà giết oan 10 người
hơn để một kẻ có tội trốn thoát) mà còn phá hoại các chùa chiền lăng
miếu, nhà thờ, qua bao đời được con cháu bảo tồn. Thể hiện rõ nét nhất
cho việc áp dụng “Tiêu thổ kháng chiến” hay còn gọi là “Vườn không nhà
trống”. Bản chất người dân vốn đã nghèo, gặp “Tiêu thổ kháng chiến” lại
càng xơ xác thêm.
Nói thêm về chính sách ruộng đất ở Miền Nam Việt Nam
Trong ba miền: Nam -Trung và Bắc của Việt Nam, miền Nam với đồng bằng sông Nam phần
được thiên nhiên ưu đãi với mưa thuận gió hòa ít có giông bão. Đồng
bằng Nam phần chiếm phần lớn diện tích với 40.000 km² của tổng số 67.700
km² diện tích Nam phần, được bù đắp phù sa bởi hai con sông Cữu Long và
Đồng Nai. Vào mùa nước lớn lưu lượng lên đến 120.000 m³/giây (mỗi m³
chứa 1kg5 phù sa), nhưng đóng vai trò quan trọng cho đồng bằng Nam phần
là sông Cữu Long vì nó không những cung cấp nước ngọt, thủy sản mà còn
chuyên chở phù sa vun bồi cho các cánh đồng phì nhiêu, làm cho lúa nặng
chĩu nhành và cây trái xanh tươi.
Trong các
thời kỳ phong kiến cũng như dưới chế độ thực dân, Việt Nam là nước
chuyên về nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm cơ bản “Dĩ Nông Vi Bản”, nên
Việt Nam có hơn 80 phần trăm dân số ở sống bằng nghề nông. Đời sống của
người dân luôn gắn liền với ruộng đất và chịu đựng một nắng hai sương,
hằng ngày phải “Bán mặt cho Đất, bán lưng cho Trời”. Uớc mơ duy nhất của
người dân sống ở vùng nông thôn là có cuộc sống ổn định và làm chủ được
thửa ruộng nơi họ đang canh tác.
Với
quan điểm “Dân vi quí” và “Dân giàu Nước mạnh”, chính phủ Việt Nam Cộng
Hòa, sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa thành lập, đã bắt đầu những cuộc cải
cách nông nghiệp để tăng cao đời sống nhân dân và nâng đời sống của nông
thôn ngang với thành thị. Cái khó khăn của chính quyền là: “Làm sao ổn
định được cuộc sống của người dân?”
Vào ngày
22-10-1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Luật Cải Cách Điền Địa,
qua Dụ số 57. Đây cũng là điểm khởi đầu giúp đỡ người dân nông thôn
thoát khỏi cảnh nghèo đói. Bên cạnh đó Chính quyền VNCH còn chú trọng
đến việc khuếch trương nông nghiệp với các tiêu chuẩn sau:
- Gia tăng và cung cấp đủ loại nông phẩm cho nhu cầu trong nước. Giảm nhập cảng và tăng xuất cảng.
- Cung cấp nguyên liệu đủ cho nhu cầu công kỹ nghệ, phù hợp với đà phát triển của công kỹ nghệ trong nước.
- Nâng cao mức sống của người dân sống ở nông thôn cũng như thành thị.
- Góp phần vào việc định cư cho gần một triệu đồng bào miền Bắc di cư.
Chương
trình dự trù gia tăng mức sản xuất nông nghiệp, bằng cách tái canh tác
ruộng đất bỏ hoang vì chiến tranh. Khai thác vùng đất mới ở Cao nguyên
và các vùng sinh lầy U Minh, Đồng Tháp Mười. Cải tiến việc canh tác như
xử dụng nông cơ và phân bón.
Về
phương diện xã hội, chương trình chú trọng đến việc cải cách ruộng đất,
truất hữu ruộng đất của các đại điền chủ đem bán lại cho nông dân.
Chương trình cũng khuyến khích việc tổ chức các nông dân thành lập các
Hợp Tác Xã Nông Nghiệp, Hiệp Hội Nông Dân cùng các Ngân hàng như: Nông
Tín Cuộc để cho nông dân vay tiền làm mùa.
Kết
qủa đến năm 1959 VNCH đã canh tác được 2.400.000 ha ruộng và sản xuất
5.092.000 tấn lúa so với 1.955.000 ha và 2.560.000 tấn lúa năm
1954-1955.
Tiếp
nối sự thành công của chính sách Cải Cách Điền Địa của Tổng Thống Ngô
Đình Diệm, vào ngày 26-03-1970, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành
Luật “Người Cày Có Ruộng”. Đây là một cải cách điền địa có một không hai
trong lịch sử, tạo điều kiện cho người nông dân được làm chủ thửa ruộng
của mình, đồng thời chính phủ cũng tạo điều kiện dễ dàng cho nông dân
tăng cao thu hoạch và giảm chi phí canh tác qua những kế hoạch sau đây:
- Cải thiện phương pháp canh tác bằng cách:
- Cho nông dân vay tiền nhờ các quỹ tín dụng (Quốc Gia Nông Tín Cuộc).
- Lập các Hợp Tác Xã Nông Nghiệp, giảm bớt chi phí canh tác.
- Gia tăng năng xuất lúa gạo bằng cách chọn các giống lúa thích hợp như lúa Thần Nông (IR8-IR5), chống lại côn trùng, chuột và các bệnh của lúa.
- Bắt đầu cho dùng thử những loại nông cơ như máy cày tay và chọn phân bón thích hợp.
- Gia tăng diện tích trồng lúa và phân phối hợp lý cho nông dân bằng cách tái canh tác vùng bị bỏ hoang và thực hiện các chương trình cải cách điền địa.
- Cải thiện việc mậu dịch lúa gạo: Tìm kiếm những thị trường để tiêu thụ, gia tăng mức sản xuất lúa gạo. Bên cạnh đó còn có nhiều chuyên viên Phi Luật Tân, Đài Loan sang giúp thiện nguyện cho Chính phủ VNCH để phát triển nông nghiệp.
Ngoài ra,
chính phủ Việt Nam Cộng Hòa còn cung cấp sách báo miễn phí cho dân như
tạp chí Thế Giới Tự Do và Hương Quê. Tạp chí Thế Giới Tự Do giúp cho
đồng bào miền Nam hiểu rõ đường hướng chủ trương của Chính phủ. Trong
khi đó tạp chí Hương Quê đã hướng dẫn nông dân những kỹ thuật trồng loại
lúa Thần Nông, một giống lúa mới có năng xuất cao, cách trồng thêm hoa
mầu phụ như đậu, bắp, dưa hấu, đậu xanh, đậu nành. Ngoài ra tạp chí
Hương Quê cũng dạy cho người dân cách trồng nấm rơm để tăng thêm phần du
nhập cho gia đình.
Sau khi được
làm chủ miếng đất, người nông dân miền Nam đã chăm chỉ canh tác, mỗi
năm làm hai vụ lúa Thần Nông, khoảng thời gian còn lại còn trồng thêm
những hoa màu phụ như: khoai lang, đậu xanh, bắp, đậu nành… đúng như câu
ca dao: “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang, bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy
nhiêu”, Luật “Người Cày Có Ruộng” của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng
đã đáp ứng được nguyện vọng của người nông dân miền Nam là được làm chủ
và vun trồng miếng đất mình đang canh tác. Thêm vào đó, những yếu tố ưu
đãi của thiên nhiên cộng với sự siêng năng sẵn có của nông dân miền Nam
đã giúp cho bộ mặt nông thôn ở miền Nam phát triển một cách nhanh chóng.
Nông thôn miền Nam nhanh chóng chuyển mình, những túp lều tranh đã trở
thành những căn nhà gạch với mái ngói khang trang, rộng rãi. Cuộc sống
của người dân bắt đầu sung túc và thịnh vượng hơn. Việc canh tác cũng
được cơ khí hóa, con trâu, cái cày được thay thế bằng những chiếc máy
cày cơ khí tân tiến.
Thay lời kết
Trong suốt 9 năm chiến tranh Việt – Pháp (1945 – 1954) và hai năm sau khi Hiệp Đinh Genève
ký kết (1954 – 1956), tại miền Bắc, đảng Cộng sản đã phát động cuộc Cải
Cách Ruộng Đất để loại trừ người mà họ gọi thành phần địa chủ theo đúng
chủ trương củaCộng sản Quốc tế. Chính sách “Cải Cách Ruộng Đất” như một
màn đêm đem sự chết sự chết chóc với nỗi kinh hoàng bao trùm xuống
những làng quê yên bình của người dân miền Bắc.
Những
người dân vô tội có một vài thửa ruộng của tổ tiên để lại hoặc có đời
sống gọi là hơi khá giả, đều bị xem là giai cấp địa chủ, bị đem ra đấu
tố và chết trong nhục nhã trước đội Cải Cách Ruộng Đất.
Sau Cải Cách
Ruộng Đất, Cộng sản Bắc Việt lại đem mô hình văn nghệ “Trăm Hoa Đua
Nở” của Mao Trạch Đông áp dụng vào Việt Nam để tiêu diệt các thành phần
trí thức có tư tưởng nhân bản.
Vụ án Nhân
Văn Giai Phẩm, đã đưa nhiều trí thức miền Bắc vào tù với tội mang “tư
tưởng tiểu tư sản phản động”. Đảng Cộng sản còn ra tay tiêu diệt giai
cấp tư sản và những người làm việc hay đi lính cho Pháp. Ruộng vườn, nhà
cửa, đất đai, xe hơi… đều bị tịch thu, xung công, còn vợ con bị đày đi
những nơi sơn lâm chướng khí, còn bị “chỉ định nơi cư trú” nữa…
Sau ngày 30-04-1975,
tất cả những giai cấp giàu có ở miền Nam đều bị cộng sản tịch thu đất
đai, nhà cửa. Đối với Quân, Cán, Chính VNCH, đảng Cộng sản chủ trương
giam cầm (gọi là cải tạo), nếu còn sống sót được trở về nhà, thì cũng
trở thành phế nhân. Còn vợ con của họ thì bị đưa đi vùng kinh tế mới.
Sau khi Hiệp Định
đình chiến ký kết tại Genève ngày 20-07-1954, khoảng một triệu người
miền Bắc, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn di cư vào Nam để được hít thở không
khí tự do.
Sau ngày 30-04-1975,
thêm một lần nữa, hơn 3 triệu người Việt Nam không chấp nhận Chủ Nghĩa
Cộng Sản, đã vượt biên, vượt biển, liều chết để tìm đến bến bờ tự do.
Trong số đó, có trên 500.000 nạn nhân cộng sản đã bỏ mình trên biển cả
hay gởi thây nơi núi rừng hoang vắng trên đường vượt biên, vượt biển.
Qua thời
gian, hàng triệu gia đình nạn nhân có thân nhân bị Cộng sản giết chết có
thể quên đi nổi đau thương nầy, nhưng Lịch Sử sẽ không bao giờ tha thứ
những tội ác mà đảng Cộng sản đã gây ra cho Dân Tộc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua 1945 – 1964, NXB: Xuân Thu. Hoa Kỳ
- Hoàng Văn Chí, Từ Thực dân đến cộng sản, NXB: Đại Nam. Hoa Kỳ
- Vương Kỳ Sơn (2009), Di cư 54 – Triệu người muốn sống, NXB: Lĩnh Nam. Hoa Kỳ.
- Phạm Văn Lưu & Nguyễn ngọc Tấn (2005), Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam (1954 – 1963).Melbourne-Victoria (Australia)
- Phan Lạc Phúc (2000), Bạn bè gần xa, NXB: Văn Nghệ. Hoa Kỳ
- Vũ Thư Hiên (1997) Đêm giữa ban ngày, NXB: Văn Nghệ. Hoa Kỳ
- Minh Võ (2006), Hồ chí Minh – Nhận định tổng hợp, NXB: Quê Hương. Hoa Kỳ
- Nguyễn Khắc Ngữ & Phạm đình Tiếu (1971), Địa lý Việt Nam Lớp 11, NXB: Cơ sở xuất bản Sử Địa, Sài Gòn
- Đạo diễn Vĩnh Noãn, Chúng tôi muốn sống (DVD), Hoa Kỳ
- Bùi Tín, Following Ho Chi Minh, CRA WFORD HOUSE PUBLISHING, Bathurst, NSW 2795 Australia, 1995, Tr. 23-32
- Jeffrey Hays, Agriculture In China Under Mao And Deng Xiaoping,
Nguồn: Tập San ĐN&CL Số 6.
Phụ lục:
(**) Sau hai năm áp dụng từ 1955-1957, miền Nam đạt thành quả như sau:
– Hơn 600.000 khế ước thuê đất đã được ký kết giữa Điền chủ và Tá điền. Các Nông gia
và Hợp tác xã đã được cho vay tổng số tiền lên đến 250.000.000 đồng và
26.120 mẫu đất đã được phân phối cho các nộng dân muốn sở hữu đất đai.
- Diện tích đất đai canh tác đã tăng từ 1.659.000 mẫu trong năm 1954 lên đến 2.625.369 mẫu trong năm 1957, mức gia tăng là 58%.
Đến cuối năm 1959, có 436.700 mẫu đất đã được các Điền chủ chuyển giao cho Chính phủ.
Sau khi đo đạc và phân chia lại, Chính
phủ đã phân phối đất đai này lại cho 119.000 nông dân, họ là chủ nhân
ông mới của số ruộng nầy.
Từ năm 1955 đến 1962, mức sản xuất lúa gạo đã tăng từ 2.800.000 tấn đến 5.000.000 tấn.
Trong năm 1955, gạo xuất cảng chỉ có
70.000 tấn, đến năm 1962 đã tăng lên đến 340.000 tấn. Điều đó nói lên
hiệu quả của Cải cách điền địa ở miền Nam.
PHN sưu tầm
0 Nhận xét