CHỮ NHÂN
Ảnh FIOHANTB blog |
Vào khoảng hậu bán thế kỷ VI trước Công nguyên, thời Xuân Thu – Chiến Quốc ở Trung Hoa, triết thuyết Nho giáo chứa đựng nhiều màu sắc chính trị, góp phần ổn định trật tự xã hội và đất nước Trung Hoa đương thời đang rất rối ren. Tuy nhiên, vị đức Khổng Tử đã chủ tâm xây dựng một nền đạo lý nhân bản vững chắc cho con người, nên nền minh triết Nho giáo cũng chứa đựng rất nhiều chất liệu của Tin Mừng Đức Giê-su. Những chuẩn mực đạo đức trong đạo lý nhà Nho cũng khắc hoạ một phần thiết thực về đời sống tu trì của chúng ta. Do đó, chúng ta thử chia sẻ với nhau về một giáo thuyết quan trọng trong đạo lý nhà Nho là “Đức Nhân”, để có thể góp một phần nhỏ, hun đúc tinh thần tu trì của chúng ta, trong hoàn cảnh những giá trị đạo lý trên thế giới bị đảo lộn một cách khá phức tạp hôm nay.
1. Thuật ngữ
Chữ Nhân (仁) gồm có bộ nhân đứng (亻) và chữ nhị (二) hợp lại thành một chữ hội ý. Cấu trúc của chữ Nhân biểu lộ một ý nghĩa là: mọi người đều có cùng một thân thể, cùng một nhân đức như nhau. Do đó, sống theo chữ Nhân chính là tôn chỉ của Nho giáo (Trần Trọng Kim. Nho giáo, quyển thượng, tr. 44, 1971). Như vậy, Nhân đứng đầu các điều thiện, Nhân tác động và vun trồng cho sự sinh hoá của trời đất.
Chữ Nhân là Đức Nhân, bộ nhân đứng (亻: biểu hiện cho người) và chữ nhị (二 : biểu hiện cho Trời - Đất). Chữ này mang ý nghĩa là con người phải hoà mình vào mối tương quan với Trời và đất. Đồng thời con người cũng phải sống trong mối tương quan giữa người với người trong xã hội (Giảng giải của tác giả Lý Minh Tuấn).
2. Những chiều kích của Đạo Nhân
2.1. Tu thân
Sống theo Đạo Nhân trước hết vẫn là Tu Thân. Con người có biết nỗ lực hoàn thiện các nhân đức nhân bản của mình thì mới mong canh tân được diện mạo của gia đình, xã hội và thế giới cho hợp đạo lý của Trời. Đức Khổng Tử xác định: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân.” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 12) (Sửa mình trở lại theo lễ là Nhân). Con người suốt đời phải chiến đấu với tất cả những gai ngạnh, những Tham – Sân – Si trong chính bản thân mình để được tự do, để vươn tới sự hoàn thiện của Thiên Đạo, để được đến gần Thiên Chúa là nguồn Chân – Thiện – Mỹ tuyệt đối.
Chính Đức Giê-su cũng nhắc nhở: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13). Thiên Chúa cần đến lòng Nhân của con người. Thiên Chúa muốn con người chân nhận thân phận yếu hèn và vong hoại của mình, để họ có thể mở lòng ra đón nhận Ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ đó, con người có thể cộng tác vào ơn cứu độ của Thiên Chúa bằng việc nỗ lực thăng tiến cuộc sống đức tin, khơi lại hình ảnh nguyên tuyền của Thiên Chúa nơi chính bản thân mình, đồng thời uốn nắn lại hình dạng méo mó của thân phận phàm nhân nơi mình đã bị tội lỗi làm hư hoại.
Như vậy, hình ảnh của cuộc sống tu trì đã được phác hoạ ngay từ khi con người nhận ra giới hạn mong manh của phận người. Khi nhận ra giới hạn ấy, người có lòng Nhân mới hướng cuộc đời mình đến lý tưởng tu thân, tích đức. Họ tu thân để đạt tới cái dũng khí của người quân tử. Vì người quân tử luôn luôn can đảm tìm kiếm và xây dựng điều thiện trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc sống nhân loại đầy biến động. Người quân tử luôn một lòng một ý sống theo đạo Nhân: “Cư thiên hạ chi quảng cư; lập thiên hạ chi chính vị; hành thiên hạ chi đại đạo. Đắc chí, dữ dân do chi; bất đắc chí, độc hành kỳ đạo; phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy võ bất năng khuất; thử chi vị đại trượng phu” (Mạnh Tử. Đằng Văn Công, q.hạ) . Người quân tử ở cái chỗ ở rộng trong thiên hạ chính là Nhân, đứng giữa cái ngôi chính trong thiên hạ chính là Lễ, đi con đường lớn trong thiên hạ chính Nghĩa. Đắc chí thì cùng với dân mà theo đạo, không đắc chí thì một mình mình theo đạo; giàu sang không làm cho mình ra phóng đãng, nghèo hèn không dời đổi được cái chí của lòng mình, uy quyền không khuất phục được chí khí của mình, thế mới gọi là đại trượng phu (Trần Trọng Kim. Nho giáo, quyển thượng, tr. 206-207).
2.2. Sống Đức Ái
Đức Giê-su đã thảo luận với một vị kinh sư về hai giới răn trọng yếu của Tin Mừng. Vị kinh sư đã nhận ra rằng: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mt 12, 33).
Theo quan niệm thông thường của người Việt, người có lòng Nhân chính là người có lòng bác ái. Quả vậy, đức Nhân đưa con người đi vào mối tương quan mật thiết với trời đất và với anh chị em đồng loại của mình.
Trong tương quan với Thượng giới, con người không những phải tùng phục, kính ái; mà hơn thế, con người còn phải hành xử theo Thiên đạo, sống theo những chân lý đạo đức cao siêu từ Trời. Đức Giê-su đã cho biết rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14,23). Để chứng minh lòng yêu mến đối với Thiên Chúa, con người sẵn sàng hiến thân sống theo Thiên Ý nhiệm mầu của Người với một thái độ tự nguyện và tự do. Khi yêu mến Thiên Chúa, con người sẵn sàng trao dâng chính bản thân và cuộc sống của mình vào bàn tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, để Người thực hiện kế hoạch kỳ diệu của Người trên chính cuộc đời chúng ta.
Đức Khổng Tử đã mạnh dạn khẳng định trọng tâm của lòng Nhân là: “Ai nhân” (yêu người) (Đức Khổng Tử trả lời về đức Nhân cho đệ tử Phàn Trì). Khi Trọng Cung hỏi đức Khổng Tử về đức Nhân, ngài trả lời rằng: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.” (Ra cửa phải như tiếp khách lớn; trị dân phải như làm lễ lớn, điều gì mình không muốn thì không nên làm cho người khác) (Đức Giê-su đã tiến xa hơn một bước trong quan niệm này : “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” [Mt 7,12]). Đức Nhân khiến cho tâm tư tình cảm của con người luôn trong sáng, nhiệt thành. Người có đức Nhân cả một đời vừa biết tận tuỵ vun đắp cho nhân cách của chính mình thêm cao thượng, đồng thời họ cũng tận tâm vun đắp cho cuộc sống của anh chị em mình thêm ấm cúng, hạnh phúc. Người có Nhân tâm luôn coi trọng phẩm giá của chính mình và tôn kính phẩm giá của tha nhân. Họ sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân để bảo vệ cho phẩm giá của mỗi người luôn thanh cao và trong sáng.
Thật vậy, chữ Nhân bao hàm cả chữ Ai (爱), vì có Nhân mới có Ai. Có Ai mới có lòng thương người, yêu vật, mong muốn cho vạn luốn sống một cuộc sống sung mãn trên trần hoàn này. Bởi có lòng Nhân cho nên người ta mới sống hợp quần với nhau như anh chị em một, xem tập thể như một người, cả vũ trụ như nhất thể. Đã như một người thì hễ có chỗ nào đau là cả người thấy khó chịu. Quan niệm này thật gần gũi với mối liên hệ giữa Đức Giê-su và Giáo hội của Người được mô tả qua những hình ảnh: Cây nho và các cành nho, các chi thể trong Thân Mình mầu nhiệm của Đức Giê-su.
3. Con người trưởng thành nhờ đức Nhân
Sống ở đời, con người luôn bị thôi thúc phải mài dũa tâm trí của mình để vươn tới đỉnh cao của sự hiểu biết và tiếp thu được những tri thức không ngừng tiến triển của cuộc sống. Tuy nhiên, người trí thức chỉ thực sự trưởng thành trong cuộc sống nhờ họ luôn bồi dưỡng đức Nhân của minh: “Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn, trí giả động, nhân giả tĩnh.” (Người trí thích nước, người nhân thích núi, người trí thích động, người nhân thích tĩnh) (Luận ngữ, Ung Dã, 6).
Đức Khổng Tử đã giảng giải cho Tử Cống những suy tư triết lý của ngài về nước. Hình ảnh của Nước biểu trưng cho người quân tử, biểu trưng cho đức lớn của người quân tử. Nước là Đức vì cho khắp cả mà không riêng tư. Nước là Nhân vì đi đến đâu thì làm nảy sinh sự sống ở đó. Nước là Nghĩa vì khi chảy xuống vùng thấp thì chảy thẳng và chảy quanh co theo lý. Nước là Dũng vì ở trên cao trăm trượng chảy xuống khe sâu mà không ngần ngại. Nước là Trí vì ở chỗ cạn thì lưu hành mà ở chỗ sâu thì không lường được. Nước là Sát (soi xét) vì yếu ớt, mờ nhỏ mà có thể thấm đến mọi nơi. Nước là Bao Khoả (bao dung) vì đón nhận mọi cái tốt xấu. Nước là Thiện Hoá vì gột rửa mọi cái nhơ bẩn nên tinh sạch. Nước là Chính vì đọng lại thì bằng phẳng. Nước là Độ vì đầy thì không phải gạt (Đại Đái. Sách Lễ Ký, thiên Khuyến học). Suy tư này tóm gọn một cách đầy đủ về người trưởng thành trong đức Nhân.
Đạo Nhân mang đặc tính yên lặng như núi, bao nhiêu đức tính tốt đẹp khác đều bởi đó mà sinh ra, khác nào mọi thứ cây cối đều mọc lên cả trên núi. Của cải trên núi là của chung của mọi người. Mây gió trên núi làm cho trời đất thông với nhau, âm dương hoà hợp, sự sống nảy sinh (Khổng Tử trả lời Tử Trương trong sách Thượng thư đại truyện). Trong cái thể yên lặng của đạo Nhân có sự sáng suốt, có sức mạnh mẽ, có sự phân định phải trái rõ rệt, mọi hoạt động của đạo Nhân đều thuận theo lòng Trời và hợp với ý người.
Lòng Nhân xuất phát tự nhiên, không miễn cưỡng, do đó, trong chữ Nhân lại bao hàm cả chữ An (安). Nhân và An quan hệ mật thiết với nhau. Người có đức Nhân là người luôn có mộ tâm hồn an bình thư thái, cho dù họ có phải bước đi giữa bao cảnh thế sự thăng trầm. Người có đức Nhân luôn thể nghiệm cuộc sống của họ trong trạng thái an nhiên tự tại, mọi công việc họ làm đều hợp với lẽ đạo của trời đất và làm vui thoả lòng người. Người có nhân, tự mình có trực giác sáng suốt, ở trong tâm thì an lặng, mà ứng ra bên ngoài thì việc gì cũng thích hợp với thiên lý và công thiện, cho nên tâm trí luôn an vui. Thật vậy, bậc nhân giả đầy những tình cảm chân thực, luôn luôn hiếu đế và trung. Trung (忠) là hết lòng thành khẩn, tận tâm tận tuỵ với đề thiện. Thứ (恕) là có lòng thương người như chính mình (Tận kỷ viết Trung, như kỷ viết Thứ) (Lý Minh Tuấn. Trung Dung thuyết minh, tr. 93, 2001).
4. Chữ Nhân trong đời sốg tu trì
Đức Nhân là cái gốc lớn của sự sinh hoá trong trời đất. Xã hội nhân loại nhờ đó mà đứng vững. Vạn vật nhờ đó mà sinh tồn. Quốc gia nhờ đó mà tồn tại. Lễ nghĩa của con người nhờ đó mà phát sinh. Đức Nhân là chuẩn mực đạo lý của con người. Chính vì vậy: “Quân tử vô trung thực chi gian vi nhân; tháo thứ tất ư thị; điên bái tất ư thị” (Người quân tử trong bữa ăn cũng không trái đạo Nhân; vội vàng cũng phải theo Nhân; hoạn nạn cũng phải theo Nhân) (Luân ngữ, Lý Nhân, 6). Nhân là cái đích tu dưỡng của Nho học.
Muốn trở nên một hiền nhân quân tử, con người thời xưa đã phải nỗ lực suốt cả một đời để canh tân cuộc sống của họ. Con đường chúng ta đi hôm nay cũng đầy chông gai hiểm trở, nhưng Thiên Chúa luôn ở phía trước và ở ngay bên cạnh chúng ta. Chính Thiên Chúa đã chọn gọi và dẫn đưa chúng ta tiến tới đời sống tu trì, theo mỗi linh đạo riêng, phù hợp với thiên hướng của mỗi người. Người tu sĩ là người sống trọn cuộc đời nhân gian của mình trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Do vậy, cuộc sống tu trì cũng thật gần gũi với đức Nhân của người quân tử thời xưa.
Sống theo lòng Nhân trong đời tu cũng chính là lời đáp trả chân thành nhất của mỗi người đối với lời mờ gọi cao cả và yêu thương của Thiên Chúa. Lòng Nhân tạo nghị lực cho chúng ta có thể đứng vững trước những sóng gió của đời tu khi chúng ta còn đang bước đi trên con đường dài trong cuộc lữ hành trần gian. Lòng Nhân luôn luôn thôi thúc chúng ta can đam xác tín như lời thánh Phao-lô: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người” (1Cr 9,22) để phục vụ ơn cứu độ của Thiên Chúa trong cuộc sống hôm nay.
0 Nhận xét