Câu chuyện tử hình ở Việt Nam
"Còn bây giờ, tôi lên án việc tử hình, vì tử hình là một hình thức "giết
người hợp pháp, lại được xã hội dung túng. Đó là sự dã man và đáng lên
án nhất của một hệ thống pháp luật và xã hội"."
Phạm Lê Vương Các
Việt Nam đã không thi hành án tử hình trong khoảng thời gian 2 năm (bắt đầu từ tháng 7/2011), cứ ngỡ là Việt Nam đang thiết lập một lệnh hoãn thi hành án tử hình đặt bước đầu cho việc hướng tới việc bãi bỏ án tử hình. Nhưng sự hy vọng của các nhà vận động bãi bỏ án tử hình kéo dài chưa được bao lâu thì Việt Nam đã thi hành án tử hình trở lại vào tháng 8/2013.
Ảnh DQ |
Tìm hiểu lý do VN ngưng thi hành án tử hình trong khoảng thời gian này thực ra không phải vì lý do nhân đạo hay vì một mục đích tốt lành gì cả, mà chỉ vì VN không có thuốc độc để tiêm cho "đúng quy trình".
Sau khi chuyển đổi tử hình bằng cách xử bắn nơi pháp trường sang hình thức tử hình bằng cách tiêm thuốc độc trong phòng kín, thì Châu Âu đã cấm xuất khẩu sang Việt Nam các hóa chất có thể dùng để bào chế thuốc độc tiêm tử tù .
Tưởng lệnh cấm vận này làm cho VN bó tay, vì với trình độ chỉ sản xuất ra nổi ốc vít cho hãng điện thoại Samsung như hiện nay, VN làm cho Châu Âu và cả thế giới ngỡ ngàng khi sau một thời gian ngắn mày mò, nghiên cứu đã tự mình bào chế ra thuốc độc để tiếp tục thi hành án tử hình cho "đúng quy trình".
Việc này đươc Quốc Hội Việt Nam ủng hộ (mà không trưng cầu ý kiến người dân) bằng cách sửa luật cho phép "xử dụng hóa chất nội địa" để tiếp tục hành quyết tử tù.
Khá bất ngờ trước sự "tiến bộ" nhanh chóng của VN, vài ngày sau khi VN thi hành tử hình trở lại, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam ra một Tuyên bố trong đó có nêu: "Một nhà nước thay vì bỏ thời gian và công sức để tìm ra phương tiện giết người, thì thay vào đó nên dành thời gian và công sức để bảo vệ cho con người".
Việc ủng hộ hay chống đối hình phạt tử hình vẫn còn là một chủ đề tranh cãi bất tận không có hồi kết tại Việt Nam. Ai cũng có lý lẽ cho riêng mình, vì vậy, đã đến lúc người Việt Nam cần có một chuẩn mực chung và xu hướng phát triển của nhân loại để đánh giá lại vấn đề này. Đó chính là các quy định của luật quốc tế về liên quan đến hình phạt tử hình.
Nghị định thư thứ 2 (không bắt buộc) của Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) được Đại Hội Đồng LHQ thông qua theo Nghị quyết 44/128, vào ngày 15/12/1989 đã khẳng định một niềm tin rằng "việc bãi bỏ hình phạt tử hình góp phần nâng cao nhân phẩm và thúc đẩy sự phát triển tiến bộ các quyền con người", và Nghi định thư này cũng nhắc lại Điều 6 của ICCPR khuyến nghị mạnh mẽ các quốc gia trên toàn thế giới cần bãi bỏ hình phạt tử hình.
Việt Nam đã tham gia ICCPR nhưng không tham gia Nghị định thư thứ 2 thì nó cũng không có tính ràng buộc pháp lý. Nhưng hãy lưu ý rằng, Nghị định thư này được thông qua với sự đồng thuận của Đại Hội Đồng LHQ - do đó nó thể hiện một sự cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên trong việc bãi bỏ hình phạt tử hình - mà Việt Nam cũng là một thành viên của LHQ, thì Việt Nam cũng cần có trách nhiệm nội luật hóa Nghị định thư này vào luật pháp quốc gia, thể hiện tính tôn trọng và cam kết của mình đối với Nghị định thư thứ 2 bằng cách ngưng thi hành án tử hình và tiến tới việc bãi bỏ hình phạt tử hình.
Nhân ngày thế giới xóa bỏ án tử hình 10/10, làm tôi nhớ đến kỷ niệm lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi đã đi xem cảnh xử bắn tử tù công khai ở quê tôi. Sau khi xem xử bắn xong, về đến nhà một người chú của tôi đã hỏi tôi rằng: "Nếu con là công an nhân lệnh bắn người đó, mà người bị xử bắn hồi sáng đó là người thân hay bạn bè của con, thì con có bắn không?"
Không chần chừ, tôi nhớ tôi đã trả lời rằng: "Không cần là người thân hay bạn bè, nếu con nhận lệnh bắn một ai đó, thì con sẽ từ chối và xin ra khỏi ngành công an".
Lúc đó tôi còn khá nhỏ, tôi chưa ý thức được về khái niệm quyền con người là gì, cũng như chưa thể lập luận bảo vệ cho việc chống lại hình phạt tử hình, mà tôi chỉ có thể giải thích với người chú của tôi bằng cảm nhận của mình là nó rất "dã man" sau khi xem xong.
Vì thế đừng bảo tôi là bị "tư tưởng Phương Tây" tiêm nhiễm nhé!
Còn bây giờ, tôi lên án việc tử hình, vì tử hình là một hình thức "giết người hợp pháp, lại được xã hội dung túng. Đó là sự dã man và đáng lên án nhất của một hệ thống pháp luật và xã hội".
0 Nhận xét