Chiêm ngắm huyền nhiệm tình thương nơi cuộc đời thánh Martinô (phần cuối)

01:53 |
Chiêm ngắm huyền nhiệm tình thương
nơi cuộc đời thánh Martinô
(phần cuối)
Nguyễn Trọng Viễn, OP.


2. 3 Tình yêu hướng tới cứu cánh : Chúa là tất cả
Vận hành tâm linh Kitô thật sự là một cách “lý giải” theo chiều hướng đảo ngược cách nghĩ bình thường của con người, một sự đảo ngược không phải do ngẫu hứng, nhưng là một sự đảo ngược nhằm làm rõ rệt hơn tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa. Ta có thể tìm thấy huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa theo một quy luật đảo ngược : “khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Hoặc ta có thể thấy quy luật đảo ngược đó nói chính Lời của đức Giêsu : “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. (Lc 7,47).
Trong khi đó, cách nghĩ thông thường của con người là muốn mau chóng tìm lại “dấu bằng”. Ngay cả với Chúa, người tín hữu cũng thường mong tìm một sự xứng đáng, một ý nghĩa công chính dựa vào công sức của mình, một tư cách hiện diện trước Chúa bằng nhân đức của mình. Thế nhưng, chiều hướng của vận hành tâm linh Kitô chính là một “dấu lớn hơn càng ngày càng lớn hơn”. Vận hành tâm linh giống như người học chân chính là càng học càng thấy mình dốt; giống như đứa con, càng sống tốt lại càng có cơ may hiểu công hơn cha mẹ nhiều hơn; giống như người cha, hoặc người mẹ, càng tỏ bày tình thương lớn lao của mình trong việc vất vả nuôi con, thì lại càng hiểu lòng cha mẹ đã thương mình nhiều hơn…
Kitô giáo đã đóng góp cho thế giới một phẩm chất riêng biệt của mối tương quan ngã vị. Mối tương quan này không thể được hoá giải trong những định luật công bằng của lý trí, nhằm tới một sự quân bình, an hoà trong sự cân bằng. Ngược lại, tương quan ngã vị bao hàm phẩm giá tuyệt đối của những ngôi vị, những ngôi vị có tính chủ thể, có lý trí và tự do. Mối tương quan ấy không bao giờ là một sự trao đổi sòng phẳng, nhưng luôn mặc ý nghĩa trao tặng và tri ân nhau. Như thế, ngay trong tương quan tình yêu đích thực của con người với nhau, như G. Marcel nói, đã có yếu tố khẩn cầu, khẩn cầu là nhịp thở của tình yêu.
Mối tương quan ngã vị của con người với Thiên Chúa thể hiện một sự trao tặng tuyệt đối. Thiên Chúa trao tặng chính bản thân Ngài, và con người chỉ có thể đón nhận món quà ấy trong lòng tri ân tuyệt đối. Không có chuyện đổi chác, không có chuyện cân xứng, không có chuyện tự hào về mình như những người Biệt Phái (Xc. Lc 18,9-14). Chỉ có một hành động chân chính nhất, đó là thái độ đấm ngực kêu lên : 'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con, vì là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13); chỉ có một lời cầu nguyện căn bản nhất xứng với món quà bản thân của Thiên Chúa, đó là lời : “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi !" (Mt 9,27). Từ sự trao tặng ấy, con người được mời gọi vươn tới cuộc sống sung mãn tuyệt đối trong mức độ hoàn hảo cao vời của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu trao tặng cho con người Nước Trời, trong đó, hạt nhân căn bản chính là sự hiện diện bản thân của Ngài. Quả thật, từ ý nghĩa ấy, ta hiểu được Nước Trời luôn “đòi hỏi” triệt để và luôn có phẩm chất phong phú, dư dật.
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.(Mt5,48)
Và :
“Nếu đức công chính của các ngươi không dư dật hơn ký lục và Biệt phái, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời”(Mt 5,20, bản dịch cha Thuấn)
Có thể nói rằng, nếu dáng dấp của tất cả những tôn giáo và triết học khác đều hướng tới một tình trạng quân bình như “mặt nước hồ thu”, thì thế đứng căn bản của Kitô giáo lại chính là “một ngọn thác”. Nơi đây, con người không bao giờ có thể tách ra khỏi nguồn nước từ bên trên của Thiên Chúa, nguồn nước ấy đổ xuống ào ạt khi ai đó dám “dựng đứng” bản thân mình, dám dốc cạn bản thân mình để đón nhận trọn vẹn sự sống của nguồn thác, và để cho nguồn nước ấy tuôn tràn đến anh chị em của mình.
Thiên Chúa trao ban tất cả và Ngài muốn là tất cả. Ngay từ đầu của đạo giao ước, Thiên Chúa đã tỏ mình ra như một Đấng muốn trở nên tất cả. Ngài không muốn chia phần sản nghiệp của Ngài với bất cứ một thần thánh nào khác, Ngài là Chúa của Dân, Ngài lập giao ước và Ngài ghi dấu sở hữu ngay trên thân xác của từng người dân (cắt bì), Ngài truyền lệnh không được thờ một thứ thần nào khác, bởi vì Ngài là “thần ghen tương” :
“Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.(Xh 20,5)
Tội thờ các thần khác được xem như tội ngoại tình, nên phải triệt để phá bỏ mọi tượng thần và giữ một lòng trung tín tinh tuyền với Ngài :
Ngươi không được phủ phục trước các thần của chúng, cũng đừng phụng thờ các thần ấy ; ngươi không được làm theo các việc chúng làm, nhưng phải phá huỷ thần của chúng và đập vỡ các trụ đá của chúng. (Xh 23,24)
Và chúng ta thấy rõ lệnh truyền về thái độ phải có của Dân đối với của Chúa trong sách Đệ Nhị Luật, Chúa muốn là tất cả chứ không muốn chia phần :
“Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). 6 Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. 7 Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Dnt 6,4-7)
Như thế, chúng ta hiểu những đòi hỏi của Đức Giêsu về thái độ của người môn đệ đích thực :
"Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. (Mt 10,37)
Có lẽ sự làng nhàng của đời sống tâm linh chính do con người đã không chấp nhận Chúa là tất cả, không muốn thuộc về Chúa trọn vẹn.
Thánh Martinô, từ thân phận một con người hèn mọn, luôn ý thức mình là một người hèn mọn, thấy mình đáng được bán đi làm nô lệ để nhà dòng có tiền trả nợ, thấy mình không xứng đáng là một tu sĩ trợ sĩ trong Dòng… chính nhờ sự chân nhận ấy mà thánh Martinô đã nối kết được đời mình vào dòng thác yêu thương ào ạt của Thiên Chúa.
Mở ra vài vấn đề
Nhờ gặp gỡ chính Chúa, con đường bác ái của Martino trở thành con đường chân lý. Lối sống của Martino làm sáng lên ý nghĩa chân lý căn bản của nhân phẩm, phẩm giá của kẻ được sống với và cùng làm với Chúa. Lòng bác ái của thánh Martinô làm sáng lên ý nghĩa chân lý của tình thương, tình thương con người chỉ có thể trọn vẹn trong lòng nhân từ của Thiên Chúa. Sự chấp nhận vị thế hèn mọn của Martinô làm rõ ra thái độ chân lý của con người trước Thiên Chúa, thái độ chân nhận Chúa là tất cả. Đóng góp đó có lẽ khó so sánh được với đóng góp của thánh Thomas hay Catarina Sienna, khó so sánh không phải vì lớn hơn hay nhỏ hơn, nhưng vì Martinô cũng là một “tác phẩm nghệ thuật” độc đáo của Thiên Chúa như các thánh khác. Nghệ thuật thì không có sự so sánh cao thấp như kỹ thuật, nghệ thuật mời gọi chiêm ngắm, và “tác phẩm Martinô” thực sự có khả năng làm ngây ngất lòng người.
Và điều quan trọng nữa là tình thương nơi thánh Martinô thực sự là một sức mạnh phong phú, phong phú trong chính cuộc đời của Martinô và trong Giáo Hội, ít là trong Giáo Hội Việt Nam hôm nay. Lý do là vì tình thương và chân lý của Chúa thì không chỉ để chiêm ngắm, mà còn là để sống, để dấn thân để đấu tranh. Trong linh đạo Đa Minh, chiêm ngắm còn luôn phát sinh hoa trái phong phú trong việc trao tặng cho người khác điều mình đã chiêm ngắm.
Quả thật, nơi thế gian này, con người cần có một sự “thách thức”, một sự “chất vấn” hoặc một sự “đe doạ”, thì mới có thể tìm được sức mạnh trọn vẹn của mình. Cuộc sống trần gian luôn là một cuộc chiến, ai buông khí giới đó là kẻ đầu hàng và sẽ bị lôi kéo đến chỗ đánh mất bản chất của mình. Ngược lại, ai nhận ra được “đối thủ” chân chính thì tìm được sức mạnh để vươn lên mãi. Chân lý thì phải đi vào cuộc chiến và ngay tình yêu cũng cần đi vào cuộc chiến. Dân Hy Lạp thích tranh luận, và họ thường tự tạo ra đối thủ, tạo ra những tư tưởng đối nghịch để gia tăng sức mạnh cho lý chứng của mình[1]. Cũng thế, nhiều khi, do mưu tính chính trị, người ta phải tạo nên kẻ thù để có thể kích thích sự đoàn kết của dân tộc. Khi mà các môn đệ tưởng rằng đã đạt đến đích và có thể nghỉ ngơi, thì Đức Giêsu lại mở ra một chiến cuộc khác cho các ông :
“ Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến." Đức Giê-su đáp : "Bây giờ anh em tin à ? Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian." (Ga 16, 30-33)
Tuy nhiên, khi người ta tạo ra một đối thủ giả hoặc không xứng tầm, thì sức mạnh hình thành nên được cũng là sức mạnh giả, chỉ có tính cách nhất thời. “Chân lý” được hình thành trong một cuộc đấu tranh giả, sẽ chỉ là những chân lý vụn vặt nhất thời, bộc lộ thói mê chữ nghĩa. Thứ tình yêu được trở nên mạnh mẽ hơn trong một cuộc chiến giả tạo, sẽ chỉ là tình cảm bồng bột chóng qua. Vì thế, trong hành trình trần gian này, việc nhận ra đối thủ cho đúng là một điều hệ trọng.
Trong cuộc sống trần gian, khi người ta lựa chọn một nghề nghiệp hoặc lựa chọn một ơn gọi, lựa chọn một lối sống hoặc lựa chọn một môi trường làm việc, thì đó đã là lựa chọn một đối thủ cho cho cuộc chiến trần gian của mình; trong số đó, có không ít những lựa chọn không đúng đối thủ, hoặc đối thủ không xứng tầm với vận mạng con người. Trong ý nghĩa toàn diện của Kitô giáo, ý nghĩa của ơn gọi sống-với, ta có thể nói được rằng : khi ta “đánh cái gì” (dĩ nhiên hiểu là cái xấu) thì sẽ có cơ may xuất hiện ý nghĩa “đánh vì ai”; ngược lại, khi ta “đánh ai”, thì sẽ có nguy cơ lộ diện ý nghĩa “đánh vì cái gì”. Một đàng là “dấn thân vì ai đó”, một đàng là “dấn thân vì sự vật nào đó”. Thiết nghĩ sơ đồ nói trên đó cũng là một cách để hiểu sự duy nhất trong mầu nhiệm Nước Trời, duy nhất trong ý nghĩa cứu độ. Khi mà con đường tri thức không còn là chiến đấu chống lại sự xấu, con đường đó sẽ có nguy cơ nhạt nhẽo; khi con đường tri thức lại trở thành mặt trận chống “ai đó”, thì sẽ dần dần rớt vào nguy cơ bảo vệ một thứ chân lý vô ngã, chân lý hoàn toàn lý thuyết và trở thành quá khích. Cũng thế, khi con đường đức ái mà chỉ là quí trọng một “sự vật” nào đó bên ngoài bản thân, chăm chăm chú chú làm một điều gì đó chứ không phải làm vì ai đó, thì con đường đó sẽ dần dần loại ra ngoài những ai đang chờ đợi tình thương chân chính.
Nơi đây, ta có thể nối lại cả con đường của thánh Thomas và con đường của thánh Martinô với nguồn mạch hứng khởi nguyên thuỷ của thánh Đa Minh, nguồn mạch khao khát ơn cứu độ cho con người. Xin ghi lại vài khoản Hiến Pháp căn bản để nhắc nhủ nhau :
* “Vì Dòng Anh Em Giảng Thuyết do thánh Đa Minh sáng lập, “như ai cũng biết, ngay từ thời sơ khai, đã được thành lập đặc biệt để lo việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn”. Do đó, theo lệnh truyền của Đấng sáng lập, anh em chúng ta, “ở đâu cũng phải sống chính trực và đạo đức như những người khao khát ơn cứu độ của mình và của những người khác, như những con người của Tin Mừng, theo chân Đấng Cứu độ, chỉ nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa, với mình hoặc cho tha nhân” (HPNT II)
* “Chính vì thế, “việc học hành của chúng ta phải nhằm hết sức chính yếu và mạnh mẽ vào điểm này là để chúng ta trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân” (HP 77)
Chỉ khi trở lại nguồn mạch thiết tha với con người cho đến cùng, thiết tha ơn cứu độ cho tha nhân, chúng ta có thể vượt qua thái độ chiêm ngắm thuần tuý, để tìm lại sức sống Đa Minh trong tinh thần “chiêm niệm vào trao cho người khác điều mình chiêm niệm”.
Gợi ý chia sẻ :
1. Trong đời sống Đa Minh hiện nay, ta có còn thấy ngọn lửa “thiết tha với ơn cứu độ các linh hồn không ?
2. Trong Thời Sự Thần Học số 56, Linh mục Phan Tấn Thành viết: “Dưới khẩu hiệu Veritas, các tu sĩ dòng Đa Minh – những chiến sĩ bảo vệ đức tin (pugiles fidei)-, lắm lần trở thành những “chó săn lùng bắt quân rối đạo” (Domini canes), điển hình là các Toà Tra (Inquisitio), và không còn phản chiếu khuôn mặt dịu hiền của Thiên Chúa Tình Yêu nữa.(…). Nếu có lúc người ta nhiệt thành chiến đấu cho veritas đến nỗi bỏ quên caritas, thì cũng không thiếu lần người ta nhân danh caritas để bịt miệng veritas”. Những mâu thuẫn và những lệch lạc như thế có tiềm tàng trong cách học hành, cũng như trong cách làm việc tông đồ của chúng ta không ?
3. Phẩm chất đời sống tâm linh của chúng ta hiện nay có dính dáng đến nguy cơ xa rời bản thân Chúa để chỉ còn biết học chân lý và làm bác ái một cách đơn thuần không ?
- HẾT -

[1] Chẳng hạn như những đối thoại của Platon.
Xem thêm…

Chiêm ngắm huyền nhiệm tình thương nơi cuộc đời thánh Martinô (tiếp theo)

01:50 |
Chiêm ngắm huyền nhiệm tình thương
nơi cuộc đời thánh Martinô

(tiếp theo)



Nguyễn Trọng Viễn, OP.

2. Huyền nhiệm Tình thương nơi thánh Martino

2.1. Tình yêu xuất hiện trong “cái với”

2.1.1 “Cái có”

G. Marcel định nghĩa “cái có” là cái ở bên ngoài mình và không trực tiếp gắn liền với sự thăng tiến hay suy giảm phẩm chất của cuộc đời. Có điểm cao, có lời khen, có địa vị, có tiền bạc… những điều ấy không trực tiếp làm cho đời mình giỏi hơn, tốt hơn, hoàn hảo hơn. Con người cần “cái có”, và khoa học giải quyết nhu cầu này. Thế giới ngày nay là thế giới của khoa học. Khoa học mang lại nhiều “cái có” giúp cho cuộc sống được dễ dàng hơn: có nhà, có xe, có tiền, có máy móc… Khoa học giúp cho cuộc sống được thanh thản hơn nhiều. Rồi “cái có” ra như có khả năng giải quyết nhiều vấn đề thật mau chóng và cũng mau chóng trở nên ưu tiên số một đối với nhiều người trong xã hội ngày nay. Thật ra, ngày nay, người ta biến cái “huyền nhiệm” nằm sâu trong cuộc đời con người thành những “vấn đề” bên ngoài, ở đằng trước hành trình cuộc đời mình. Vấn đề thì có thể được giaỉ quyết do một ai khác, bằng một “cái có” nào đó… Đó là nẻo đường khiến người ta rơi vào ảo tưởng : có tiền mua tiên cũng được. Quả thật, thế giới “cái có” đang dần dần xâm chiếm hết tâm và trí của con người ngày nay, đến độ, một thứ dầu gội đầu, hoặc một đôi dép cũng được quảng cáo như có thể làm cho người ta “tự tin” hơn hoặc đóng góp vào sự thành công của đời mình. Cách giải quyết “vấn đề” như thế không đụng vào được “huyền nhiệm” đời người. Đó chỉ là một cách chạy trốn vấn đề thật, vấn sâu xa mang tính huyền nhiệm của mỗi cuộc đời con người. Cách thức ấy đưa đến tình trạng gọi là “xã hội mất căn tính”. Chẳng hạn : quy trình sống của người thợ mộc là : làm ra cái bàn, đem bán lấy tiền, mua những đồ dùng khác… Trước đây, mối liên hệ ưu tiên là người thợ mộc thể hiện mình trong việc làm ra cái bàn; cái bàn phải được đóng đúng quy cách, phải tốt vì điều đó biểu lộ chính giá trị bản thân của người thợ. Ngày nay, người thợ mộc, bị cuốn hút vào mục tiêu làm sao có tiền để mua các đồ dùng khác; vì người ta không cần biết anh ta có là thợ mộc chân chính hay không, người ta chỉ cần nhìn xem anh có nhiều đồ dùng đáng giá hay không. Khi đó, người thợ cũng treo giá trị bản thân của mình vào những đồ dùng mua sắm, và đánh mất lương tâm nghề nghiệp, đánh mất “cái là” chân chính như một người thợ. Người ta đặt hết nền tảng đời mình vào “cái có”; và “cái có” thì có thể dễ dàng bị chiếm, bị mất. Khi mất “cái có”, cuộc đời đó sẽ trở nên trống rỗng, người ta nhận ra sự trống rỗng của “cái là”, …và người ta dễ đi đến lựa chọn tự tử…

Gabriel Marcel nói : người nào quá thiên về phạm trù có, sẽ giảm thiểu hoặc đánh mất “cái là”.

2.1.2 Cái là

Triết học thì nhắc nhở người ta về ý nghĩa chân chính của cuộc đời; nhắc nhở về phẩm tính của “cái là”, phẩm tính của hiện hữu người. “Cái là” giúp ta tìm được một căn bản tự tại trong chính bản thân mình, để mình có thể vững vàng trước những biến động hời hợt của “cái có”. Những lời khen chê, những thành công hay thất bại không có tầm quan trọng quyết định cho cuộc đời mình nữa, nhưng chính phẩm chất thực sự của mình mới là điều quan trọng. Ai biết nhận ra “cái là” của mình, người ấy sẽ tìm được nẻo đường thăng tiến thực sự trong hiện hữu của mình. Hai đứa học sinh, cùng dốt như nhau, cùng copy bài như nhau, cùng được điểm 10 như nhau. Một đứa thì khoái chí; đó là đứa chỉ biết “cái có”. Đứa khác thì mắc cở vì điểm 10; đây là đứa biết nhận ra sự quan trọng của “cái là”.

Để đi từ thế giới “cái có” sang thế giới “cái là”, người ta cần lột bỏ một thứ mặt nạ giả hình ở cấp độ một.

2.1.3 “Cái với”

Thế nhưng, có nhiều điều, ở bình diện xã hội, vốn là “cái là”, thì trong bình diện tình yêu, cũng như trong bình diện đức Tin, lại chỉ là “cái có”. Tôi không chỉ có điểm cao, nhưng tôi thực sự là một học sinh giỏi. “Trình độ” của tôi không phải là cái có bên ngoài, mà là cái nằm bên trong tôi. Tôi tài thực sự chứ không phải là nhờ danh tiếng, tôi đạo đức thực sự chứ không phải là do chức tước, tôi tốt lành thực sự chứ không phải chỉ do khen ngợi…, đó là những “cái là” của tôi. Tuy nhiên, so với bình diện bản thân, tất cả những điều ấy lại vẫn là “cái có”, và vẫn có thể bị mất đi, trong khi bản thân của tôi vẫn còn đấy. Có những điều ra như ở trong tôi, nhưng thật sự vẫn khác với bản thân, vì đến một lúc nào đó, chúng vẫn có thể tách rời khỏi tôi. Có lúc bản thân tôi vẫn còn đó, nhưng trình độ của tôi đã suy giảm hoặc mất đi; đến lúc nào đó tron g cuộc đời, cả tài năng, sức khoẻ, sắc đẹp và ngay cả đức độ cũng có thể “chấp cánh bay xa” khỏi bản thân tôi. Trong tình yêu, nếu tôi tin vào của cải, tin vào danh tiếng để đổi lấy tình yêu, tôi “sẽ bị người đời khinh dể”, như sách Diễm Ca đã nói (Xc. Dc 8,7). Nhưng nếu tôi tin vào tài năng, tin vào đức độ… để mong có được tình yêu của ai khác, thì tôi vẫn không thực sự biết yêu. Chìa khoá thực sự của tình yêu là sự thuộc về nhau, thuộc về nhau bằng chính bản thân của mình. Cái gì khác với bản thân thì vẫn chỉ là “sự vật”; tình yêu chân chính không phải là đổi chác nhưng “sự vật” xung quanh bản thân. Yêu thương là chấp nhận chính bản thân của ai khác, và nhận ra bản thân của hai bên “thuộc về nhau”[1]. Nếu tôi đi vào tình yêu, đi vào đức Tin với những tài năng, đạo đức thật của tôi, thì đó vẫn là cách hiện diện với người khác như là kẻ không thuộc về nhau.

Ở đây, ta thấy xuất hiện chiều kích đặc biệt của Kitô giáo : “cái với”. Kitô giáo không phải là đạo luân lý, nghĩa là một bài toán dựa vào sự dò xét, cân đong đo đến đức độ để thưởng công hay ra hình phạt. Phẩm chất Kitô đặt nền trong một giao ước mang tính bản thân. Khi lãnh bí tích Rửa Tôi, tôi mang chính bản thân tôi ra để đóng vào giao ước, tôi chết đi cho con người cũ để sống một con người mới hoàn toàn thuộc về Chúa. Về phía Chúa, Chúa cho chính Con Một của Ngài chịu chết cho tôi. Giao ước bản thân đó làm nên một cộng đồng ngôi vị, giống như và trổi vượt hơn gia đình.

Trong vận hành từ “cái là” của bình diện xã hội đến “cái với” trong tình yêu và trong đức Tin[2], lại cần sự lột bỏ mặt nạ một lớp nữa, lột bỏ cả “cái là” giả tạo để nhận ra con người của mình, bản thân trần trụi của mình, và nhận ra phẩm giá thực sự của mình trước tình yêu, và trước mặt Chúa. Yêu nhau là tặng không sự chân nhận bản thân của ai khác chứ không phải là trao đổi những thứ “sự vật”. Chỉ trong tình yêu như thế, hai người mới “thuộc về nhau” thực sự. Cũng thế, phẩm giá thực sự của con người là thụ tạo của Chúa, được Chúa tặng không phẩm giá là “con cái”, được “đồng thừa tự” với Chúa Giêsu… Đây mới là điều đáng quí trọng nhất của niềm Tin Kitô giáo. Trong ý nghĩa “thuộc về nhau” tự nền tảng bản thân, “cái với” được tỏ lộ ra.

Như thế, ta có thể thấy huyền nhiệm tình yêu lộ rõ hơn hết trong con người và cuộc đời của thánh Martinô, một người không bám vào một chút “cái có” nào, và cũng không bám vào một chút “cái là” nào trên bình diện xã hội con người. Bản thân thánh Martinô là mẫu điển hình của mầu nhiệm Nước Trời : người đầu hết sẽ nên cuối hết, và người cuối hết sẽ nên đầu hết (Xc. Mt 19,30, //). Tôn phong Martinô lên hàng hiển thánh, đó không phải là xướng lên một tước hiệu để vinh vang, những là loan báo mầu nhiệm Nước Trời, là khẳng định ý nghĩa phẩm giá chân thật nhất của con người. Bởi vì con người có vận mạng siêu nhiên, và mầu nhiệm con người chỉ sáng lên trong mầu nhiệm đức Giêsu Kitô. (x. Vatican II, hiến chế Mục Vụ số 22).

2.2 Tình yêu trong chiều hướng lòng nhân từ

Có lẽ điều hiểu lầm lớn lao của con người hiện đại là đánh mất ý nghĩa của dâng tặng, và ý nghĩa của tâm tình lãnh nhận với lòng tri ân, mắc nợ nhau trong tình nghĩa. Cuộc sống hiện đại được chuẩn hoá trên nền tảng của bài toán trao đổi. Tất cả những thành quả to lớn, hoành tráng của xã hội hiện đại, từ những nghiên cứu khoa học, từ những công trình kỹ thuật, từ những thành tựu văn hoá… cho đến những tương giao đời thường… đều được vận hành theo bài toán thu-chi, lời-lỗ… và quy luật cân bằng ấy xen dần vào cả lãnh vực tương quan nhân thân của con người với nhau. Tôi thương anh vì anh tốt bụng, tôi trọng anh vì anh có tài năng, tôi kính anh vì anh có đức độ, tôi xum xue với anh vì anh có địa vị… Khi anh không còn tốt bụng, không còn tài năng, không còn đức độ, không còn địa vị, thì những tâm tình kia cũng đương nhiên không còn xứng hợp nữa. Bài toán cân bằng ấy thật là hợp lý nhưng cũng thật bất nhân; bởi vì con người vốn “nhân vô thập toàn”, bởi vì con người luôn là sinh vật có bệnh, bệnh thể xác và bệnh tinh thần, chính con người thật đó cần được đón nhận, cần được thương yêu, một tình thương đón nhận “từ dưới chân” chứ không phải so đo mức độ cao thấp “ở trên đầu”. Khi “cái là” cũng được lột bỏ để thay vào bằng “cái với”, thì tình yêu thương chân thật mới được bắt đầu, bắt đầu với phẩm chất “tặng không”. Có thể nói được rằng, trong vận hành của đời sống tâm linh, người nào quá để ý đến “cái là” sẽ làm suy giảm hoặc đánh mất “cái với”.

Trong đức Tin Kitô giáo, nền tảng của mọi tương quan con người với nhau được đặt trên một nền tảng khác, nền tảng tình yêu thương của Thiên Chúa. Ở đây, có một sự biến đổi trọng tâm hết sức bản, con người được yêu không phải là do bài toán trao đổi nữa, do sự “bài toán” trao tặng và nguồn mạch dư dật, phong phú vô tận của bài toán này là chính Thiên Chúa. Từ nguồn cội ấy, phẩm chất của mọi thứ tình yêu giữa con người với nhau đều ngầm biểu lộ ý nghĩa của lòng nhân từ. Chúng ta hiểu rằng điều căn cốt của vận hành yêu thương trong Kitô giáo là : mối tương quan con người với nhau phải được đặt trong thế tay ba. Có Thiên Chúa ở đó; và tình yêu con người với nhau chỉ có thể vững bền, quảng đại khi được nối kết vào nguồn mạch tình thương nhân hậu của Thiên Chúa. Như thế, khi “tôi yêu anh” hay “anh yêu tôi”, thì trong niềm tin Kitô giáo, cả hai đều bắt nguồn từ ý nghĩa căn nguyên : tôi và anh đều “đáng thương” trước mặt Chúa. Do đó, phẩm chất căn bản của tình nghĩa “tôi thương anh” hay “anh thương tôi” thì cũng đều phải thể hiện ra trong dáng dấp lòng nhân hậu, lòng từ bi thương xót của Chúa. Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Thiên Chúa Giầu Lòng Từ Bi Thương Xót, nói rằng : có một danh hiệu thứ hai của Tình yêu, đó là lòng nhân hậu :

“Vì lòng nhân từ là chiều kích không thể thiếu của tình yêu; nó như là danh hiệu thứ hai của tình yêu”[3].

Người ta có thể kể ra nhiều nhân đức của thánh Martinô, nhưng không thể cho rằng Chúa đã thương Martinô nhiều vì ngài nhân đức nhiều. Trước tiên, vì tình yêu của Chúa không phải một sự trao đổi như vậy. Mặt khác, chính những nhân đức của Martinô cũng do chính Chúa ban tặng. Nói đúng hơn, ta thấy chính vì Martinô đã khám phá ra “cái với” ở tận bản thân trần trụi của mình, đã chấp nhận thuộc trọn về Chúa mà Martinô đã đón nhận được nhiều hơn tình thương của Chúa. Nhân đức của Martinô thật sự cũng không là gì khác hơn hoa trái của lòng nhân từ của Chúa, nhằm để làm chứng cho lòng nhân ái của Chúa đối với những người cùng khổ mà Martinô được sai đến và cho Giáo Hội ngày hôm nay. Quả thật, “tấm lòng vàng” của Thánh Martinô biểu lộ rõ nét phẩm chất của lòng nhân hậu, trước tiên là lòng nhân hậu của Chúa dành cho những người bé mọn, qua chính con người bé mọn Martinô.






[1] Không nên hiểu lầm sự “thuộc về” như là một sự “lệ thuộc”. Tình yêu luôn luôn phải là một sự tự do, tự quyết chứ không thể ép buộc, chính tự khả năng tự quyết, con người mới có thể đi vào mối tương quan thuộc về nhau càng ngày càng sâu xa hơn. Ngược lại, thiếu sự tự quyết, thì người ta chỉ có thể lệ thuộc, và lệ thuộc luôn luôn là lệ thuộc về những gì bên ngoài bản thân, lệ thuộc tiền bạc, lệ thuộc sự bảo bọc, lệ thuộc tiếng tăm của ai khác… Ngược lại, bản thân là một giá trị tuyệt đối mà không một sự mua bán, trao đổi nào có thể cân xứng; bản thân chỉ có thể được dâng tặng, và mời gọi sự đón nhận với lòng tri ân. Chiều kích bản thân của một người thiếu tự do, thiếu tự quyết, sống lệ thuộc, luôn ở ngoài vùng phủ sóng của cái “sống với”

[2] Trong tư tưởng của G. Marcel, con người chỉ là mình khi dấn thân, và chỉ có một sự dấn thân chân chính là dấn thân vì tha nhân…


[3] T/đ Thiên Chúa giầu lòng từ bi thương xót, số 58. Một Danh Hiệu Khác Của Tình Yêu.
Xem thêm…

Copyright ©THT - Được biên soạn và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau - Ghi rõ nguồn:quatangsusong.blogspot.com/ - Khi phát hành thông tin trên trang này
Gx Đaminh | Namkna | Trung Tâm Học Vấn Đaminh | Kho tài liệu hay |