PHÁ SẢN!

08:52 |
Mạnh Kim

- “Lấy dân làm gốc”

Cuộc biểu tình ngày 8-5-2016 bị trấn áp với kế hoạch bài bản và chuyên nghiệp. Khó có thể biết chính xác bao nhiêu an ninh thường phục trà trộn nhưng chắc chắn con số không ít. Những đợt hô to “Phản đối bắt người, phản đối bắt người!” vang lên liên tục. Những cánh tay tuyệt vọng vươn ra ghì lại, cố cứu những người, trong tay chỉ cầm mảnh giấy “Dân muốn cá sống” đang bị vây đánh tàn bạo và bị lôi đi, cuối cùng đều trở thành cử chỉ vô vọng với ánh mắt thất thần. Người dân không có bất kỳ hành vi bạo động nào đáp trả lực lượng an ninh (có nhân viên an ninh nào quay được cảnh dân vây vào đánh hội đồng lực lượng chống biểu tình không?).

Vây kín và chặn tất cả ngả đường để ngăn nhóm biểu tình tuần hành, cài cắm an ninh thường phục để ra tay nếu ai có dấu hiệu kích động, là một biện pháp vừa đủ. Thế nhưng tại sao phải xả xuống những nắm đấm hằn học và cú đá hung bạo? Tham gia hai cuộc tuần hành ngày 1 và 8-5-2016, tôi chứng kiến và luôn nghe những người biểu tình dặn nhau, “Không được bạo động, các bạn. Chúng ta biểu tình với tinh thần ôn hòa. Xuống đường vì môi trường chứ không phải phản đối chế độ…”. Những người biểu tình ý thức rõ, bất kỳ câu nói hay hành động nào vượt khỏi khuôn khổ ý nghĩa cuộc biểu tình, cũng có thể được lấy làm cớ để an ninh bắt hoặc đánh họ.

Trấn áp một cuộc xuống đường ôn hòa với sự tham gia của nhiều trí thức, mà không ít trong đó là trí thức tinh hoa như tôi đã gặp, chỉ cho thấy một sự phá sản tuyệt đối của chủ thuyết “lấy dân làm gốc” luôn được đề cao như một “giá trị ưu việt” của chế độ. Một chính quyền từng giành quyền lực bằng công cụ biểu tình, bằng cách “sống trong lòng dân”, “đi lên từ dân” và “trưởng thành từ sức mạnh nhân dân” trong suốt chiều dài lịch sử của nó, phải hiểu rằng, gieo oán giận trong lòng dân bằng nắm đấm bạo lực là một sai lầm căn bản về chính trị. Không chính quyền nào có thể trở nên mạnh hơn và an toàn hơn khi đối đầu với dân, với đám đông người dân, bằng giải pháp bạo lực và bạo lực tột độ. Lịch sử cho thấy, bạo lực, cuối cùng, sẽ luôn quỳ gối sám hối trước người dân. Cần phải hiểu rằng vận mạng một quốc gia và số phận một chính quyền luôn được đặt chung trên cùng một con tàu lịch sử với người dân của họ.

- Hệ thống tuyên truyền

Không bất kỳ tờ báo nào tường thuật sự kiện tuần hành yêu cầu minh bạch thông tin về cuộc khủng hoảng biển chết. Điều đó có thể hiểu. Trong một hệ thống báo chí mà phóng viên bị cấm “like” hoặc “share” bài viết “trái quan điểm nhà nước” thì sự im lặng quán tính này có thể hiểu được. Tuy nhiên, cũng trong hệ thống báo chí đó, nơi người ta thường thấy những từ như “nhân bản”, “chống bất công”, “nói được tiếng nói của người dân”…, lại lặng im như chết trước sự kiện bạo hành người biểu tình gây chấn động ngày 8-5-2016. Toàn bộ dư luận về sự kiện này đã “được” hệ thống báo chí tuyên giáo “trao” hoàn toàn cho cộng đồng mạng.

Sự im lặng bất lực đó đồng nghĩa với một sự phá sản toàn diện của hệ thống báo chí tuyên truyền nổi tiếng với kỹ thuật dẫn dắt và định hướng dư luận. Báo chí Nga, quốc gia mà nhiều tờ báo Việt Nam rất thường dịch đăng các bản tin “sự thật” khác với “sự thật bị bóp méo bởi báo chí phương Tây”, là nơi có rất nhiều tổng biên tập và nhà báo thuộc hệ thống báo chí nhà nước từng bị dọa giết (và thậm chí bị giết chết). Nhưng lương tâm của họ cuối cùng đã chiến thắng sợ hãi. Họ đã không biến mình thành những người hèn hạ làm công cụ để giúp những kẻ giấu tay xóa bỏ công lý và bôi nhọ chính trực.

- Lương tri

Cùng với sự phá sản của hệ thống tuyên truyền chính thống còn là sự phá sản của bộ máy tuyên truyền bán chính thống thông qua những người được gọi là “dư luận viên”. Ai còn có thể tin được rằng những người xuống đường đã được “thế lực thù địch” kích động và được “trả tiền”? Ở một góc nhìn khác, cũng thấy rằng, từ sự kiện 8-5, lương tri xã hội không chỉ đã bị bẻ gãy. Nó đã đi đến giai đoạn phá sản. Một số “tinh hoa trí thức” giờ đây tiếp tục giẫm đạp một nạn nhân mà trước đó cô ta đã bị bạo hành thân thể mà không vì lý do gì. Sự gieo cấy của ngôn ngữ thô bạo dĩ nhiên đê tiện và ác độc hơn sự thô bạo của hành vi bạo lực. Một xã hội mà giới trí thức bắt đầu cùng tru lên tiếng tru tập thể để hả hê trước một sự việc đáng lên án chỉ trích hơn là ủng hộ thì xã hội đó đã tiến tiệm cận đến điểm cuối cùng của một sự giãy chết lương tri.

…..
Mẹ và con cùng đi biểu tình (tôi chụp trước trường Hòa Bình ngày 8-5-2016)

Bà (cựu Phó Chủ tịch nước) Nguyễn Thị Bình và trẻ em trong một cuộc biểu tình (phản đối ôn hòa chống chiến tranh Việt Nam)


Xem thêm…

FORREST GUMP

00:48 |
Lê Luân

Gần đây có khá nhiều người hành nghề, nghiên cứu, giảng dạy và học luật đã nói rằng: biểu tình ở Việt Nam là bất hợp pháp.

Tôi nghe mà phát hoảng với những tầm thức của họ về nhận thức pháp lý.

Những giảng viên hay sinh viên luật nào nói vì ở Việt Nam chưa có Luật biểu tình nên biểu tình là bất hợp pháp thì đó là tư duy ngu xuẩn nhất của một người học, nghiên cứu hay làm luật,
Bởi lẽ:
1. Quyền biểu tình là quyền con người, được Hiến định tại Điều 25 Hiến pháp 2013 - văn bản pháp lý cao nhất của một quốc gia;
2. Công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, và quan hệ xã hội luôn đi trước pháp luật, nên khi nó phát sinh thì luật pháp phải điều chỉnh kịp thời, vì nó tồn tại trước và là hành vi tất yếu;
3. Đã không có luật thì lấy căn cứ pháp lý nào để nói hành vi biểu tình là bất hợp pháp? Nên đây là điều mới thể hiện những nhận định ấy là những suy nghĩ dị dạng, quái thai của con nhà luật.

Thế nên chẳng hy vọng gì vào mấy cái con người, với tư duy và kiểu học thuật ngu xuẩn mang tính nô lệ trói buộc, đi ngược lại văn minh cũng như khoa học cốt yếu của luật pháp ấy cho cam.

Vây họ định đào tạo ra những con người và truyền tai cho nhau nghe những thứ gì thế này về luật pháp và cho xã hội này đây?

Xem thêm…

ĐÁNH ĐỔI

00:43 |
Lê Luân

Các bậc cha mẹ nên nhớ rằng, bạn có thể không quan tâm gì đến sự vận động xung quanh, bạn có thể làm việc chăm chỉ hàng ngày cho đến suốt đời để kiếm tiền, thật nhiều tiền cho những đứa con và tạo dựng tương lai cho chúng, nhưng tiền bạc lại không thể mua được môi trường sống, sự giáo dục và tri thức làm người.

Tương lai được tạo nên bởi môi trường và sự phát triển bằng nhận thức của nó, chứ không phải được gây dựng nên bởi tiền bạc để lại của những đáng sinh thành sinh ra chúng.


Chúng ta có thể có một núi tiền, rừng vàng, biển bạc, nhưng chắc chắn chúng ta không thể tạo ra hay dùng nó để đánh đổi cho những giá trị sống về môi sinh, về tương lai và về sự bền vững của những giá trị nhân sinh.

Nên nếu cá chết, biển chết, sông cạn, không khí ô nhiễm, giáo dục lạc hậu, con người hủ bại và chính trị tù mù độc tài, thì chắc chắn bạn sẽ không thể dùng tiền hay vật chất để làm trong sạch, để mua lấy sự sống mà đang bị đe doạ, bất ổn, suy thoái. Môi trường không có biên và càng không có trị giá để chuộc lại.

Bởi vậy, cứ luồn cúi sống, cứ cố gắng để đạt tối đa lợi ích cho bản thân, gia đình và để nhằm chăm bẵm những đứa con của mình bằng di ản vật chất, mà phó mặc mọi thứ là nguồn sống bao bọc mình, thì đến khi nó gặp nguy hại, có lẽ lúc đó những đứa con sẽ không có nơi chốn để sống an toàn, trong một môi trường trong lành mà phát triển, ngoại trừ bạn đủ giàu có để làm thẻ xanh sang Mỹ hoặc một nước Âu Châu nào đó cư ngụ.

Nhưng quê hương mới là nơi vĩnh cửu và thiêng liêng với mỗi con người, nếu bỏ qua những giá trị làm người, phó mặc môi sinh, lặng thinh trước những điều bỉ ổi, xấu xa, thì rồi tổ quốc này sẽ đi về đâu và sẽ bị huỷ hoại ra sao?

Vậy mà nhiều người vẫn ngồi ru mình và rồi ru nhau ngủ để an phận đời mình trong những lợi ích nhỏ mọn, chỉ thụ đắc được vài triệu, hoặc chục triệu đồng để tự mãn cho cuộc sống sinh tồn riêng.

Như con ếch vô tư, sẽ không biết mình đang bị luộc chín và gần đến cái chết với cách ngồi trong nồi nước đun sôi một cách từ từ. Nó vẫn nghĩ nó sống và an toàn, cho đến khi nó không còn nhận ra điều đó để nhảy khỏi nồi nước đang dần sôi mà giết chết nó ấy nữa.

Xem thêm…

Tường trình từ thành phố bị bao vây!

00:28 |
Tuấn Khanh


Trong nhiều ngày, thành phố bị bao vây rất đỗi ngặt nghèo. Bất kỳ ai cùng đều có thể nhìn thấy điều đó, theo bước chân của người xuống đường hay chỉ nhìn lén qua khung cửa sổ với những lời thì thào.

Rõ là thành phố bị bao vây. Những hàng rào thép gai được cài chặt kiên cố vào khung sắt rực đỏ dựng lên ở nhiều lối đi. Phối cảnh có khi là tháp nhà thờ cổ hay một kiến trúc có hơn trăm năm, khiến người ta nhớ đến một cuộc tấn công nào đó vào thời Trung cổ của các đoàn quân tàn bạo Vikings đến từ Bắc Âu, mục đích để bảo vệ thịnh vượng của mình bằng cướp phá và huỷ diệt kẻ khác.

Suốt trong nhiều ngày, không chỉ Sài Gòn mà nhiều thành phố khác cũng bị bao vây. Người dân bị giam hãm trong sự sợ hãi về môi trường sống của mình đột nhiên chuyển màu u ám. Hàng hàng lớp lớp sinh vật thiên nhiên chết gục trên bờ biển. Cảnh tượng như sấm truyền về ngày tận thế. Biển trở thành cửa địa ngục. Những thợ lặn nhoi người lên mặt nước, thở gấp và qua đời không nói kịp lời ai oán.

Suốt trong nhiều ngày, nhiều thành phố bị cầm giữ trong bí mật về cái chết mà tất cả vua quan đều lánh mặt. Bọn tôi tớ nói vài lời qua loa với đám đông đang xanh xao vì lo sợ. Bọn tôi tớ ấy chạy vội về nhận bữa ăn riêng đặc cách: sạch sẽ và an toàn như đã hứa để trả công cho sự dối trá.

Suốt trong nhiều ngày, thành phố thì thầm về những khu ghetto mới lập. Có thể đó là một sân vận động, nhưng cũng có thể là một văn phòng của cơ quan địa phương. Tất cả những nơi đó đều có một điểm chung: những loài súc sinh có gương mặt người được trao hiến pháp mới về quyền cắn xé bất cứ những ai có một linh hồn.

Thời đại của thành phố với những tấm bảng tuyên truyền về đạo đức Hồ Chí Minh, là những background ngập màu sắc, tạo nên một bức tranh hùng vĩ ghi lại từng gương mặt những người Việt yêu con cá, yêu giọt nước biển và yêu một tương lai không mù mờ u ám. Họ bị bao vây, đánh đập, chà đạp. Trẻ nhỏ bị giật tóc lôi trên đường. Những thanh niên bị đấm, bị xịt hơi cay mà khi chưa hề có ý định kháng cự. Những phụ nữ bị sờ soạng và đạp vào đầu. Máu. Internet như một loại truyền hình vĩnh cửu với các buối chiếu không dứt miễn phí cho vợ con, cha mẹ… của những bọn khát máu đánh người. Họ im lặng ngồi xem, có thể xem trong bữa ăn tối, với phần ăn là một con cá vô định.

Thành phố bị bao vây không chừa ngày nào. Mọi ngôi nhà bị đánh dấu như số phận của Moses. Mọi bà tổ trưởng trở thành kẻ cướp rình mò tự do của hàng xóm. Số phận con người nhỏ nhoi như ngọn cỏ. Đức Phật ở Sài Gòn không còn ngăn nổi một cuộc chiến nhằm vào con người, mà Ajàtasattu mê đắm cưỡng đoạt Vajji, trong suy nghĩ chỉ còn nụ cười xã hội chủ nghĩa.

Thành phố không chỉ bị bao vây bởi những kẻ muốn dẫm lên đồng loại để giới thiệu mình, mà còn bị bao vây bởi những đoàn diễu hành quanh thành phố với những cái lưỡi nhọn. Nhà thơ Zbigniew Herbert có nhắc tôi rằng đó là những cái lưỡi được mài nhọn, chực chờ để dùng hiến tế đồng loại. Những trái tim dám mơ về tương lai hay dám bật ra điều mình nghĩ có thể bị treo lên trong nhiều tuần, chết khô với hoài bão.

Thành phố bị vây chặt trong ngày của Mẹ. Một ngày của mẹ đẫm máu đáng nhớ trong ký ức của những người yêu tự do. Những người đàn bà bị chà đạp trong tiếng reo hò của nắm đấm và của đoàn diễu hành lưỡi nhọn: những kẻ hèn nhát và đê tiện luôn cầm loa nói át đi sự thật, nhưng không bao giờ dám tự cật vấn về cuộc đời sâu bọ mà họ đang mang là loại sự thật gì.

Những loại đê tiện và hèn nhát đó, có thể là một kẻ nghe hóng và lập tức nói để khoe khoang sự phân tích khôn ngoan của mình, có thể là một tên chủ báo đêm đêm che mặt vào nhà thổ nhưng thích nói giọng đạo đức. Tất cả gào thét và cùng che giấu một sự thật, như là một người phụ nữ bị đánh đập trên đường phố Công xã Paris cùng con của mình. Mọi giọng hò hét bạo dâm đều lạc đi vì phấn khích do an toàn ngồi trước máy tính, chưa bao giờ dám đặt chân xuống vỉa hè để phỏng vấn một con cá, nhưng lại mừng rỡ vì mình được sơn màu công lý của kẻ mạnh.

Tôi nhớ Wislawa Szymborska, bà viết và để lại trong cuộc đời đã sống và chiêm nghiệm, về giống loài suy đồi, qua các triều đại cộng sản:

Không có gì đồi trụy hơn là suy tưởng. Cái thứ phóng túng này tràn lan như một giống cỏ dại mà gió đem lại trên một mảnh đất dành cho hoa cúc.

Không có gì là thiêng liêng đối với bọn người suy tưởng. Trâng tráo gọi mọi sự bằng tên, những phân tích bạt mạng, những tổng hợp sỗ sàng, theo đuổi như điên cuồng và phóng đãng những sự kiện trần truồng,mân mê thật bẩn thỉu những chủ đề dễ kích ứng.

Tôi viết vội bản tường trình về thành phố bị bao vây, mọi thứ được bỏ vào một cái chai, thả vào tương lai. Tôi gửi đi với niềm hy vọng chưa bao giờ mạnh mẽ hơn lúc này. Vì lẽ, cùng tiếng loa công cộng vờ điềm tĩnh kêu gọi trật tự để che giấu cho bạo lực phi nhân được kích hoạt, tôi nhận thấy những tiếng hát vang – đã ngày càng lớn – của những con người công chính về một ngày mới sẽ đến tốt đẹp hơn.

Tôi có gửi thêm trong chai một câu chuyện cổ xưa của người Ấn Độ. Câu chuyện kể về những ngày tháng thế gian dị động. Ngày tháng có rất nhiều dạng súc sinh mang hình dáng người, trà trộn vào trần thế để tung hoành nhưng chúng sớm bị phát hiện, bởi vẫn còn nguyên vẹn trái tim loài súc sinh. Tôi muốn nói rằng chúng tôi – thế hệ chúng tôi, có cả những người rất trẻ – đã từng kiêu hãnh vì thật sự là con người trọn vẹn nơi thành phố đó.



——————–

Các bản dịch thơ, do Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên, NXB Trình Bầy.
Xem thêm…

Gửi anh đeo khẩu trang y tế

07:36 |
Phạm Hữu Đức - một trong số những người đeo khẩu trang đàn áp dân biểu tình vì môi trường 8/5/2018 tai Sài Gòn

Trong một clip quay biểu tình ở quanh nhà thờ Đức Bà ngày 8 tháng 5 em chợt chú ý đến anh. Anh trông rất bình thường trong chiếc áo thun sọc ngang, đội nón kết và đeo khẩu trang. Tất nhiên là với trang phục kín đáo đó, cho tới nay, em không biết anh là ai.

Anh cầm điện thoại to, có vẻ là đang làm nhiệm vụ quan trọng.

Anh chỉ tay điều khiển ai đó như đang chỉ huy.

Anh thấy một người phụ nữ đang cầm biểu ngữ giấy trắng đòi bảo vệ môi trường và anh rướn người giật phắt tờ giấy đó vứt vào xe tải nhỏ.

Đến bây giờ thì em nhận ra anh. Có lẽ anh đang chống biểu tình.

Nhưng sao anh không mặc sắc phục công an? Sao anh phải đeo khẩu trang y tế? Anh sợ bị ô nhiễm chăng? Hình như không phải vậy, bởi vì anh đang chống lại những người đang chống ô nhiễm môi trường. Có lẽ anh đeo khẩu trang chỉ để che mặt, để giấu mặt khi làm một hành vi đáng hổ thẹn.

Anh giấu vậy thì che được em và nhiều người khác nhưng chắc vợ con anh, mẹ cha anh thì vẫn nhận ra anh trong clip. Ngoài những người thân của anh còn có những đồng nghiệp anh, có trời, có đất và có chính anh nhận ra anh. Họ vẫn thấy rất rõ việc anh đang làm. Họ thấy anh giật phăng tờ biểu ngữ trắng vẽ con cá hiền lành. Họ thấy anh thị uy với mấy chị phụ nữ đang đòi một môi trường trong sạch. Môi trường đó đang bị xâm hại khiến cho cá tôm chết, sinh vật biển chết. Vợ anh không dám đi chợ vì sợ làm món độc cho anh, con anh, mẹ anh... Họ đấu tranh để con anh có bữa ăn an lành ở nhà trường. Họ lên tiếng để bữa nhậu hỉ hả của anh với các món tôm hùm, cá mú không bị nhiễm kim loại nặng. Họ muốn gia đình anh được tắm biển trong lành, mát mẻ vào mùa hè này...

Anh đang chống lại những người muốn bảo vệ cho anh và gia đình anh. Anh chống lại lương tâm con người. Anh đang chống lại những người tử tế. Anh đang chống lại vợ con anh, cha mẹ anh...

Không ai nhận ra gương mặt anh nhưng chính anh nhìn vào gương và nhìn thấy rõ mặt của anh, một gương mặt đáng sợ. Vợ anh sẽ thấy sợ cái mặt phía sau chiếc khẩu trang. Con anh sẽ ám ảnh gương mặt đáng sợ của anh sau lớp khẩu trang. Anh đang mang một gương mặt mà anh giấu hết mọi người bởi lẽ anh đang làm một công việc xấu xa, đê hèn và nhục nhã.

Anh muốn giấu nhưng không thể giấu được dù anh có mang bao nhiêu lớp khẩu trang. Từ nay trở đi, dù có hay không có khẩu trang anh cũng đã đeo lên mặt một gương mặt đáng sợ nhất, gương mặt của bạo tàn, của kẻ giết chết lương tri.

(Em mong mọi người share để stt này đến được gia đình anh).
Xem thêm…

Cuộc Tuần Hành ngày 1/5/2016 vì môi môi trường và biển sạch - Hình ảnh đẹp ngày 1/5 -

06:11 |
Những hình ảnh đẹp ngày 30/4 và 1/5/2016 khi người dân đòng lòng xuống đường vì môi trường!




















Ảnh tổng hợp từ Fb

Xem thêm…

Thảm họa cá chết miền Trung: Nguồn độc có khả năng lan xuống tận Phú Quốc

05:56 |

TMSS: Đọc và nhớ ta nên làm gì trong bối cảnh hiện tại!


29/04/2016 - 15:36 PM
Qua tính toán dòng chảy đáy biển, KS Doãn Mạnh Dũng, phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM, cảnh báo: nếu không cắt ngay nguồn độc đang gây cá chết tại 4 tỉnh ven biển miền Bắc Trung Bộ, và mới ngày hôm nay 29.4 là Đà Nẵng, thì nguy cơ chất độc sẽ còn lan xuống tận Phú Quốc! Đặc biệt, cần nhìn nhận Sơn Dương – Vũng Áng là một yếu huyệt bảo vệ sự an ninh lãnh thổ Việt Nam từ hướng biển!

Cá chết ở vùng biển Đà nẵng sáng ngày 29.4. Ảnh: Tuổi Trẻ
Phỏng vấn của Người Đô Thị với KS Doãn Mạnh Dũng, phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM, nguyên trưởng ban Cơ sở hạ tầng cảng biển thuộc Cục Hàng hải Việt Nam.
KS Doãn Mạnh Dũng. 
Thưa ông, với thảm họa cá chết hàng loạt trong thời gian dài, chủ yếu là cá tầng đáy, ở 4 tỉnh ven biển miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quãng Bình, Quãng Trị, Huế, và mới hôm nay ngày 29.4 là Đà Nẵng, thì liệu tình trạng cá chết này có khả năng còn lan rộng nữa không?
Trong đặc điểm tự nhiên của bờ biển Việt Nam, do chênh lệnh nhiệt độ giữa Bắc Cực và Xích đạo, do trái đất quay từ Tây sang Đông, do bờ biển Trung Quốc khi xuống phía Nam thì lệch về hướng Tây nên trong 365 ngày/năm luôn luôn có dòng hải lưu tầng đáy chạy dọc bờ biển Việt Nam từ Bắc xuống Nam, nhưng mạnh nhất từ Vũng Áng - Sơn Dương, Hà Tĩnh đến mũi Cà Mau.
Tốc độ dòng tầng đáy tính toán được khỏang 0.38 m/s trên hiện tượng di chuyển của các thi thể hành khách trên xe 48K5868 bị tai nạn ngày 18.10.2010 ở Nghị Xuân - Hà Tỉnh.
Về mùa đông, vào tháng 1, 2, 3, 4, 8, 9, 10, 11, 12 (9/12 tháng), vì ảnh hưởng gió đông bắc nên có dòng chảy mặt theo hướng từ Bắc xuống Nam với tốc độ bình quân 0.757 m/s.
Dòng tầng đáy và tầng mặt cộng hưởng đưa phù sa bờ biển Việt Nam theo hướng từ Bắc xuống Nam. Vùng bờ biển Vũng Áng, Sơn Dương nằm phía nam vĩ tuyến cực Nam của đảo Hải Nam, nên bờ biển miền Trung từ vị trí này hướng về Nam là chịu tác động của dòng chảy tầng đáy và cả tầng mặt.
Bạn nhớ bài hát "Quảng bình- Quê ta ơi" với những cồn cát trắng? Ở Bắc sông Gianh, các cồn cát đã cao đến 17-18m, nhưng ở Hà Tĩnh hoàn toàn không có cồn cát. Đó là hiện tượng khác biệt giữa bờ biển Hà Tĩnh và Quảng Bình. Do nguyên lý này mà các vịnh ở bờ biển Đông Việt Nam chỉ sâu khi vịnh chống được dòng hải lưu trên chảy vào vịnh, có nghĩa rằng cửa vịnh phải quay về hướng Nam. Ví dụ như vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong, Vũng Rô. Vì là các vịnh ven núi, nên các vịnh chỉ sâu khi không có dòng sông lớn xuất phát từ dãy Trường Sơn. Ví dụ vịnh Dung Quất có sông Trà Bồng nên hạn chế độ sâu. Khi đến mũi Cà Mau, dòng hải lưu bị đẩy về hướng Tây, nên mũi Cà Mau có hình dàng như mũi tàu cong về phía Tây. Chính dòng hải lưu trên làm vịnh Thái Lan bị cạn dần và đang bị ngọt hóa. Chính sự ngọt hóa này mà Phú Quốc có những hải sản khác thường với ngư trường Phan Thiết.
Như vậy sự việc chất độc gây cá chết tại Hà Tĩnh sẽ không giới hạn khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Đúng thời điểm này, gió Tây Nam đưa dòng tầng mặt qua đảo Hải Nam, nên hiện tượng cá chết chưa lan tràn xuống Nam Trung Bộ. Hơn nữa hiện tượng cá tầng đáy bị chết chứng tỏ nguyên nhân gây chết cá là độc tố trong nước. Các chất thải ra biển hầu hết  có tỷ trọng cao hơn nước biển  nên nhanh chóng lắng xuống tầng đáy. Vì vậy sự viện dẫn cá chết do rong tảo trôi nổi trên tầng nước mặt là không logic và không thuyết phục được những người quan tâm. 
Như vậy, dòng tầng đáy đã chắc chắn đưa chất độc xuống bờ biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nam. Tôi cho rằng, khu vực này chưa thấy cá chết do mật độ chất độc thấp, nhưng tiềm ẩn đem lại bệnh tật trong tương lai là khó tránh khỏi.
Tóm lại, theo tính toán dòng chảy như trên, thì chất độc không chỉ ở 5 tỉnh miền Trung mà còn có nguy cơ lan chảy từ Hà Tĩnh xuống Phú Quốc. Những tính toán này là thuộc về vấn đề khoa học cơ bản, rất rõ ràng.
Tôi cho rằng đây là một hiểm họa cực kì lớn đối với cả đất nước, nó triệt tiêu nguồn tài nguyên để nhiều triệu người có thể duy trì cuộc sống trong nhiều ngàn năm qua dọc theo mảnh đất hình chữ S.
Hệ thống ống dẫn nước xả thải kéo dài từ Formosa đến biển Vũng Áng. Ảnh: T.Hoa/infornet
Là người có nhiều nghiên cứu về biển, theo ông, những “điểm” nào có khả năng gây ra chất độc khiến cá chết hàng loạt và kéo dài như hiện nay?
Không chỉ nghi vấn riêng Formosa, mà tất cả các khu công nghiệp (KCN) trước khi nước thải ra biển đều phải có sự kiểm tra hết. Không kiểm tra được thì đóng cửa. Đó là nguyên tắc. Quyền lợi của một nhóm luôn nhỏ hơn rất nhiều quyền lợi của cả một dân tộc. Vừa rồi trên thế giới có tập đoàn thép của Ấn Độ đã phải từ bỏ thị trường nước Anh, vì chi phí môi trường ở đây quá lớn. Còn ở Việt Nam thì lại chọn chi phí môi trường thấp nhất để kiếm lời. Đó là sự kiếm lời trên cái sống tàn tạ và trên tiền thuốc men, bệnh tật của người Việt Nam. Chúng ta làm việc và chiến đấu để sống, chứ không phải để chết.
Theo ông, việc xây dựng và phát triển công nghiệp tại vị trí Vũng Áng – Sơn Dương có phù hợp hay không?
Việc hình thành KCN, tôi cho rằng tùy vào mục tiêu của mình. Mục tiêu của ta là làm giàu bằng mọi giá, hay chúng ta từng bước phát triển, xây dựng quê hương tốt đẹp cho chúng ta? Hai mục tiêu đó khác nhau, mà mục tiêu của một nhóm người bằng mọi giá để lấy tiền và sau đó ra đi định cư ở nước ngoài là khác xa với mục tiêu của đa số người dân Việt Nam này là mơ ước tìm hạnh phúc ngay trên đất nước của mình.
Một khu kinh tế với những ngành công nghiệp nặng như Vũng Áng hiện nay là một nguy cơ rất lớn cho ô nhiễm môi trường vùng biển và nguy cơ cho ngành kinh tế thủy sản biển của mình.Nhất là khi mình vẫn chấp nhận nền công nghiệp lạc hậu của Trung Quốc, đó là điều không chấp nhận được và hậu quả sẽ không lường.
Ông đã từng đánh giá Vũng Áng – Sơn Dương có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng...
Đúng vậy! Sơn Dương là một trong bốn yếu huyệt bảo vệ sự an ninh lãnh thổ Việt Nam từ hướng biển đuợc xếp theo thứ tự: Cam Ranh, Sơn Dương, Nam Du và Côn đảo. Bốn yếu huyệt này được xác định dựa vào những yếu tố địa lý tự nhiên.
Ở vịnh Bắc Bộ, cảng Sơn Dương nằm phía nam Vũng Áng thuộc Hà Tĩnh có vị trí khá đặc biệt. Vị trí này cùng vĩ tuyến với cảng Tam Á, có hạm đội nguyên tử của Trung Quốc. Vị trí cảng Sơn Dương cũng nằm ngay phía bắc đèo Ngang nơi có đường Quốc Lộ 1A với đường đèo và hầm qua núi. Độ sâu cảng Sơn Dương sau khi xây đê 3.000m từ mũi Ròn đến hòn Sơn Dương thì vùng cảng kín sóng gió và đạt độ sâu đến trên -16m cùng với vùng nước rộng rãi. Vì vậy, cảng Sơn Dương là yếu huyệt của vịnh Bắc Bộ, kiểm soát đường biển và đường bộ từ Nam Bộ và Trung Bộ tiếp tế cho miền Bắc Việt Nam.
Vùng nước Sơn Dương phía Nam Vũng Áng là vị trí duy nhất của cả miền Bắc có thể  đón tàu sân bay được, nhưng mình giao cho Trung Quốc là hỏng. Vị trí đó nằm ngay Đèo Ngang, chỉ cần hai trung đội là đủ cắt đôi đất nước ngay, vì ở đây có hầm Đèo Ngang và đường độc đạo, xe lửa đi tới đây phải chạy ngược lên về phía Tây để băng qua, chứ còn vị trí này là đèo, không đi qua được.
Vị trí này là huyệt đạo của cả hải quân Việt Nam. Nó phải dành cho Hải quân Việt Nam chiếm lĩnh để bảo vệ đất nước. Vì với một nước nhỏ, nghèo, mọi việc từ xây dựng đến bảo vệ đất nước phải biết sử dụng những đặc điểm địa lý tự nhiên. Hải quân Việt Nam phải có các căn cứ quân sự đủ sức phòng ngự và tấn công để phòng ngự. Các căn cứ hải quân phải có độ sâu thích hợp, độ rộng mặt nước đủ năng lực tiếp nhận nhiều tàu quân sự, có núi cao để che chắn và thuận lợi trong cung ứng hậu cần. Và sự hợp tác với các đối tác nước ngoài trong xây dựng kinh tế ở các yếu huyệt trên cần gắn chặt với nhu cầu quốc phòng khi xảy ra chiến tranh vệ quốc.
Còn làm kinh tế là từng bước, chúng ta làm để sống chứ không phải làm để chết.
Năm 2003, tôi là người trực tiếp đã báo cáo tiềm năng vịnh Sơn Dương với bí thư Hà Tĩnh hồi đó - Trần Đình Đàn, tiềm năng của cảng Hà Tĩnh không phải ở Vũng Áng phía Bắc mà là phía Nam Vũng Áng, tức là vùng Sơn Dương. Việc đầu tư kinh tế tại đây là một sai lầm. Người Việt Nam mình phải hiểu địa phương mình hơn nước ngoài chứ!
Lo he sinh thai bien bi huy diet sau vu ca chet hinh anh 2
Cá chết bất thường ở vùng biển miền Bắc Trung Bộ. Ảnh: Quang Tiến/zing.vn
Việc kiểm tra của các đoàn cơ quan Nhà nước vẫn đang được tiến hành tại KCN Vũng Áng nói chung và Formosa nói riêng. Trước tính chất nghiêm trọng của thảm họa cá chết hiện nay, ông đánh giá việc kiểm tra như mức độ hiện nay của Nhà nước là đủ chưa? Hành động ngay trong lúc này của Nhà nước cần là gì, thưa ông?
Tốt nhất bây giờ chúng ta cứ giải quyết vấn đề sòng phẳng với các doanh nghiệp kinh doanh, nếu anh gây ra ô nhiễm thì anh phải chịu trách nhiệm với hậu quả của chính anh. Việc chính quyền nhân nhượng doanh nghiệp trong việc kiểm soát chất thải là điều không chấp nhận và là nguyên nhân chính dẩn đến sự hỗn loạn của xã hội, nhất là với các doanh nghiệp nước ngoài.
Vấn đề cần làm hiện nay là phải cắt ngay nguồn độc này! Việc đầu tiên hiện nay là cần cấm đưa chất thải chưa xử lý ở các KCN ra biển. Hệ thống kiểm tra môi trường cần xác định ngay tính hợp pháp của những đường ống chất thải ra biển. Nếu hệ thống ống không hợp pháp thì cần xử lý ngay theo pháp luật, kể cả giải thể doanh nghiệp. Nếu hệ thống ống thải là hợp pháp thì cần thay đổi ngay những cán bộ có chức năng đang kiểm soát môi  trường tại Hà Tĩnh vì họ không hoàn thành nhiệm vụ.
Khi người dân Việt Nam từ Hà Tĩnh đến Phú Quốc không dám ăn cá biển thì  kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ ra sao? Thương hiệu hải sản Việt Nam sẽ đi về đâu? Nó là một tai họa không tưởng tượng được, và tôi nghĩ rằng nó sẽ đốt tất cả những thành quả bao nhiêu năm qua của chúng ta. Khi con người ở ven biển mà không dám ăn cá, khi hàng triệu ngư dân không có công việc để  kiếm sống thì đất nước này sẽ hỗn loạn.
Lê Quỳnh (thực hiện)

 Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng chủ yếu do Trung Quốc thầu và thi công. KKT này được thành lập vào tháng 4.2006, trên cơ sở khu công nghiệp - cảng biển Vũng Áng đã được thành lập từ năm 1997. Đây là một bộ phận của khu đô thị Vũng Áng và vùng kinh tế Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh. KKT Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3.4.2006 có diện tích 22.781ha với mục tiêu xây dựng, phát triển thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là:
(1) phát triển các ngành công nghiệp luyện kim gắn với lợi thế về tài nguyên, nguồn nguyên liệu; các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, công nghiệp thép, trung tâm nhiệt điện và lọc hóa dầu,
(2) phát triển đồng bộ khu liên hợp cảng Vũng Áng - Sơn Dương bao gồm việc đầu tư và khai thác có hiệu quả khu liên hợp cảng, phát triển dịch vụ cảng và các dịch vụ vận tải biển để tạo thành một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của Bắc Trung Bộ.
(3) xây dựng khu đô thị mới Vũng Áng, đồng thời ưu tiên phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch nghĩ dưỡng biển trở thành các điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch ven biển Bắc Trung Bộ.

Nguồn: nguoidothi

Xem thêm…

Copyright ©THT - Được biên soạn và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau - Ghi rõ nguồn:quatangsusong.blogspot.com/ - Khi phát hành thông tin trên trang này
Gx Đaminh | Namkna | Trung Tâm Học Vấn Đaminh | Kho tài liệu hay |