Home » Archives for tháng 8 2015
Chiêm ngắm huyền nhiệm tình thương nơi cuộc đời thánh Martinô
01:46 |
Chiêm ngắm huyền nhiệm tình thương
nơi cuộc đời thánh Martinô
Nguyễn Trọng Viễn, OP.
Trong
số Thời Sự Thần Học 56 mới đây, nhằm mừng kỷ niệm 50 năm tu sĩ Martino
de Porres được phong hiển thánh, chúng ta đã được linh mục Phan Tấn
Thành trình bày tóm tắt những quan niệm thần học về chữ caritas, dựa
theo hai thông điệp của đức Bênêđictô XVI, Deus caritas est và Caritas
in veritate. Những quan niệm này, theo ba song luận “eros-agape”;
“caritas-veritas”; và “caritas-justitia”, đã được phân tích khá tỷ mỷ và
súc tích.
Có một lối nhìn khác
mà tôi thích thú hơn, đó là lối nhìn của linh mục Henri J.M. Nouwen,
trong tác phẩm Những Dấu Chỉ của Sự Sống. Cha Nouwen, theo gợi ý của một
người bạn chuyên phục vụ người khuyết tật, Jean Vanier, đã khám phá ba
dấu chỉ đặc biệt của tình yêu Kitô giáo trong Tin Mừng : mật thiết,
phong phú và xuất thần.
Có lẽ có thể nhìn một cách đơn giản hơn : trong Thiên Chúa, chân lý và tình yêu là một[1].
Rồi chân lý được gồm gói trong đức Kitô, đức Ái hay tình yêu cũng được
gồm gói trong đức Kitô. Nơi Thiên Chúa, caritas và veritas là một, thì
trong đức Giêsu Kitô, chân lý và đức ái cũng vẫn là một[2];
và là một trong mầu nhiệm Nước Trời. Mầu nhiệm Nước Trời thể hiện cả
chân lý và tình yêu một cách phong phú vô tận và linh diệu bất ngờ. Với
mầu nhiệm ấy, điều cần thiết không chỉ là nghiên cứu như một vấn đề,
nhưng còn cần “chiêm ngắm”[3].
Đây là huyền nhiệm phong phú và linh diệu của Nước Trời nơi cuộc đời
một con người hèn mọn nhất trong các vị thánh, và thánh nhất trong những
người hèn mọn, đó là thánh Martino de Porres. Cũng cần phải nói thêm là
: chân lý của Chúa ban cho ta là chân lý cứu độ; và tình yêu Thiên Chúa
ban cho ta cũng là tình yêu cứu độ. Chỉ trong ý nghĩa cứu độ, chỉ trong
vận hành của lịch sử cứu độ mà chân lý và tình yêu của Chúa mặc khải
cho con người mới được sáng lên, sáng lên ý nghĩa huyền nhiệm. Điều này
có nghĩa là chúng ta có thêm một tiêu chuẩn để phân biệt những thứ chân
lý / tình yêu giả với chân lý / tình yêu thật; và để hiệp nhất những thứ
chân lý và tình yêu có vẻ khác nhau nhưng lại đích thực là một trong
cùng vận hành cứu độ.
1. Mầu nhiệm Nước Trời
Sám hối vì Nước Trời
Chúa Giêsu khởi đầu
sứ vụ công khai bằng lời loan báo Mầu nhiệm Nước Trời, và Ngài cũng cho
thấy cách thức để đi vào mầu nhiệm ấy chính là sự sám hối.
“Sau khi ông Gio-an
bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
Người nói : "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em
hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." (Mc 1,14-15)
Tại sao phải sám hối
? Sám hối là từ bỏ tội lỗi, sám hối là thay đổi lối sống, nhưng sâu xa
hơn hết, sám hối là thay đổi não trạng, thay đổi cách nghĩ. Đó là vì mầu
nhiệm Nước Trời luôn là điều bất ngờ có tính cách đảo ngược. Chẳng phải
chỉ những người Do Thái thời Chúa Giêsu cần phải sám hối, thay đổi não
trạng để có thể “hiểu” được Nước Trời, nhưng chính Hội Thánh trong suốt
hành trình của mình, cũng như mỗi người Kitô hữu, trong suốt hành trình
tâm của mình, vẫn luôn phải sám hối, vẫn luôn phải nhờ Thánh Thần Chúa
để có thể thay đổi não trạng.
Có lẽ đây là một
điều mà người Kitô hữu hiện nay phải lưu ý nhiều. Với đa số người tín
hữu, sám hối bị giản lược thành bản so sánh đời sống hằng ngày với Thập
Điều của Cựu Ước. Với những linh mục, tu sĩ, hình như người ta lấy việc
học hỏi, nghiên cứu để hiểu Nước Trời hơn là một sự rộng mở để Thánh
Thần Chúa thay đổi não trạng. Nếu nghiên cứu và học hỏi có thể cho ta
hiểu được một phần nào mầu nhiệm Nước Trời, thì sức mạnh để đi vào Nước
Trời vẫn luôn là ân sủng, vẫn luôn bắt nguồn từ chính tình yêu và chân
lý cứu độ được Thánh Thần khai mở ra cho Hội Thánh và cho mỗi người tín
hữu. Chính vì thế mà một con người hèn mọn như thánh Martinô lại có thể
biểu lộ mầu nhiệm Nước Trời rõ rệt hơn hết trong một tu viện Đa Minh
cũng như nơi thành phố Lima thời ấy.
Quả thật, nếu để ý
một chút, chúng ta sẽ thấy rõ tính mầu nhiệm Nước Trời luôn có tính cách
đảo ngược. Từ việc Ngôi Lời trong vĩnh cửu nay trở nên xác phàm, từ
việc Chúa chọn đức Maria, một cô gái đồng trinh, vô danh tiểu tốt, để
làm mẹ, từ việc Chúa chọn một gia đình dân thường chứ không phải gia
đình quyền quí, và chọn sinh ra trong hang đá bò lừa… cho đến Bài giảng
trên núi; cho đến cung cách thể hiện “lòng nhân chứ không phải lễ tế”
(Mt 9,13); cho đến lời dạy về quyền bính trong cộng đoàn Hội Thánh; cho
đến những giáo huấn trong diễn từ cáo biệt; và cho đến cách người đi vào
cuộc Tử nạn–Phục sinh…., tất cả đều là một sự đảo ngược kỳ lạ đối với
cách nghĩ thông thường của con người. Ta có thể nói được rằng ai không
thấy được tính đảo ngược của Chúa, thì cũng chưa thấm nhuần mầu nhiệm
Nước Trời. Trong khi đó, cám dỗ của con người luôn là muốn thích nghi,
thoả hiệp Nước Trời với nước thế gian, nước thế gian trong cách nghĩ đầy
lý lẽ của mình, nước thế gian trong lối sống tà tà của mình, nước thế
gian trong cơ chế tổ chức của cộng đoàn hay của chính Hội Thánh, nước
thế gian trong những giá trị hão huyền như danh giá,…
Nước Trời mời gọi
sám hối, mời gọi người tín hữu liên tục sám hối, mời gọi chính cơ chế
Hội Thánh hay cộng đoàn sám hối. Nếu sống đức tin, theo tinh thần
Vatican II, là sống đời mình như một lịch sử ơn cứu độ, nghĩa là sống
chính lịch sử đời thường của mình trong sự sám hối cách nghĩ, cách chọn
giải pháp, cách phản ứng… của mình trong sự so chiếu với mầu nhiệm Nước
Trời, thì ta lại càng thấy rõ tính cách thiếu sám hối chân chính, cả nơi
những nhà nghiên cứu Kinh Thánh, “đấng bậc” cũng như nơi đời sống người
tín hữu nói chung. Nước Trời là một sự đảo ngược, nên cần thiết phải có
một phương thức đảo ngược cách nghĩ, một lòng sám hối chân thực
(métanoia) để đi vào Nước Trời.
Mầu nhiệm đảo ngược
căn bản chính là mầu nhiệm Thập Giá. Thập giá xưa kia là sự điên rồ đối
với người Hy Lạp, là sự chướng kỳ đối với người Do Thái, thì ngày nay,
Thập Giá vẫn luôn là những khác biệt mang tính đảo ngược đối với cách
nghĩ cũng như thực tế cuộc sống xã hội và Giáo Hội, ở đây và lúc này.
“Trong khi người
Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ
khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh,
điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại
cho là điên rồ. (1 Cr 1, 22-23 )
Tại sao lại đảo ngược ?
Chúng ta có thể tìm
thấy câu trả lời trong cách nói của ngôn sứ Isaia : đường lối của Chúa
vượt cao hơn đường lối của con người (Xc. Is 55,9). Đường lối của Chúa
cao hơn không phải chỉ vì Chúa khôn ngoan hơn, nhưng còn là vì Thiên
Chúa yêu thương nhiều hơn, tình thương lớn hơn của Chúa vượt quá cách
suy nghĩ tầm thường của con người. Như đã nói, nơi Thiên Chúa, chân lý
và tình yêu là một; nơi đức Kitô, chân lý và tình yêu là một; nơi mầu
nhiệm Nước Trời, chân lý và tình yêu cũng là một. Tính cách hoà hợp đó
cũng thể hiện nơi những gì được sáng tạo trong Ngôi Lời có từ muôn thuở
và sứ điệp Nước Trời của đức Giêsu. Tính cách hoà hợp ấy cũng thể hiện
trong mầu nhiệm cứu độ mà những ai biết Chúa Cha thì cũng biết Chúa
Giêsu… Thế nhưng, con người đã không dễ dàng thấy được sự hoà hợp ấy,
nên đã phân ly những gì Thiên Chúa đã nối kết; để rồi nhân danh chân lý
để làm những điều phản lại tình yêu, hoặc nhân danh tình yêu để làm
những điều sai trái.
Làm sao giữ được nét hoà, nét duy nhất giữa chân lý và tình yêu ?
Chúng ta có thể thấy
một chút ánh sáng hướng dẫn khi nhìn lại sự tiến triển về quan niệm mạc
khải từ công đồng Vatican I đến Vatican II. Trong khi, đối với Vatican
I, mạc khải là Thiên Chúa mạc khải những chân lý vô ngộ của Ngài, thì
đối với Vatican II, mạc khải lại là mạc khải chính bản thân của Chúa.
“Thiên Chúa nhân
lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết
mầu nhiệm thánh ý Ngài {X. Ep 1,9}. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng
Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và
được thông phần bản tính của Thiên Chúa {X. Ep 2,18; 2P 1,4}. (MK 2)
Chúng ta cũng biết,
Vatican II đã thêm vào một phương thức mạc khải của Thiên Chúa, Thiên
Chúa không chỉ mạc khải bằng Lời, nhưng còn bằng hành động. Cả Lời cũng
như hành động của Thiên Chúa đều chỉ là mạc khải chính bản thân Ngài.
Nơi bản thân Ngài, chân lý và tình yêu là một, và trong mạc khải cứu độ
của Ngài, chân lý cứu độ cũng như tình yêu cứu độ chỉ là một.
“Công cuộc mạc khải
này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với
nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ,
củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói
thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó. Nhờ
mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con
người được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Đấng trung gian, đồng thời là sự viên
mãn của toàn thể mạc khải” {MK 2a}.
Thật ra, con đường
của triết gia Parménide (khoảng 540-470), đồng nhất hữu thể với tư
tưởng, để rồi triết lý chỉ việc ráp nối các tư tưởng, chính con đường đó
đã chia lìa, phân đôi mọi thực tại, lãnh vực lý thuyết dần dần khác với
lãnh vực thực hành; rồi đến một lúc nào đó, lãnh vực siêu hình lại trái
ngược với lãnh vực luân lý. Ngược lại, từ tư tưởng của Héraclite
(khoảng 540-475), người ta thấy rằng : ở đỉnh cao minh triết, siêu hình
và luân lý đồng nhất với nhau; còn ở đáy sâu của thứ triết lý vụn vặt,
thì siêu hình[4] khẳng định một đàng, luân lý lại đòi hỏi một đàng khác. Đó cũng là con đường lãng quên hữu thể của triết học Tây phương.
Cũng gần giống như
vậy, chính con đường xa rời “bản thân Chúa”, khiến cho chân lý và tình
yêu xa rời nhau; khiến cho nhiều khi ta muốn thực hành chân lý thì lại
thấy ngược với đức ái, và nhiều khi thực hành đức ái thì lại ngược với
chân lý.
Cuộc sống nhân trần
thì không có sự đồng nhất tất nhiên giữa hai lãnh vực khác nhau, không
có sự hoà hợp dễ dàng giữa chân lý và đức ái, nhưng người tín hữu thì,
đúng ra, chỉ có một điều cần thiết mà thôi, đó là chọn Chúa Giêsu, theo
Chúa Giêsu. Chính bản thân Chúa Giêsu là Đường, là sự Thật và là sự Sống
(Xc. Ga 14,6), chứ không phải một con đường nào, một sự thật hay sự
sống nào khác. Người Kitô hữu chọn Chúa Giêsu thì chỉ có một tiêu chuẩn
duy nhất, đó là muốn những gì Chúa muốn, làm những gì đẹp ý Chúa… Cũng
thế, Thánh Thần, trong Tân Ước, không còn được hiểu là một năng lực mà
người tín hữu có thể chiếm hữu và “cất trong túi”, nhưng là một Đấng mà
người tín hữu chỉ có thể sống-với, để cho Ngài đồng hành và để Ngài
“nói” khi ta phải ra trước “công hội” (Xc. Mc 13,11).
Có con đường của
thánh Thomas, thiết tha đi tìm chân lý của Chúa, nhưng vẫn luôn là khát
vọng “con chỉ cần chính Chúa” như lời Thomas trả lời với Chúa trong
những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời; và có con đường của Martinô,
khởi đi từ tình thương, khám phá lòng nhân ái của Chúa đổ xuống những
người cùng khổ, và chính cách thức sống ấy trở nên một sự cật vấn cho
những người chỉ biết có một thứ chân lý khô khẳng. Cả hai con đường đó
đều là con đường tìm kiếm chính Chúa, tìm kiếm Nước Thiên Chúa, cả hai
đều là phương thức thể hiện con đường “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước
hết (Xc. Mt 6,33). Đây chính là con đường của những vị thánh, khác với
con đường của những học giả hoặc những người làm việc xã hội thuần tuý.
Con đường tìm kiếm Thiên Chúa, “tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước” sẽ đưa
các thánh vượt qua những đối lập trong thế giới con người, để hoá giải
những đối lập ấy trong chính bản thân của Chúa Giêsu. Cái “trước” ở đây
không phải chỉ theo nghĩa thời gian, nhưng là một sự ưu tiên, một sự nắm
chắc lấy chính Chúa trong nỗi thiết tha đi tìm “Danh Cha, Nước Cha và Ý
Cha”. Những gì Ngài sẽ ban cho sau cũng không phải chỉ là của cải,
không phải chỉ là sự thành đạt, nhưng còn là nét hoà trong chân lý và
tình yêu mà trước đó ta chưa thấy được. Như thế, ai đó gắn bó với bản
thân Chúa Giêsu và thiết tha đi tìm Nước Thiên Chúa thì vẫn có thể hoặc
“đào bới sách vở”, hoặc “lấy đường phố làm phòng tu”.
Từ nẻo đường của
Martino, chúng ta có thể tìm ra động lực sám hối bằng con đường tình
yêu. Thay vì những hiểu lầm của người Do Thái về Đấng Mêsia quyền lực
cũng như về mầu nhiệm Nước Trời như vương quốc trần gian, người Kitô hữu
có thể khám phá thấy trong mầu nhiệm Nước Trời có động lực của mầu
nhiệm tình yêu của Thiên Chúa luôn cao hơn cách nghĩ của con người.
Chúng ta có thể chiêm ngắm huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa trong mầu
nhiệm Nước Trời, xét như một sự đảo ngược cách hiểu của con người, để
rồi nhận ra chính tình yêu thương lạ lùng của Thiên Chúa là căn nguyên
tạo nên mọi sự đảo ngược ấy. Tình yêu Thiên Chúa trở thành một thách đố
với cách hiểu thông thường, và thôi thúc sám hối. Sám hối là sám hối vì
tình yêu Thiên Chúa và sám hối là thay đổi não trạng để hiểu huyền nhiệm
tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, vì chính huyền nhiệm tình yêu cứu độ
của Thiên Chúa như một bóng dáng bao trùm và ẩn khuất trong mầu nhiệm
Nước Trời.
[1]
Xc. T/đ Caritas in veritate, s.1. Xin nói thêm : Deus caritas est /
Deus veritas est. Như vậy, nói đùa theo kiểu ngắn gọn hiện nay : Deus
Ca-ve-ritas est; mà cave lại có nghĩa là gái bao !!!, một loại người hèn
mọn được Chúa yêu thương và dẫn dắt đến chân lý cứu độ. Đây là “lý
luận” kiểu huyền nhiệm !!!
[3]
Gabriel Marcel cho chúng ta thấy sự khác biệt của “huyền nhiệm” và “vấn
đề”. Người ta thường hay tưởng lầm nhiều điều thuộc lãnh vực huyền
nhiệm nhưng không được chiêm ngắm mà lại được mang ra giải quyết như một
vấn đề.
Sống ơn gọi Giảng Thuyết theo gương thánh Martinô (tiếp theo)
01:43 |
Sống ơn gọi Giảng Thuyết theo gương thánh Martinô
(tiếp theo)
Nói với Chúa trong tình mến
Ngay
từ thuở niên thiếu, thánh Martinnô đã khao khát cuộc đời hoàn thiện,
khao khát chiêm ngưỡng Chúa và sống trọn vẹn cho Chúa. Khi bị người cha
đẻ từ chối, thánh nhân đã tìm được người Cha giàu lòng nhân ái, rất mực
yêu thương, là chính Thiên Chúa. Mỗi ngày thánh nhân tranh thủ thời gian
để được gần gũi Chúa, chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể trong nhà chầu. Ở
nơi đó, thánh nhân tâm sự với Chúa, nói với Chúa về cuộc đời trần gian,
về những ưu tư của cuộc đời và những con người nghèo khổ trong thế
giới.
Có
lẽ trong những lúc thưa chuyện với Chúa, thánh Martinnô cũng nói với
Chúa về người cha của mình trong tình thương mến. Không phải Người “kể
tội” người cha “bội bạc” của mình, cho bằng Người cầu xin Chúa biến đổi
tâm hồn ông và mở mắt tâm hồn để ông nhận biết tình thương Thiên Chúa
dành cho ông qua cuộc đời, qua gia đình và qua những người con. Đó là
qùa tặng quý báu, là hồng ân của Chúa trao ban, nhưng ông đã không biết
đón nhận mà đành tâm chối từ. Như thế, thánh nhân càng thương thay cho
người cha của mình. “Khi lên tám tuổi, Martin có gặp thân sinh mình,
nhưng ông vẫn không nhìn con, và còn khinh bỉ như trước. Em rất buồn
nhưng không khóc, chỉ chạy đến cùng Chúa và phó thác cuộc đời trong tay
Người như người cha nhân lành... Đã sẵn có lòng thương người tha thiết,
Martin chẳng những không oán ghét người cha tàn nhẫn, trái lại còn quí
mến và luôn cầu nguyện cho người.”[1]
Có
lẽ thánh Martinnô đã phải thao thức lắm để nhiều đêm Người thưa chuyện
vãn với Chúa không phải vì cảnh tượng đau buồn khi tuổi thơ của Người
chứng kiến cảnh “Nhìn thấy ai ai cũng đều vui bên mẹ cha, giọt lệ em rơi
hoà chung với nỗi buồn bước đi trong chiều mưa.”[2]
Nhưng, thánh nhân thao thức cho sự vô tâm của xã hội, của con người,
của sự phân biệt màu gia, chủng tộc mà quên đi trách nhiệm và bổn phận
của con người, sự liên đới với nhau, vô tình đã làm nên nhưng cảnh sống
vô cùng bi thảm.
Có
lẽ thánh Martinnô cũng không xót xa cho gia cảnh “mẹ góa, con côi” nhà
mình, cho bằng Người thương cho số phận những con người bị xã hội ruồng
rẫy, gạt ra bên lề, những con người cùng chung số phận với Người: những
người nghèo khổ đầy đường đầy chợ, những con người bệnh tật đau thương,
cơm không có ăn, áo không có mặc, thuốc không có uống... đâu cũng thấy
khổ và khổ, khiến thánh Martinô động lòng trắc ẩn và càng thao thức hơn
trước những cảnh đời như thế. Như Đức Giêsu xót thương dân chúng lầm
than, khổ cực, khi Ngài “Thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm
than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.”[3] Thánh Martinô đã có cùng một sự chạnh lòng như thế!
Và
hơn nữa, thánh Martinnô không oán hận hay than trách những con người đã
gây nên thương đau cho xã hội, cho con người như thế; trái lại, thánh
nhân yêu thương họ, cầu nguyện cho họ, nói với Chúa về họ, về tương lai
và phần rỗi của họ… Chính những thao thức, những lời tâm tình của thánh
Martinnô với Chúa, và chính sự động lòng trắc ấn của thánh Martinnô,
Chúa đã biến đổi cõi lòng người thế. Điều này được minh chứng cụ thể nơi
người cha ruột của thánh nhân khi đón nhận lại người con của mình.
“Nhận thấy cách ăn ở nết na của hai mẹ con bà Anna. Don Juan bị lương
tâm cắn rứt, rồi không bao lâu, ông giác ngộ, nghĩ đến tình phụ tử, nhớ
đến bổn phận làm cha. Thế là ông sám hối và thân hành đến đón con về ở
với mình.”[4]
Qua
một chi tiết cụ thể đó, chúng ta cũng thấy được phần nào giá trị và sức
mạnh của lời cầu nguyện. Chỉ có Chúa mới có thể biến đổi tâm hồn con
người. Lời cầu nguyên chân thành của thánh Martinnô đã vượt thắng sự ích
kỷ của con người.
Nếu
như thuở thiếu thời thánh Martinnô đã có một sự khát khao “nói với
Chúa” đặc biệt như thế, thì khi lớn lên, nhất là khi đã là tu sĩ Đaminh,
thấm nhuần tinh thần của cha Tổ phụ dòng, thánh nhân càng gia tăng lòng
yêu mến Chúa và nhu cầu “Nói với Chúa” càng nhiều, khi chứng kiến nỗi
khổ của nhân gian. Vì lẽ đó, Chúa đã thấu hiểu cõi lòng thánh Martinnô
mà thi thố quyền năng Ngài nơi người con thảo của Chúa qua vô vàn phép
lạ thánh nhân đã thực hiện để “cứu nhân độ thế”. Nhờ đó cuộc đời Người
như là “tấm bánh bẻ ra” trao tặng những người cùng khốn đến với thánh
nhân. “Một trong những ơn riêng Thiên Chúa ban cho thánh Martinô là ơn
làm cho bánh hóa nhiều. Mỗi sáng Martinô thường ăn uống thật vội vã để
có giờ tiếp đón hàng trăm người đang đợi thầy ngoài cửa.”[5]
Thánh
Martinô là thế đó. Cuộc đời Người đã kết hợp nhuần nhuyễn những hoạt
động cấp bách bên ngoài với nếp sống chiêm niệm bên trong. Sức mạnh
thiêng liêng của thánh Martinô được kín múc từ việc cầu nguyện và hiệp
lễ mỗi buổi sáng. Điều này đã giúp thánh nhân đủ sức cáng đáng tất cả
những công việc trong một ngày sống. Đó là sức mạnh lớn lao nhất của
Người trong vai trò tu sĩ. Chính vì thế, thánh Martinô đã sống Tin Mừng
một cách triệt để giữa dòng đời: yêu thương những người bất hạnh, săn
sóc những người ốm đau, bệnh tật, xoa dịu những tâm hồn đau khổ, chữa
lành những vết thương thể xác cũng như tinh thần cho nhiều người. Thánh
nhân ý thức rằng, mỗi lần làm như thế cho tha nhân chính là làm cho
Chúa.[6]
Khi
đã “nói với Chúa” về nhân gian, về những khổ đau của con người, về cuộc
sống trần gian, thấu hiểu được “nhân tình thế thái” như thế, thánh
Martinô được thúc đẩy, cần thiết phải “nói về Chúa ” cho mọi người để họ
nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa để được ơn cứu độ.[7]
Nói về Chúa trong tinh thần bác ái yêu thương
Trong
các hoạt động tông đồ của thánh Martinô, nỗi bật nhất là đời sống bác
ái yêu thương. Bác ái yêu thương là một chứng từ sống động cho cho việc
loan báo Tin Mừng. Có thể nói rằng, đỉnh cao của đời sống
Kitô giáo là đạt tới Đức Ái hoàn hảo. Sống Bác ái là liên kết
với Chúa thành một khối duy nhất, vì Chúa là Tình Yêu. Ngược lại, sống
ích kỷ, thiếu bác ái tức là tự tách rời khỏi khối Tình Yêu Thiên Chúa,
để đi vào con đường diệt vong, lang thang, tối tăm, hận thù ghen ghét
muôn đời, tượng trưng bằng sự khóc lóc và nghiến răng.[8]
Thánh
Martinô đã thấm nhuần điều đó! Thánh nhân đã thực hiện trọn vẹn
lời dạy của Chúa qua đời sống khiêm nhu, bác ái, cảm thông và
chia sẻ với những người cùng khốn trong xã hội. Người đã yêu
thương và làm tất cả vì tình yêu. Người đã nhìn thấy Đức Kitô đang hiện
diện nơi những người anh em da màu, nơi những vết thương lở loét hôi
thối trên thân thể những người nô lệ,… Khi đặt tay băng bó những vết
thương đó, là lúc thánh Martinô đang thực hiện lời dạy của Đức Kitô: “Vì
xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta
là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã cho
mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi
han.”[9]
Bằng
chính đời sống khiêm tốn, thánh nhân đã nêu gương cho anh em trong tu
viện về lối sống của một tu sĩ Giảng thuyết, luôn mặc lấy tâm tình khiêm
cung của Thầy Chí Thánh Giêsu. Bằng việc tuân giữ kỷ luật tu trì trong
nếp sống Đaminh thánh nhân đã trở thành bài giảng hùng hồn cho nhân thế.
Bằng đời sống đơn sơ, vui vẻ, thánh nhân trở thành bạn của nhiều người,
không phân biệt già trẻ, lớn bé, giàu sang hay thấp hèn, màu gia, chủng
tộc.
Từ
những cung cách sống giản đơn như thế, Thánh Martinô đã không chỉ sống
với Chúa, sống với anh em cách thân thiện, mà Người còn đến được với
muôn người trong mọi hoàn cảnh sống. Như thánh Tông đồ, thánh Martinô
cũng đã “trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu.
Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số
người.”[10] Chính vì thế, thánh nhân đã dẫn đưa nhiều người trở về với Chúa, đón nhận Tin Mừng cứu độ.
Đời
sống bác ái của thánh nhân là một bài giảng thuyết hùng hồn và có sức
thuyết phục nhất. Nhờ đời sống bác ái của mình, thánh nhân đã xoa dịu
biết bao vết thương nơi thể xác cũng như tâm hồn khổ đau của những người
đến với thánh nhân. Giữa một xã hội phân biệt màu da và giai cấp, thánh
Martinô đã hiện diện trọn vẹn tính nghèo khó, đơn sơ và yêu thương. Đây
là dấu chỉ sự hiệp nhất trong Đức Kitô. Sự hiện diện của thánh nhân cho
thấy Người đang đồng hành với người khốn cùng trong hy vọng và trong
tình thương. Thánh Martinô đã hiểu được rằng, Chúa Giêsu không chỉ chết
một lần trên cây thập tự, nhưng Ngài đang chết dần chết mòn nơi những
con người đang bị khinh khi và chối từ. Chúa Giêsu vẫn còn bị đóng đinh
và điệu ra pháp trường cho đến ngày Chung Cuộc.
Thánh
Martinô cảm nhận được rằng, để trở thành môn đệ Chúa Kitô, không gì
khác hơn là đón nhận chính cuộc sống như Chúa Kitô đã từng sống. Có
nghĩa là, thánh Martinô vui vẻ đón nhận khổ đau, sự khinh miệt và nghèo
hèn để Người có thể chiến thắng đau khổ trên cuộc đời này, tiêu diệt khổ
đau bằng chính sự đau khổ cùng với người nghèo và nhân danh người
nghèo.
“Thánh
Martinô không đến với người nghèo khổ bằng một túi tiền to hoặc bằng
một khả năng siêu đẳng. Martinô đến với người nghèo, trước tiên, như một
người nghèo, nhưng là một người nghèo có tấm lòng. Với tấm lòng yêu
thương bác ái, Martin thanh thản để cho đi những gì mình có được, để
cống hiến dù chỉ một chút công sức mà mình có thể làm được. Qua những
trợ giúp vật chất, Martin luôn trao tặng chính tấm lòng vàng của mình
cho những người nghèo khổ, chứ không phải là sự ban bố vung vãi quyền
năng dư thừa. Chính từ thái độ “trao tặng tấm lòng” như thế, Thiên Chúa
trân trọng, yêu thương, đón nhận và làm cho công việc của Martin trở nên
hiệu quả theo ý của Ngài.”[11]
Thánh
Martinô là tấm gương sáng ngời về đời sống bác ái, yêu thương.
Bằng một đời sống âm thầm, lặng lẽ, thánh nhân đã họa lại
chân dung Đức Giêsu khiêm hạ, yêu thương tất cả mọi người, nhất
là những người nghèo khổ. Và cứ thế, tình yêu thương đồng
loại, và muông thú, cỏ cây như vết dầu loang, loang mãi để cho
mầm tình yêu vươn nhánh, trổ bông và tỏa hương thơm ngát cho đời
sống Giáo Hội và từng người.
Qua
thánh Martinô, những mảnh đất tâm hồn cằn cỗi được tình yêu
yêu thương ấp ủ để vươn dậy những chồi non đạo hạnh thánh
thiện, sống tốt đời đẹp đạo, những tâm hồn bị thương tổn gặp
được niềm an ủi và chữa lành, và những tâm hồn băng giá được
hâm nóng niềm tin, trở nên nhiệt thành yêu mến và hăng say đời
sống chứng nhân. Qua thánh Martinô, những phận đời bị hất hủi,
bị lãng quên, đã tìm lại được hơi ấm tình người và giá trị
của chính mình bởi sự nâng niu trân trọng của thánh Martinô.
Qua
cách thức giảng truyền bằng tình thương, bằng đời sống bác ái yêu
thương, thánh Martinô đã xoa dịu biết bao đau khổ do bệnh tật thể xác
và tâm hồn. Nhiều cõi lòng nặng trĩu được nhẹ vơi, biết bao vết thương
gãy vỡ được hàn gắn, nhiều số phận thoát cảnh bị lãng quên và biết bao
tâm hồn sầu não tìm lại được niềm vui sống,… nhờ bàn tay da màu chất
chứa tình yêu thương và ấm áp, thánh Martinô đã làm cho nhiều người nô
lệ được sống đúng phẩm giá của con người. Hơn thế nữa, thánh Martinô đã
cho thấy sự hiện diện của Chúa Kitô, “vị lương y” đầy lòng thương xót và
từ tâm đối với tất cả mọi người không loại trừ một ai. Đời sống truyền
giáo, lối giảng thuyết, cách “Nói về Chúa” của thánh Martinô là thế đó.
Tạm kết
Giữa
dòng chảy ồn ào huyên náo của lối sống thực dụng của xã hội Lima thời
bấy giờ, thánh Martinô đã chọn cho mình một cuộc sống đơn sơ khó nghèo.
Giữa những lời mời gọi ngọt ngào đường mật của bao niềm vui thú nơi
người trẻ phơi phới tuổi xuân thì trong nhịp sống gấp gáp vội vàng và
đong đưa quyến rũ của dòng đời hối hả tìm hưởng thụ, thánh nhân đã chấp
nhận khước từ tất cả để lội ngược dòng đời dấn thân trọn vẹn hơn cho
Chúa và tha nhân trong đời sống tu trì. Giữa một xã hội phân chia giai
cấp giàu nghèo, sang hèn, kỳ thị chủng tộc, phân biệt màu da, tiếng nói,
thánh Martinô đã chọn lối sống yêu thương, hiệp nhất, phục vụ tất cả
mọi người trong Chúa Giêsu. Giữa trăm ngàn nẻo đường đời tu, thánh
Martinô đã chọn đời sống Trợ sĩ Đaminh trong khiêm tốn, âm thầm, lặng
lẽ, hy sinh, phục vụ quên mình vì Chúa và vì phần rỗi các linh hồn.
Là
một tu sĩ dòng Giảng thuyết, thánh Martinô không nói về Chúa bằng những
bài giảng thuyết lừng danh, cũng không phải bằng những trang suy tư
thần học cao siêu, nhưng bằng chính đời sống của mình. Thế nhưng bài
giảng đó hấp dẫn và cuốn hút hơn bất cứ một bài giảng nào.
Mặc
dầu thánh nhân đã sống cách chúng ta hơn bốn trăm năm, nhưng vẫn luôn
có giá trị trong thời đại chúng ta hôm nay. Thế giới hôm nay còn đầy rẫy
chiến tranh và hận thù, cần lắm những tấm lòng nhân ái, hy sinh quên
mình như thánh Martinô. Chỉ những con người sống triệt để lối sống Tin
Mừng như thánh Martinô mới góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát do tình
trạng người bóc lột người gây ra.
Là
những người con, người bạn và là người anh em với thánh
Martinô, chúng ta cũng được mời gọi dấn thân, hy sinh phục vụ
quên mình như thánh Martinô. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên
những Martinô thời đại. Thánh Martinô là mẫu gương tuyệt vời cho
chúng ta trong đời sống thánh hiến nói chung, cách riêng là đời sống
thánh hiến Dòng Anh em Giảng Thuyết.
Tá Đương, OP.