Chương XII
SỰ VIÊN MÃN CỦA THÔNG GIAO LIÊN VỊ
TRONG TÌNH TRẠNG VÔ TỘI NGUYÊN THỦY
1.
Sự xấu hổ là gì và giải thích như thế nào khi nó không có mặt trong
tình trạng vô tội nguyên thủy, trong chính chiều sâu của mầu nhiệm tạo
dựng con người là nam là nữ? Từ những phân tích hiện nay về sự xấu hổ -
đặc biệt là về sự e thẹn (ngượng ngùng) trong tính dục – người ta rút ra
kinh nghiệm nền tảng phức tạp này, trong đó con người tự bộc lộ như một
nhân vị theo cấu trúc riêng của mình. Trong kinh nghiệm xấu hổ, con
người cảm thấy e sợ trước «cái mình (hay tự ngã) thứ hai» (chẳng hạn,
người nữ trước mặt người nam), điều đó tự căn bản thật ra là e sợ chính
«tự ngã» (bản thân) mình. Với sự xấu hổ, con người biểu lộ gần như “theo
bản năng” cái nhu cầu khẳng định và chấp nhận «tự ngã» này theo đúng
giá trị của nó. Con người cảm nghiệm điều ấy vừa từ bên trong mình, vừa ở
bên ngoài mình, trước mặt «tha nhân» (tức là người kia). Bởi thế, ta có
thể nói rằng xấu hổ là một kinh nghiệm phức tạp, theo nghĩa nó hầu như
đẩy một người ra xa khỏi người kia (người phụ nữ ra xa người đàn ông)
lại đồng thời cố lôi kéo hai nhân vị xích gần lại nhau, bằng cách tạo
nên một nền tảng và mức độ thích hợp để thực hiện điều đó.
Cũng bởi lí do đó, xấu hổ có một ý nghĩa nền tảng liên quan đến việc định hình cái ethos trong cuộc sống xã hội loài người, và đặc biệt là trong mối quan hệ nam-nữ. Phân tích sự xấu hổ ta thấy rõ nó đâm rễ sâu xa từ trong chính các tương quan, nó biểu lộ chính xác những qui luật thiết yếu cho sự «hiệp thông liên vị», và cũng chạm sâu tới chiều kích của «sự đơn độc» nguyên thủy của con người như thế nào. Sự «xấu hổ» xuất hiện trong trình thuật kế tiếp ở chương 3 sách Sáng thế có nhiều ý nghĩa, và chúng ta sẽ phân tích khi thuận tiện.
Thế nhưng, thuở ban đầu không có xấu hổ như St 2,25 nói: «Cả hai trần truồng mà không cảm thấy xấu hổ», điều đó có ý nghĩa gì?
2. Trước hết, cần phải xác định ở đây là thực sự không có sự xấu hổ, chứ không phải nó đã có tiềm tàng và chờ được phát triển. Dù sao đi nữa chúng ta cũng không thể cho rằng xấu hổ có một ý nghĩa nào đó tự nguyên thủy. Đoạn St 2,25 cho thấy dứt khoát không thể có trường hợp muốn ám chỉ đến một tình trạng «chưa biết xấu hổ», hoặc một sự thiếu đoan trang, và hơn nữa, càng không thể chấp nhận một lối giải thích so sánh tương tự (loại suy) với những kinh nghiệm thực tế nhân bản, chẳng hạn như kinh nghiệm tuổi thơ ấu hay cuộc sống của những dân tộc gọi là bán khai. Những kiểu loại suy như thế thì không đủ, mà thậm chí có thể còn sai lạc. Những lời lẽ của St 2,25 «họ không cảm thấy xấu hổ» không biểu lộ một ý nghĩa khiếm khuyết, nhưng ngược lại, để diễn tả một sự sung mãn đặc biệt về ý thức và kinh nghiệm, nhất là một sự hiểu biết trọn vẹn ý nghĩa của thân xác, vốn được liên kết với sự kiện «họ trần truồng».
Phần sau của trình thuật yahvit – với bối cảnh là sự xấu hổ và đặc biệt là sự e thẹn trong tính dục xuất hiện: điều đó gắn liền với sự kiện con người đánh mất tình trạng sung mãn nguyên thủy – chứng tỏ rằng đoạn văn đã trích trên phải được hiểu và chú giải như thế. Do đó, khi giả thiết kinh nghiệm xấu hổ như là kinh nghiệm «biên giới», chúng ta phải tự hỏi về ý nghĩa của sự trần truồng nguyên thủy (mà St 2,25 nói đến). Sự trần truồng nguyên thủy tương ứng với việc con người đã ý thức và kinh nghiệm trọn vẹn về ý nghĩa của thân xác tới mức nào, nhất là, con người đã hiểu hoàn toàn ý nghĩa của thân xác tới mức nào?
3. Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần phải luôn nhớ những gì chúng ta đã phân tích cho đến nay, trên cơ sở toàn cảnh của trình thuật yahvit. Trong bối cảnh ấy, sự đơn độc nguyên thủy của con người cho thấy bản tính của con người «không đồng nhất» với thế giới các sinh vật (animalia) đang sống quanh mình.
Sau khi được tạo dựng có nam có nữ, tình cảnh «không đồng nhất» ấy được thay thế bằng niềm hạnh phúc con người khám phá nhân tính của mình nhờ «sự trợ giúp» của tha nhân kia. Như thế, người đàn ông nhận ra và tìm thấy lại nhân tính của mình nhờ người «trợ tá» phụ nữ của mình (St 2,25). Hành động này của họ cũng đồng thời là một nhận thức thế giới được thực hiện trực tiếp qua thân xác («thịt bởi thịt tôi»). Đó là cội nguồn trực tiếp và hữu hình của kinh nghiệm tạo lập sự hợp nhất trong nhân tính của họ. Bởi thế, sự trần truồng tương ứng với ý thức trọn vẹn (viên mãn) về ý nghĩa của thân xác, hệ quả của nhận thức tiêu biểu của giác quan, là điều dễ hiểu. Người ta có thể nghĩ đến tính viên mãn này theo phạm trù chân lí của hữu thể hay của thực tại, và có thể nói rằng người đàn ông và người đàn bà tự nguyên thủy vốn được trao ban cho nhau đúng theo chân lí đó, vì «họ vốn trần truồng». Khi phân tích ý nghĩa của sự trần truồng nguyên thủy chiều kích này tuyệt đối không thể bị gạt bỏ. Việc tham dự vào nhận thức thế giới đó – với dáng vẻ «bên ngoài» của nó – là một sự kiện trực tiếp và gần như tự phát, nó có trước mọi tri thức và kinh nghiệm phức hợp mang tính «phê bình», và có vẻ liên kết chặt chẽ với kinh nghiệm về ý nghĩa của thân xác con người. Theo cách này người ta có thể hiểu sự vô tội nguyên thủy của «tri thức».
4. Tuy nhiên, người ta không thể xác định ý nghĩa của sự trần truồng nguyên thủy nếu chỉ xét đến sự tham dự của con người vào việc nhận thức thế giới bên ngoài. Không thể hiểu được ý nghĩa ấy nếu không đi vào cõi thân mật thâm sâu của con người. Đoạn St 2,25 sẽ dẫn ta vào chính tầng sâu này và muốn chúng ta tìm sự vô tội nguyên thủy của tri thức ở đó. Thật vậy, chính trong chiều kích nội tâm con người mà ta cần giải thích và lượng định mức độ viên mãn riêng của sự thông giao (comunicazione) liên vị, nhờ đó người đàn ông và người đàn bà «trần truồng mà không cảm thấy xấu hổ».
Ý niệm thông giao hay còn gọi là truyền thông này, trong ngôn ngữ thông thường của chúng ta ngày nay gần như đã bị tha hóa, được người ta hiểu khác xa với ý nghĩa nguyên sơ sâu xa nhất của nó. Đặc biệt nó liên hệ đến lãnh vực phương tiện truyền thông, nghĩa là phần lớn được hiểu như là sản phẩm phục vụ cho việc tìm hiểu, trao đổi, xích lại gần nhau. Nhưng theo nghĩa nguyên thủy và sâu xa nhất, «thông giao» vốn gắn liền trực tiếp với các chủ thể «thông truyền» với nhau ngay trên cơ sở sự «hiệp nhất đồng lòng» giữa họ với nhau, vừa nhằm đạt đến vừa nhằm diễn tả một thực tại vốn chỉ thích hợp và thuộc về bình diện của các chủ thể-ngôi vị. Như thế, thân xác con người mặc lấy một ý nghĩa hoàn toàn mới không thể chỉ dừng lại ở bình diện nhận thức «ngoại giới». Nó diễn tả một ngôi vị cụ thể, cả trên bình diện bản thể và hiện hữu, là cái gì đó còn hơn là một «cá thể», nó diễn tả một cái «tôi» nhân vị làm nền tảng bên trong cho nhận thức ngoại giới.
5. Toàn thể trình thuật kinh thánh, nhất là bản văn yahvit, cho thấy rằng thân xác, nhờ chính tính chất hữu hình của mình, biểu lộ con người. Trong khi biểu lộ con người, thân xác hoạt động như là trung gian, nghĩa là nó giúp cho người nam và người nữ «thông giao» với nhau theo sự hiệp thông liên vị mà chính Tạo Hóa đã muốn cho họ ngay từ thuở ban đầu. Xem ra chỉ có chiều kích này mới giúp ta hiểu đúng đắn nhất ý nghĩa của sự trần truồng nguyên thủy. Về vấn đề này, mọi tiêu chuẩn “duy tự nhiên”[1] (naturalistico) rốt cuộc sẽ thất bại, trái lại, tiêu chuẩn “duy nhân vị” có thể rất hữu ích. Đoạn St 2,25 chắc hẳn là nói về một điều gì đó khác thường nằm ngoài phạm vi của kinh nghiệm xấu hổ con người đã trải nghiệm, đồng thời nó cũng quyết định về sự viên mãn đặc biệt của thông giao liên vị, điều phát xuất từ chính tâm điểm của sự hiệp thông (communio) và nhờ vậy mà sự hiệp thông mới được lộ ra và triển nở. Trong mối quan hệ đó, câu nói : «họ không cảm thấy xấu hổ» có thể chỉ có ý nghĩa (gián tiếp) về một chiều sâu nguyên thủy muốn khẳng định những gì liên hệ đến nhân vị, những gì biểu lộ rõ ràng là nam là nữ, nhờ đó tạo nên «sự thân mật» của thông giao giữa hai con người với tất cả nét đơn sơ và tinh tuyền tuyệt đối của nó. Tương ứng với cái tri giác “ ngoại giới” viên mãn này, được diễn tả qua sự trần truồng thân xác, là cái nhìn “nội tâm” viên mãn về con người trong Thiên Chúa, nghĩa là theo thước đo «hình ảnh Thiên Chúa» (x. St 1,27). Theo chiều kích này, con người thật sự “là” trần truồng (St 2,25) [1], ngay cả trước khi nhận biết mình trần truồng (St 3.7-10).
Chúng ta còn phải phân tích đoạn văn quan trọng này trong những suy tư kế tiếp.
------------
[1] Theo lời Kinh Thánh nói, Thiên Chúa thấu suốt các thụ tạo, trước mặt Ngài mọi loài mọi vật đều «trần trụi»: « Trước mặt Người không có thụ tạo nào lại là u ẩn, nhưng tất cả đều trần trụi (pánta gymná) và phơi bày trước mặt Đấng mà chúng ta phải trả lẽ» (Dt 4,13). Đặc tính này đặc biệt thuộc về Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa : «Do tính thuần khiết, Đức Khôn Ngoan thâm nhập và xuyên thấu mọi vật mọi loài» (Kn 7,24).
0 Nhận xét