Trách nhiệm khi ‘xả lũ giết dân’?
Phạm Chí Dũng
Theo BBC
TMSS: Chuyện xảy ra khá lâu nhưng hôm nay TMSS đăng lại bài này của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng vì nhận thấy rằng: Có những bản án tử hình đã tuyên nhưng bản án này thì chưa được tuyên. Và nếu tuyên án tử hình thì phải tuyên cho cả hệ thông làm đúng quy trình chết người này. Thật là bất nhân khi hăm hở loại bỏ đi mạng sống của một ai đó nhưng lại thờ ơ trong hoàn cảnh này! Hỏi án tử hình có đủ tính răn đe và đủ tác dụng chuyển hóa con người không? Án tử hình như thế có cần thiết không khi cả hệ thống pháp luật lặng câm trước nỗi đau của con dân thế này!?
Người dân nghèo Việt Nam thật quá cam chịu! Dân tộc Việt Nam thật quá nhẫn nhục!
Thủy điện địa phương xả lũ, khiến người dân phải lên nóc nhà, theo báo VN |
Cả rẻo đất hình chữ
S đã quằn quại trong một thảm cảnh vô cảm đồng loại chưa từng có! Những
vụ xả lũ thủy điện như một cách “giết sống” đến ba chục mạng người mà
vẫn không một quan chức nào phải chịu trách nhiệm!
Những cái chết tang
thương đã đột ngột trùm lên vùng lũ miền Trung vào giữa tháng 11/2013,
trong mùa mưa to gió lớn cùng với trận dịch xả lũ của đồng loạt 15 hồ
thủy điện.
Đáy trách nhiệm và đỉnh phẫn uất
Ở trên cao và trùm
lên tất cả, trách nhiệm thuộc về bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - người đứng đầu
một bộ có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề quy hoạch thủy điện,
phê duyệt các dự án thủy điện.
Bất chấp những lời
dẫn dụ đầy ngụy biện của giới quan chức chính phủ và bộ ngành, tất cả
đều đã quá chậm. Bất chấp vài trăm dự án thủy điện cuối cùng cũng buộc
phải gạt ra khỏi quy hoạch, hàng trăm dự án thủy điện còn lại đã quét đi
hơn 50.000 hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người
dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề… khốn đốn
trong sinh hoạt. Nhiều người dân trắng tay và cũng trắng xóa lòng tin
vào chế độ.
Đáy trách nhiệm quan chức luôn là đỉnh phẫn uất của nhân dân.
Vụ xả lũ của 15 hồ
thủy điện lại nằm trong chuỗi “giết sống” người dân một cách có hệ thống
trong mùa mưa bão. Vào giữa tháng 9/2013, đã có một chứng thực mang
tính bất chấp với cú xả lũ thình lình vào vùng trũng lòng dân Đắc Lắc
của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khiến ít nhất 11 người mất tích.
Không thể gọi khác hơn, người dân vùng rốn lũ đã bị ép chặt vào một cái đáy không lối thoát.
“Dưới đáy” ở Việt
Nam cũng là đêm không ngủ. Những nạn nhân chỉ trong phút chốc đã bị mất
toàn bộ tài sản nhỏ nhoi và miếng ăn còn sót lại. Nhưng đã không một
hành động nào được các “đày tớ” làm sáng tỏ cho những cái chết trong quá
khứ để tránh thoát những cái chết vừa mới xảy ra.
Phú Yên với liên
tiếp những cú xả lũ của Thủy điện sông Hinh và Thủy điện sông Ba Hạ
những năm trước đã là một điển hình về sự vô lương tâm chưa hề có đáy.
“Vô cảm” xem ra vẫn là từ ngữ nhẹ nhàng và lịch sự mà báo giới và dư
luận dành để mô tả về quan chức thời nay.
Tội ác
Thủy điện Sông tranh (2) ở Quảng Nam xả lũ với lưu lượng hơn hai nghìn m3/giây |
Tội ác đã đến từ
cấp độ không chỉ vô cảm, mà còn hơn thế nhiều, rất nhiều. Người ta nên
nhớ trong những năm 2007-2008, tập đoàn EVN đã làm nên một một kỷ lục
ghê gớm về số lỗ do đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán. Để
vào năm 2013, một báo cáo của cơ quan chức năng mới cho biết số lỗ còn
treo mà EVN bị nhấn chìm trong đó lên tới hơn 34.000 tỷ đồng, tương
đương với hàng trăm ngàn ngôi nhà tình nghĩa.
EVN cũng đã hóa
thân như một trong những tác nhân ghê gớm nhất trút lỗ lên đầu người
dân, với các chiến dịch tăng giá điện được tiến hành không ngưng nghỉ,
liên tiếp gây sức ép lên đời sống dân sinh cùng kích động lạm phát. Cơ
quan chủ quản của tập đoàn này - Bộ Công thương - cũng rất thường bị dư
luận nghi ngờ về không ít lần “đi đêm” cho những đợt tăng giá làm khốn
đốn dân tình.
Giờ đây, sau tất cả
những hậu quả không thể tha thứ, giới quan chức mới như nén cười để bàn
thảo với nhau về cái được gọi là “cần có quy chế phối hợp trong việc xả
lũ”.
Để sau hàng loạt vụ
xả lũ như một cách giết sống người dân, vẫn không có bất kỳ một quan
chức nào bị đưa ra truy tố và xét xử. Mọi việc vẫn treo nguyên vẹn ở đó,
hệt như dòng lũ trắng luôn treo lơ lửng trên đầu người dân vùng rốn lũ.
Với nhiều người dân
và cả những công chức vẫn thê thiết trong thói quen cam chịu, âu đó
cũng là bi kịch của một đất nước quá kém dân chủ. Dân chủ càng tụt hậu,
đạo đức càng lụn bại thì càng khó có chuyện chịu trách nhiệm hành chính
về những hậu quả đã quá đủ để kết tội hình sự.
Nhưng ở Việt Nam,
vẫn chưa có một cuộc biểu thị phẫn uất đích đáng nào dành cho quá nhiều
hậu quả khủng khiếp về kinh tế và dân sinh, và vẫn còn lâu mới có được
“văn hóa từ chức”. Tất cả vẫn đang bị kìm nén bởi chính những đạo luật
về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình mà có lẽ còn lâu mới
được đẻ muộn bởi bà mẹ Hiến pháp.
Ở Việt Nam, người
ta vẫn trầm uẩn lòng nhẫn nhịn không thể hiểu nổi và còn chưa hồi kết.
Tâm thế trầm cảm trùm mền không thể diễn tả ấy lại vẫn lắng đọng nơi
hoàng cung quốc hội, bên lề báo giới và trong vô số hiện tồn ngổn ngang
vẫn ngày đêm hành hạ lương tâm của những người còn rơi rớt lương tâm.
Xót xa thực chất
phải cộng hưởng với cùng khổ không lối thoát. Không thể nói khác hơn,
tội ác của EVN và ngành thủy điện đang đẩy trách nhiệm của giới quan
chức xuống một cái đáy chưa phải tận cùng, đồng thời thúc tình cảm phẫn
nộ của các nạn nhân lên đến cận đỉnh điểm.
Không cần và không
còn thời gian để bàn về “quy chế phối hợp xả lũ” nữa. Mưa lũ vẫn đang và
vẫn sẽ tiếp diễn, ập xuống từ trên trời nhưng cũng sẽ dội lên từ lòng
đất. Sẽ còn những cái chết, nhiều sinh mạng bị đánh cắp và đánh cướp.
Muộn còn hơn không,
vụ xả lũ thủy điện ở các tỉnh miền Trung cần phải được người dân kiện
ra tòa án, với trách nhiệm đầu tiên thuộc về những doanh nghiệp thủy
điện, EVN và trách nhiệm điều hành của lãnh đạo Bộ Công thương.
Đã đến lúc xã hội dân sự cần lên tiếng ở Việt Nam. Một xã hội của người dân, trí thức và những người còn lương tâm trong Đảng.
Trách nhiệm ấy,
không thể khác hơn là phải khởi tố vụ án xả lũ gây chết người, trong đó
không thể loại trừ trách nhiệm của những quan chức cấp ủy viên trung
ương đảng như ông Vũ Huy Hoàng.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà báo tự do đang sống ở TP. Hồ Chí Minh.
0 Nhận xét