Sáu lý do để bãi bỏ án tử hình
ĐẶNG Đình Cung
Kỹ sư tư vấn
Trong
lần Xem xét Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt: UPR)
ở Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tháng 2 vừa qua1 :
‒
Đại diện chính quyền Việt Nam có lý khi nêu lên những thành tích về xóa
đói giảm nghèo, bảo trợ y tế, giáo dục đại chúng, chống buôn người,...
và, gần đây, đã ký "Công ước Chống Tra tấn và các Hình thức Trừng phạt hay Đối xử Tàn ác, Vô Nhân đạo hoặc Hạ nhục"2.
‒
Còn các nước phương Tây và các đại diện người Việt Nam đấu tranh vì dân
chủ dĩ nhiên cũng có lý khi đòi quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm,
tự do tôn giáo, tự do quan niệm, tự do phát biểu quan điểm và tự do hội
họp và lập hội có tính cách hoà bình và quyền tham chính.
Một bên thì dẫn chứng đã thực thi các điều 4, 5, 22, 25 và 26 của "Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền". Một bên thì đòi thực thi các điều 18, 19, 20 và 21 của tuyên ngôn đó3.
Trừ khi chúng tôi rà xét không kỹ, ít ai để ý đến việc Bộ Tư pháp Việt
Nam hứa sẽ tiếp tục giảm số tội tử hình theo điều 3 của tuyên ngôn về "quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể".
Trong bài này chúng tôi xin trình bày vì sao phải bãi bỏ tất cả các án tử hình.
1.
Trên nguyên tắc thì chiến lược công nghiệp chỉ có một mục đích là kiếm
được nhiều lãi chứ không liên quan gì đến đạo đức và chính trị. Nhưng
khi kinh doanh phi đạo đức hay ngược với xu hướng tư tưởng chính trị của
thế giới thì sản phẩm và dịch vụ của mình sẽ bị khách hàng tẩy chay,
những bên cung cấp và những nhà tài trợ sẽ ngại không muốn có liên hệ
thương mại với mình, sẽ không tuyển được nhân viên giỏi và nếu tuyển
được thì những nhân viên đó sẽ xấu hổ, ngại không muốn làm việc hăng say4.
Theo
giáo lý nhà Phật thì một Phật tử không giết người, coi án tử hình là
một điều ghê tởm nhất. Hầu hết các tôn giáo khác đều chống lại án tử
hình. Đạo Do Thái bãi bỏ án này từ năm 30 sau công nguyên. Cả tới tôn
giáo có quan điểm hình sự hung bạo nhất như Hồi giáo cũng có giáo phái
kêu gọi bãi bỏ. Quốc gia đầu tiên bãi bỏ án tử hình năm 1863 là
Venezuela, trong lịch sử chưa bao giờ nổi tiếng là có một thể chế dân
chủ gương mẫu. Năm 2002, Tòa án Hình sự Quốc tế tuyên bố sẽ không tuyên
án tử hình kể cả cho những tội ghê tởm nhất như là tội chống lại nhân
loại, tội diệt chủng, tội ác chiến tranh. Trong số 193 thành viên Liên
Hiệp Quốc thì, trong năm 2012, có 150 nước đã chính thức bãi bỏ hay
không thực thi án này nữa và tổng cộng 173 nước đã không hành quyết ai.
Bãi bỏ hoàn toàn án tử hình là trào lưu của thế giới bất luận hệ thống
tư pháp, truyền thống, tục lệ và tôn giáo. Ngoài vấn đề nhân quyền không
được hoàn toàn tôn trọng, chúng ta gặp khó khăn về ngoại giao vì có án
tử hình trong Bộ Luật Hình sự. Cách đây hai chục năm Canada đã cắt liên
hệ ngoại giao và ngưng không viện trợ kinh tế cho ta trong một thời gian
vì đã hành quyết một Việt kiều công dân của nước họ. Sau khi một tòa án
tuyên hơn ba chục án tử hình vì buôn ma túy5 thì ba tổ chức
phi chính phủ Harm Reduction International (Giảm Thiệt hại Quốc
tế), Reprieve (Hoãn án Tử hình) và World Coalition Against the
Death Penalty (Liên minh Thế giới Chống Án tử hình) kêu gọi UNODC
(United Nations Office on Drugs and Crime, Cơ quan Liên hiệp quốc Phòng
Chống Ma túy và Tội ác) ngưng trợ giúp chúng ta trong việc đàn áp buôn
bán ma túy6. Chúng ta đang gặp khó khăn khi thương thuyết về
hiệp ước dẫn độ. Một số nước đã chính thức bãi bỏ án tử hình, như
Australia, Canada, New Zealand hay tất cả các nước trong Liên hiệp Âu
Châu, có luật hay tiền lệ cấm không nộp phạm nhân cho chúng ta đòi nếu
người đó có thể bị kết án tử hình. Gần đây Amnesty International (Ân xá
Quốc tế) đến thăm nước ta để bàn về những tù nhân lương tâm. Tổ chức phi
chính phủ này cũng tranh đấu bỏ án tử hình7. Chúng tôi dự
đoán phái đoàn đã đề cập vấn đề này với các nhà chức trách Việt Nam. Giữ
án tử hình trong Bộ Luật Hình sự làm hại cho chính sách làm bạn với mọi
nước mà chúng ta đang theo đuổi.
2. Trong
chiến lược công nghiệp, người ta không bỏ tốn nhiều công lao tiền bạc
để giải quyết những hậu quả của một sai sót mà tập trung vào việc thanh
toán nguyên do gốc của nó8.
Đọc báo
trong nước thì thấy đăng nhiều tin về giết chóc, tự sát, ẩu đả, hiếp
dâm, trộm cướp,... Số lượng những tin đó mỗi ngày mỗi gia tăng. Có người
nói rằng chính quyền không cho phép báo chí đăng những bài liên quan
đến tình hình và chính sách kinh tế, chính trị, xã hội nên họ phải đăng
những chuyện vậy để có đủ trang mà bán quảng cáo. Nhưng nếu đã về nước
từ thập kỷ 1990 thì phải nhận thấy rằng xã hội Việt Nam đã trở nên hung
bạo hơn. Có người lý giải rằng dân tộc ta vốn hung bạo và viện cớ đó để
bảo vệ án tử hình trong Bộ Luật Hình sự. Điều này không thể chấp nhận
được vì ám chỉ một chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc: dân tộc Việt Nam ta xấu
và các dân tộc khác tốt, phải giết tội phạm thì mới trị được. Theo Marx
thì xã hội là kết quả của chính sách. Theo Edward Deming, một trong
những tổ sư của bộ môn quản lý chất lượng, thì 90 phần trăm mọi việc tốt
hay xấu là do lãnh đạo xí nghiệp9. Do đó có quan điểm tình
trạng xã hội hung bạo ở nước ta do chính thể cộng sản sinh ra. Xã hội
các nước Trung Đông và một số nước Nam Mỹ không có chính quyền cộng sản
mà sao cũng hung bạo không kém gì nước ta? Trình tự khoa học là phải bỏ
ra nhiều công lao nghiên cứu về xã hội học thì mới phát hiện được nguyên
do gốc. Sau đó, theo kinh nghiệm các nước khác, phải cương quyết hành
động ít nhất một hai thế hệ thì nước ta mới có thể trở thành một xã hội
yên lành được. Theo chúng tôi được biết thì chưa có nghiên cứu xã hội
học nào đã được tiến hành về nạn hung bạo ở Việt Nam, chưa ai biết được
nguyên do gốc của tình trạng này. Vì thế mà quy định án tử hình cho một
số tội danh không phải là một phương pháp giải quyết nạn hung bạo.
3. Trong
chiến lược công nghiệp, người ta chặn một sai sót ngay khi phát hiện
chứ không để nó tràn lan và trở thành một vấn đề nan giải10.
Người Pháp có câu "ai ăn cắp một quả trứng thì sẽ ăn cắp một con bò"
(qui vole un œuf, volera un bœuf). Theo các chuyên gia về tội phạm học
thì tỷ số tội phạm ở các tiểu bang Mỹ có án tử hình và những tiểu bang
không có chẳng khác nhau gì. Phương pháp có vẻ hữu hiệu đã được áp dụng
thành công ở New York là chính sách "không khoan nhượng" (zero
tolerance). Nếu một người khi còn bé hung hăng đập phá đồ dùng của anh
chị mà bị phạt tịch thu ngay một đồ chơi, nếu khi tới tuổi đi học ẩu đả ở
sân trường mà bị giữ lại vài giờ sau tan học, nếu khi trưởng thành đánh
nhau với bạn nhậu mà bị đưa ngay ra tòa và bị phạt tù vài ngày thì sẽ
có ít xác suất giết người trong một lúc giận dữ. Nếu thiếu niên Dương
Chí Dũng ở trung học dự tính ăn cắp một xe đạp và bị giam trong đồn công
an vài ngày, nếu sinh viên Dương Chí Dũng bị đuổi học và cấm không được
dự thi trong vài năm vì đã đạo văn, nếu đồng chí Dương Chí Dũng bị mất
chức hay giáng chức vì đã lỡ dùng vào việc riêng thẻ tín dụng của cơ
quan thì Nhà Nước đã không bị mất trắng cả nghìn tỷ đồng và đã không có
một tử tội tên là Dương Chí Dũng. Kinh nghiệm của thành phố New York vẫn
là kinh nghiệm đơn lẻ và hãy còn mới. Không biết có những phương pháp
nào khác hữu hiệu hơn. Có điều chắc chắn là tử hình chỉ là một chuyện dã
tràng xe cát. Nó không giải quyết được gì vì nó không nhắm vào những
sai sót về phương pháp cai trị dân, nguyên do gốc của vấn đề. Án tử hình
là một giải-pháp không hữu hiệu. Chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu
về tội phạm học.
4. Trong chiến
lược công nghiệp, người ta chỉ tiến hành một quy trình sản xuất khi kết
quả mong đợi của nó đã được chứng minh là sẽ đạt được, khởi điểm của nó
đã rõ ràng11 và diễn tiến của nó được mô tả đầy đủ12.
Có
quan điểm hình phạt tử hình là cần thiết để trừng phạt các hành vi phạm
tội nặng, người dân Việt Nam tán thành với quan điểm đó. Điều đó hoàn
toàn sai. Đa số người Việt Nam theo đạo Phật. Thực tế thì tử hình là một
răn đe hoàn toàn vô hiệu và vô dụng. Một sát nhân đâu có nghĩ đến rủi
ro sau này sẽ bị hành quyết khi gây ra án mạng trong một cơn say rượu,
ghen tuông, điên cuồng,... Trong các vụ xử gián điệp, điệp viên bản xứ
đã bị đặt ở vị thế phải chọn lựa giữa phản quốc hay tự sát, còn điệp
viên ngoại quốc đã được lệnh liều mạng để tấn công địch. Khi xưa, chính
quyền Pháp thuộc xử tử nhiều chiến sĩ cách mạng của ta thế mà vẫn có
người đứng lên tranh đấu cho tới khi đất nước ta độc lập như ngày nay.
Israel không có tội tử hình. Adolf Eichmann chỉ bị kết án tù chung thân
mặc dù đã tổ chức diệt chủng người Do Thái, tổ tiên của họ. Một công dân
của họ đã tiết lộ họ sản xuất bom nguyên tử cũng chỉ bị bỏ tù và, gần
đây, đã được tại ngoại. Thế mà Nhà nước Israel vẫn vững chắc và an ninh
quốc gia Israel cũng không bị các nước láng giềng đe dọa hơn. Hiện nay,
chúng ta gặp nhiều vấn đề hành quyết tử tội : bác sĩ không muốn tham gia
hành quyết13, không nước nào bán cho ta thuốc độc để hành
quyết, thuốc độc tự chế thì không giết mau làm cho tử tội đau đớn lâu
trước khi chết và Bộ Công an phải xin phép Quốc hội cho phép tiếp tục xử
bắn14,... Kiếm giải pháp cho một việc vô ích để làm gì?
5. Trong
chiến lược công nghiệp, khi có một vấn đề kỹ thuật chưa kiềm chế được
thì người ta tiếp tục nghiên cứu và chỉ thử những giải pháp khả nghịch
(có thể đảo ngược được) chứ không hành động bừa bãi15.
Chúng tôi không muốn tham gia vào luận chiến về tính không rõ rệt của một số tội danh trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam, đặc biệt "tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" ở điều 25816.
Chúng tôi cũng không muốn châm biếm chua chát việc thường dân trong
nước bị trộm thì công an không đả động gì, nhưng nếu một tướng công an
bị trộm thì kẻ gian bị bắt ngay và bị phạt nặng quá lố17. Mọi
quy pháp đều có thể cải thiện được và cần được cải thiện. Nếu so sánh
bộ luật hình sự của hai nước khác nhau thì sẽ nhận thấy khác biệt về
danh sách tội danh. Ở nước ta không có tội ngoại tình. Ở một nước Ả Rập
ngoại tình là một tội có thể bị kết án tử hình. Ở Israel phản quốc chỉ
bị bỏ tù có thời hạn. Ở nước ta thì tử hình. Ở mọi nước, công lý đều ít
nhiều thiên vị. Nếu so sánh hình phạt cho cùng một tội danh ở hai nước
khác nhau thì cũng thấy khác biệt giữa mức phạt. Trước tòa án, người
quyền thế giàu có sẽ có điều kiện tuyển luật sư giỏi để bào chữa và có
thể tránh được án tử hình còn kẻ khốn nạn nghèo khó thì không có khả
năng đó và có thể bị tuyên án tử hình với cùng một tội danh. Ở mọi nước,
đều có nạn xử oan18. Nhưng ở Việt Nam, thường xuyên xảy ra
những chuyện nghi can tử vong hay nhập viên sau một buổi "làm việc" với
công an. Với phương pháp hỏi cung như vậy thì có thể đoán được rằng
nhiều người đã nhận những tội mà họ đã không vi phạm và trong số hơn 500
tử tù đang chờ bị hành quyết thì có một số lớn sẽ bị giết oan. Gần đây,
báo chí trong nước có nêu tình huống ông Nguyễn Thanh Chấn được giải
oan sau mười năm ở ngồi tù thụ án chung thân về tội giết người19. Sau khi đăng tin ấy thì một số phóng viên phát hiện ra có nhiều trường hợp nghi can bị bức cung rồi bị xử oan20. Theo một bài báo thì đáng ra ông Chấn phải bị kết án tử hình nếu không phải là con của một liệt sĩ21.
Nếu thực sự ông Chấn đã bị hành quyết mà bây giờ giải oan thì ông ấy
cũng không sống lại nữa. Người ta biện luận công lý chủ quan do khác
biệt văn minh giữa các nước. Nhân danh văn minh gì mà quyết định giết
hay không giết một người? Khi Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua nghị
quyết 62/1494 kêu gọi ngưng hành quyết tội phạm trên thế giới22, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki–Moon tuyên bố: "Tước
đời sống của một người là một quy trình quá triệt để, quá bất khả
nghịch để một con người có thể bắt một con người khác phải chịu kể cả
khi đã xuyên qua một trình tự tư pháp".
6. Trong chiến lược công nghiệp, người ta không tiến hành một quy trình có thể phản tác động (counterproductive)23.
Trước đám đông kêu gọi ném đá giết một phạm nhân, Đức Chúa Giê‒Su nói :"người nào chưa bao giờ tội lỗi thì hãy ném viên đá đầu tiên". Chúng tôi thú nhận không cầm được nước mắt khi đọc tác phẩm "Le dernier jour d'un condamné" của Victor Hugo24 và một số vụ xử tử đăng trên báo trong nước25.
Trong số những người bảo vệ chính lý của án tử hình có bao nhiêu người
tin chắc rằng không có người nào trong gia tộc họ một ngày nào đó có thể
bị tuyên án tử hình? Nếu tình huống đó xảy ra thì họ sẽ tiếp tục cổ vũ
cho án tử hình hay không?
*****
Tại UPR "đại
diện Bộ Tư pháp cho biết Việt Nam đã giảm một nửa số tội có hình phạt
tử hình, từ 44 tội trong Bộ luật hình sự năm 1985, xuống còn 29 tội
trong Bộ luật hình sự năm 1999, và trong Bộ luật hình sự sửa đổi năm
2009 giảm xuống còn 22"26. Chúng tôi đã kiểm chứng những số liệu đó hoàn toàn đúng và có nhiều dấu hiệu cho thấy tuyên bố của đại diện Bộ Tư pháp "trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xem xét sửa đổi Bộ luật hình sự và giảm số tội có hình phạt tử hình" là thành thật. Trong nước cũng đã có nhiều ý kiến nên bãi bỏ tử hình cho một số tội27. Tuy nhiên, như thế rõ ràng là không đủ.
Chúng tôi kêu gọi :
‒ Bãi bỏ án tử hình cho TẤT CẢ các tội kể cả "những tội nghiêm trọng, có tính chất man rợ, và các tội đe dọa sự tồn vong của Nhà Nước".
‒ Lợi dụng chúng ta đang không biết hành quyết tử tù ra sao cho ổn để NGƯNG NGAY những hành động dã man này.
‒
Các nhà lập pháp nước ta bãi bỏ án tử hình và ghi điểm này trong Hiến
pháp khi sửa đổi Hiến pháp để thích nghi với Hiến chương ASEAN dự kiến
sẽ được thông qua năm tới.
Trong khi chờ Quốc hội thông qua quyết định bãi bỏ án tử hình, chúng tôi xin Chủ tịch Nước :
‒
Dựa trên khoản 3, điều 88 của Hiến pháp để quyết định đặc xá, đổi án tử
hình thành tù chung thân cho tất cả các phạm nhân hiện đang chờ bị hành
quyết.
‒ Ra lệnh điều tra lại những vụ khởi tố đã dẫn tới những án tử hình để biết chắc rằng không ai đã bị kết án oan.
Đ.Đ.C.
29/3/14
2 Công ước Chống Tra tấn và Các Hình thức Trừng phạt hay Đổi xử Tàn ác, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục : Tiếng Việt, Tiếng Anh
4
Phân bón của Dow Chemicals bị tẩy chay khắp nơi vì hãng này đã sản xuất
chất độc Da Cam. Công ty hỏa xa SNCF của Pháp không kinh doanh được ở
bên Mỹ vì trong Đệ nhị Thế chiến công ty này đã chở người Do Thái đến
các trại hủy diệt. Nhiều khách hàng không mua hàng may mặc của nhiều tập
đoàn Âu Châu vì các hãng này đã gia công cho những xưởng máy Bengladesh
nghiệt đãi công nhân. Cách đây vài năm, nhiều người nhất quyết không
mua xăng của hãng Total vì hãng này bị nghi là đã dùng lao động cưỡng
bách để xây một đường ống dẫn dầu ở Miến Điện.
8
Trong xí nghiệp, thường xuyên người ta dùng công cụ biểu đồ Ishikawa và
công cụ 5 Why (hỏi tại sao năm lần liên tiếp) để phát hiện nguyên do
gốc của một sai sót, kể cả sai sót tiềm tàng.
9
Chúng tôi quả quyết đã đọc điều này hay một điều tương tự khi còn là
sinh viên. Nhưng thú nhận là bây giờ tìm lại để kiểm tra thì không thấy
nữa. Còn về nhận xét của Deming thì chúng tôi và các đồng nghiệp trong
ngành tư vấn về chiến lược công nghiệp đều xác nhận là đúng.
10
Thí dụ, trên mặt đường có một ổ gà. Nếu sửa ngay thì chỉ tốn có vài
phút và một chút nhựa đường. Nếu để lâu thì ổ gà đó sẽ trở thành ổ trâu,
rồi ổ voi, rồi phải chạy xin vốn ODA để sửa chữa trên một diện rộng.
11
Tiếng Anh dùng chữ trigger (nghĩa đen là cò súng, cũng như pháo lệnh
xuất quân trong quân đội) để chỉ thời điểm người ta ra lệnh bắt đầu một
dự án sau khi đã kiểm tra dự án đã hội đủ điều kiện khách quan để thành
công và sinh lợi. .
12 Tỷ dụ trước khi tung ra
thị trường một sản phẩm mới, người ta bán ở một thí điểm xem khách hàng
phản ứng ra sao và người ta chỉ sản xuất và phân bố đại trà ở khắp nơi
khi nhận thấy khách hàng hưởng ứng.
15
Tỷ dụ trong ngành hạt nhân. Người ta có khả năng chôn vùi thật sâu
những phế liệu rồi quên đi vì, như thế, chúng không còn là một mối đe
dọa nữa. Nhưng người ta không làm việc đó vì, sau này, sẽ không thể lấy
lại chúng khi đã tìm được một cách tái-sử-dụng chúng hay một cách chuyển
vị chúng thành những vật liệu ổn định.
19 Công an Bắc Giang thừa nhận làm oan ông Nguyễn Thanh Chấn và Bộ Công an làm việc với ông Chấn về ép cung
20 Thêm một vụ oan sai, Vụ công an đánh chết người: Đề nghị 1 án tù giam, 4 án treo và Tòa án Hải Phòng xin lỗi dân sau 17 năm kết án oan
Đây chỉ là một số thí dụ.
23
Điều mà một thương gia sợ nhất khi tung ra thị trường một sản phẩm mới
là hiệu chứng ăn thịt người (canibalisme) : sản phẩm mới sẽ xâm chiếm
thị phần của sản phẩm cũ. Một thí dụ nữa là dự án alumin ở Tây Nguyên :
sản xuất một mặt hàng (alumin), nhưng phá hoại môi trường, làm hỏng quốc
lộ 20, cho phép người ngoại quốc nhập cư vào một vùng chiến lược quân
sự.
25 Nước mắt mẹ
Đây chỉ là một thí dụ. Báo trong nước còn đăng nhiều phóng sự tương tự nữa.
26 Trực tiếp phiên điều trần UPR về tình trạng nhân quyền Việt Nam ( xem chú thích 1).
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
0 Nhận xét